Học sinh BMS với ý tưởng bảo vệ môi trường dự Global Children’s Designathon 2024

21/04/2024 15:06
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học sinh Ban Mai School tham gia cuộc thi khoa học toàn cầu Global Children’s Designathon 2024 với chủ đề Make it Circular – Designing for a better future.

Ngày 20/4/2024 vừa qua, cuộc thi khoa học toàn cầu Global Children’s Designathon 2024 dành cho học sinh từ 9-13 được sáng lập bởi tổ chức giáo dục Designathon Works – Hà Lan đã được diễn ra tại Trường THCS – THPT Ban Mai.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp Ban Mai School (BMS) phối hợp với Designathon Works tổ chức cuộc thi khoa học giáo dục bổ ích, giúp kết nối học sinh trên toàn thế giới, cùng nhau sáng tạo và chế tạo các sản phẩm bền vững với môi trường, góp phần đem lại một thế giới tốt đẹp hơn.

Chủ đề của Global Children’s Designathon 2024 “Make it Circular – Designing for a better future” (Sức mạnh của thiết kế vòng tròn - thiết kế vì một tương lai tốt đẹp hơn) xoay quanh mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc (UN).

Xuất phát từ nghiên cứu của Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global Footprint Network-GFN), các chuyên gia và nhà khoa học đã tính toán, đo lường, định lượng, ước tính, và cảnh báo việc nhân loại đang sử dụng vượt quá khả năng cung cấp hoặc tái tạo tài nguyên của sinh quyển, sự tàn phá môi trường diễn ra nhanh hơn khả năng phục hồi của tự nhiên. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, liệu có cách nào để chúng ta giảm tình trạng vượt ngưỡng sử dụng tài nguyên thiên nhiên được hay không?

Xoay quanh chủ đề của Global Children’s Designathon 2024, các đội thi của BMS đã đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, với những mô hình thiết kế vòng tròn tuần hoàn, hướng tới kéo dài vòng đời, thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, nhằm tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, hướng tới việc giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm chất thải, chất ô nhiễm.

“Đây là năm đầu tiên em được tham gia chương trình Global Children’s Designathon tại BMS. Em được học hỏi thêm nhiều kiến thức về khoa học, vật lý, hóa học…những điều rất mới mẻ với một học sinh lớp 6 như em. Chúng em được đóng góp, chia sẻ, thảo luận, tự tay chế tạo sản phẩm mô phỏng rất thú vị. Em tin rằng, trong tương lai, những ý tưởng này sẽ trở thành những sản phẩm thực tế có ích cho môi trường và xã hội", học sinh Đào Hương Mai – lớp 6i chia sẻ.

Ảnh 1.JPG
Đào Hương Mai, lớp 6i (thứ 3 từ trái sang) cùng Team chia sẻ ý tưởng phác thảo sản phẩm.

Tại Global Children’s Designathon, ngôn ngữ tiếng Anh được sử dụng hoàn toàn trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi. Điểm đặc biệt trong format chương trình là trong mỗi đội thi đấu sẽ bao gồm các học sinh từ 9 -13 tuổi là vai trò thí sinh, từ 14 – 17 tuổi sẽ đảm nhiệm vai trò hướng dẫn. Để đưa ra được một ý tưởng thống nhất, các bạn trong đội thi đã trải qua quá trình tự hướng dẫn, tự học hỏi, tự nghiên cứu, tự trao đổi, tự phản biện được diễn ra liên tục và thường xuyên thông qua những buổi làm việc nhóm sau giờ học tại trường. Sau 6 năm tổ chức cuộc thi, BMS đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ học sinh đam mê khoa học, tự tin trưởng thành từ vai trò thí sinh, sau đó quay trở lại thành vai trò hướng dẫn, dẫn dắt các em khóa dưới.

Ảnh 2.png
Cùng nhau học tập, nghiên cứu và chế tạo mô hình sản phẩm.

