Làm gì để giải quyết bài toán học phí cho các trường đại học tự chủ?

14/08/2022 06:35
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giải quyết bài toán học phí cho các trường tự chủ, cần tăng tỷ lệ chi đầu tư cho giáo dục đại học và có sự hỗ trợ trực tiếp đối với người học.

Nhiều ý kiến cho rằng, tự chủ đại học đang đặt ra thách thức về bài toán nguồn thu cho các trường đại học khi các trường bị cắt ngân sách chi thường xuyên, do đó, buộc phải tăng mức học phí.

Đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam còn thấp so với thế giới

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, câu chuyện tự chủ đại học và bài toán học phí với thực tế đang diễn ra hiện nay đã được giới chuyên môn cảnh báo ngay từ khi Nghị quyết 77/NQ-CP “Về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 ra đời.

Lúc đó, các nhà nghiên cứu giáo dục đại học đã chỉ ra rằng, cách tiếp cận của Nghị quyết 77 là coi tự chủ đồng nghĩa với tự túc tài chính, “cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. Ảnh: Ngọc Ánh

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong khi hiểu đúng về bản chất của tự chủ là giải phóng tính sáng tạo, giải phóng nguồn lực của các trường, và nhà nước vẫn đảm bảo đầu tư cho giáo dục đại học.

Dù chúng ta nói đã nhận thức đúng, tự chủ không đồng nghĩa với tự lo nhưng về mặt pháp lý, các văn bản vẫn theo cách tiếp cận cũ, xem tự chủ là tự túc. Và thực tế, tự chủ biến các cơ sở đào tạo thành trường đại học “tự lo”, các trường không có đủ nguồn chi so với trước đây buộc họ phải tăng học phí.

Ngay cả trước khi tự chủ, nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học vẫn quá thấp để đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng theo hướng hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Đó cũng là lý do các trường thu học phí cao để nâng cao chất lượng và tăng thu nhập cho giảng viên.

Tuy nhiên, tăng học phí hiện nay có thể dẫn tới việc mất kiểm soát, mang danh trường đại học công lập nhưng học phí quá cao, trong khi không có cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình tương ứng. Đây là một lỗ hổng về mặt quản lý nhà nước cần sớm được giải quyết để tránh gây ra những hệ luỵ về mặt bình đẳng xã hội.

Để giải quyết bài toán học phí cho các trường tự chủ, Tiến sĩ Phạm Hiệp đề xuất tăng tỷ lệ chi đầu tư cho giáo dục đại học và có sự hỗ trợ trực tiếp đối với người học.

Việc tăng ngân sách cho giáo dục đại học là nên làm, chúng ta hoàn toàn có thể cân đối giữa những nguồn lực mà chúng ta đã chi hoặc đã cam kết mà chưa dùng hết.

“Cụ thể như Luật Giáo dục 2019 quy định, Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục và bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách.

Tuy nhiên, tỷ lệ tổng chi giáo dục chưa đáp ứng được định mức tối thiểu (chỉ mới được 17% - 18% trung bình giai đoạn 2016 – 2020).

Chính phủ nên thực hiện đúng cam kết, 2% còn thiếu nên chi đủ cho giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Có thể dành một nửa trong 2% đó để lập ra quỹ hỗ trợ các trường tự chủ bị cắt chi thường xuyên. Việc hỗ trợ này thực hiện theo nguyên tắc trường nào làm tốt được chi nhiều hơn dựa vào những chỉ số rất rõ ràng như kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả chuyển giao công nghệ,…

Việt Nam đầu tư cho giáo dục tính theo % ngân sách là cao so với thế giới nhưng đầu tư cho giáo dục đại học lại thấp so với thế giới, vì phần lớn ngân sách cho giáo dục đầu tư cho giáo dục phổ thông”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nêu quan điểm.

Chúng ta cũng cần học bài học kinh nghiệm khi chuyển từ mô hình tài chính cũ sang mô hình tài chính mới của giáo dục đại học ở các nước. Ví dụ Nhật Bản cũng chuyển từ chi thường xuyên sang chi dự án, đề tài như cách tư duy của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, mỗi năm các trường đại học chỉ bị cắt 1% chi thường xuyên, còn các trường đại học Việt Nam bị cắt hết chi thường xuyên.

Nên áp dụng mô hình “học phí cao – hỗ trợ cao”

Đối với việc hỗ trợ trực tiếp cho người học, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, có thể áp dụng mô hình hai cao: “học phí cao - hỗ trợ cao”. Nghĩa là học phí có thể tăng nhưng Nhà nước phải có sự hỗ trợ tương ứng về học bổng và chính sách tín dụng.

Trong đó, học bổng phải là học bổng Nhà nước cấp chứ không phải trích từ học phí như hiện nay.

Chính sách tín dụng sinh viên và mức học bổng này phải đủ đảm bảo để sinh viên chi trả học phí cao, đảm bảo mức sống tối thiểu của sinh viên tại các thành phố lớn.

Còn hiện nay, mức vay tối đa 4 triệu đồng/tháng (theo Quyết định 05/2022/QĐ-TTg) chỉ đủ để sinh viên chi trả mức học phí thấp, trong khi học bổng do Nhà nước cấp hầu như không có.

Về vấn đề tăng nguồn thu cho các trường đại học tự chủ, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, nguồn thu quan trọng nhất của các trường đại học vẫn là đầu tư từ Nhà nước và nguồn thu từ học phí.

Các nguồn thu bổ sung có thể đến từ việc thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức hoặc có các khoản hiến tặng từ xã hội. Tuy nhiên, ngay cả các trường đại học lớn trên thế giới thì nguồn thu bổ sung này cao nhất cũng chỉ đạt 20%.

Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn là Nhà nước có cơ chế đầu tư hợp lý và có các khoản đầu tư đúng, đủ cho giáo dục đại học.

Bàn về quy định học phí, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho biết, vẫn còn tồn tại một vấn đề bất cập khi không quy định mức trần học phí đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng (theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP).

Điều này là không đúng với nguyên tắc của kiểm định. Trường đại học công cần có quy định về mức trần học phí, có thể mức trần này cao hơn nhiều so với hiện tại nhưng vẫn cần cơ chế kiểm soát. Mức trần học phí phải tính đúng, tính đủ cho đảm bảo chất lượng giáo dục.

Nếu quản lý nhà nước không kiểm soát vấn đề này, một số chương trình đang được “buông” dẫn tới có trường đại học đang thu học phí quá cao.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, nếu vẫn giữ cách tư duy cũ, hành lang pháp lý vẫn xem tự chủ đại học là tự túc, để việc tăng học phí mất kiểm soát thì chúng ta sẽ đánh mất một lượng lớn sinh viên du học sang các nước khu vực.

Vì cùng mức học phí đó, nhiều người sẽ lựa chọn môi trường giáo dục, chất lượng giáo dục ở các nước Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc,… Đây cũng là một vấn đề cần phải được tính đến.

Phạm Minh