05 đội thi đều có khả năng thuyết trình, phản biện, sử dụng tiếng Anh tự tin, thành thạo, vận dụng bộ kĩ năng thế kỉ 21 bao gồm nhóm kĩ năng tư duy, nhóm kĩ năng làm việc, để cùng nhau đưa ra được những giải pháp để giảm việc sử dụng tài nguyên, giảm hoặc loại bỏ chất thải, chống biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ hành tinh của chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Trọng Nghĩa, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội – thành viên Ban giám khảo chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ và thích thú với ý tưởng sáng tạo của các em học sinh. Với lứa tuổi này, các em đã bước đầu nhận diện được những vấn đề nóng của toàn cầu, và bằng chính kiến thức đang được học tập các em đã vận dụng nó một cách linh hoạt và sáng tạo thông qua những sản phẩm mô hình tái chế. Sân chơi khoa học này cũng là cách để chúng ta giáo dục học sinh về những vấn đề chung của toàn nhân loại, để thế hệ trẻ có thêm trách nhiệm, hiểu đúng tinh thần bảo vệ môi trường”.

Ảnh 3.JPG
PGS.TS Nguyễn Trọng Nghĩa, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội – thành viên Ban giám khảo chia sẻ tại Global Children’s Designathon 2024 tại BMS.

Sau các vòng thi đấu, Hội đồng Ban giám khảo đã nhận xét, đóng góp ý kiến và trao giải cho những đội thi có những ý tưởng sáng tạo, tính vận dụng thực tế cao và phù hợp với tiêu chí chủ đề Global Children’s Designathon 2024 “Make it Circular – Designing for a better future” (Sức mạnh của thiết kế vòng tròn - thiết kế vì một tương lai tốt đẹp hơn).

Giải Nhất được trao cho Team 4 với ý tưởng “Circular farm”- Tái chế CO2 trong trang trại

Việc giảm thiểu lượng khí CO2 phát thải vào không khí là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển bền vững. Với lí do đó, Team 4 chọn ý tưởng tái chế C02 trong mô hình trang trại Circular farm mô phỏng thực tế, sẽ thu C02 từ khu nuôi động vật, khu trồng thực vật, nhà máy, khu dân cư… rồi lưu trữ xuống đất, sau đó kết nối hệ thống ống dẫn khí C02 ở khu lưu trữ đến nhà kính thông qua hệ thống mạch điều khiển và cảm biến để đo nồng độ C02 phù hợp cung cấp cho cây trồng trong nhà kính. Trong quá trình quang hợp, O2 từ nhà kính sẽ được chuyển ra để cung cấp cho khu dân cư và trang trại. Điều này đáp ứng được vòng tuần hoàn tái chế bền vững, có lợi ích to lớn cho môi trường và cuộc sống xung quanh.

Ảnh 4- Team 4.JPG
Team 4 với ý tưởng “Circular farm”- Tái chế CO2 trong trang trại.
Ảnh 5- Team 4.JPG
Team 4 với mô hình kết nối hệ thống ống dẫn khí C02 ở khu lưu trữ đến nhà kính thông qua hệ thống mạch điều khiển và cảm biến để đo nồng độ C02 phù hợp cung cấp cho cây trồng trong nhà kính.

Giải Nhì thuộc về Team 1 với ý tưởng "Bioplastic - sản xuất các vật dụng từ nhựa sinh học từ vỏ bưởi”

Học sinh Hoàng Bảo Như – lớp 7A3 chia sẻ: “Với mong muốn giảm tải lượng nhựa thải ra môi trường, góp phần vào lối sống xanh, Team 1 thực hiện ý tưởng Bioplastic - sản xuất các vật dụng từ nhựa sinh học với thành phần chính là vỏ bưởi kết hợp cùng các chất phụ gia. Sản phẩm nhựa sinh học được tạo hình thành các vật dụng trong gia đình như: dụng cụ ăn uống dùng một lần, lót cốc, lót nồi…Sản phẩm có độ bền cao, chịu nhiệt tốt và đặc biệt không bị mốc. Sau một thời gian sử dụng, những sản phẩm chế tạo từ nhựa sinh học này sẽ được thu gom và đem ủ với chế phẩm vi sinh vật tạo ra phân bón hữu cơ, tái sử dụng cho cây trồng. Quá trình ủ phân chỉ mất 4-5 tháng với điều kiện đủ độ ẩm, độ pH và nhiệt độ môi trường tốt. Đây là phân bón vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa dễ thực hiện và an toàn với môi trường”.

Ảnh 6 -Team 1.JPG
Team 1 thuyết trình ý tưởng " Bioplastic - sản xuất các vật dụng từ nhựa sinh học từ vỏ bưởi”,

Team 2 được trao Giải Nhì với ý tưởng thiết kế “Dây chuyền tái chế rác thải nhựa làm từ các vật liệu tái chế”

Đây là một dây chuyền tự động gồm các bước: cắt nhỏ, làm sạch sau đó đun nóng ở nhiệt độ và các chất phụ gia thích hợp để tạo ra các nguyên liệu phục vụ cho các mục đích khác nhau như: làm nguyên liệu cho các máy in 3D, sản phẩm thay thế nhựa đường trong công nghệ làm đường. Sản phẩm đảm bảo giải quyết được vấn đề tái chế rác thải nhựa một cách tối ưu mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ảnh 7- Team 2.JPG
Học sinh Trần Quang Minh – Lớp 7T2 – Team 2 chia sẻ về ý tưởng “Dây chuyền tái chế rác thải nhựa làm từ các vật liệu tái chế”.

Giải Ba được trao cho ý tưởng “Hệ thống tái chế vải tiên tiến” của Team 3

Team 3 đã xây dựng mô hình tái chế quần áo cũ gồm 2 phần: máy nghiền vải và hệ thống tạo sợi. Quần áo, vải cũ sẽ được đưa vào máy nghiền có động cơ công suất lớn và nghiền vải thành từng mảnh nhỏ. Các mảnh vụn sẽ được chuyển sang hệ thống tạo sợi sau đó sử dụng nhiệt để làm tan chảy các mảnh vải được quay với tốc độ cực cao qua các lỗ để tạo thành sợi vải. Các sợi tơ được tạo ra được sử dụng vào các sản phẩm như thú nhồi bông, gối, mũ, túi xách.... Sản phẩm có thể sử dụng trao cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, hoặc có thể mang lại giá trị kinh tế.... Hệ thống tái chế vải tiên tiến không những có thể giải quyết được một lượng lớn rác thải có tác động không tốt tới môi trường mà còn tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng rất cao.

Ảnh 8 - Team 3.JPG
Mô hình “Hệ thống tái chế vải tiên tiến” của Team 3 được trao Giải Ba.

Giải Ba được trao cho Team 5 với ý tưởng “Hệ thống thu gom và phân loại rác thải quần áo”

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, nhanh của người tiêu dùng đã và đang gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng từ nguồn rác thải thời trang. Hiện nay, đã có các giải pháp để tái chế rác thải từ vải nhưng còn thiếu hệ thống thu gom nguồn rác thải từ các khu dân cư, chính vì thế Team 5 đã sáng chế ra một hệ thống thu gom và phân loại rác thải quần áo trực tiếp từ các khu dân cư bằng công nghệ phân loại AI và vận chuyển chủ động. Với ý tưởng này, sẽ hạn chế tối đa nguồn rác thải quần áo ở các khu dân cư, tái sử dụng các loại quần áo vẫn còn sử dụng được, phân loại giúp việc tái chế dễ dàng và nhanh chóng.

Ảnh 9 - Team 5.JPG
Team 5 thuyết trình về “Hệ thống thu gom và phân loại rác thải quần áo” – Giải Ba.

Global Children’s Designathon là sự kiện thường niên được tổ chức tại Ban Mai School (BMS) bắt đầu từ năm 2018, đánh dấu sự lớn mạnh của chương trình giáo dục STEAM. BMS đã trở thành đối tác đầu tiên của Designathon Works – Hà Lan tại Việt Nam, và đã tổ chức 6 năm liên tiếp thu hút sự tham gia đông đảo của các thế hệ học sinh.

Với mục tiêu mang đến cho các học sinh nhiều nhất những cơ hội được trải nghiệm, được giao lưu quốc tế và đặc biệt được thấy hiệu quả của việc áp dụng phương pháp học tập STEAM trong nhà trường. Thông qua việc tham gia chương trình Global Children’s Designathon, học sinh sẽ được tiếp cận với những vấn đề từ thực tế cuộc sống để từ đó suy nghĩ, phát huy khả năng sáng tạo của bản thân để đưa ra ý tưởng, cách thức tiến hành và trực tiếp thiết kế ra sản phẩm trên nền tảng vận dụng kiến thức công nghệ, và các môn khoa học, kết hợp với những kỹ năng mềm cần thiết. Global Children’s Designathon sẽ giúp các bạn học sinh hướng tới việc hoàn thiện kĩ năng thế kỷ 21.

Thanh Thủy