Cũng chính bởi vậy mà trước mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện hướng nghiệp lại trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gửi tới bạn đọc chia sẻ của những du học sinh cấp 3 hiện đang theo học tại Mỹ xung quanh câu chuyện chưa bao giờ cũ này.
Bắt đầu hướng nghiệp từ lớp 11
Ở Mỹ, trung bình mỗi trường trung học có khoảng từ 3 đến 5 thầy cô chuyên trách công tác hướng nghiệp cho học sinh. Con số này tùy thuộc vào từng bang, chất lượng đào tạo và số lượng học sinh của mỗi trường.
Thầy cô làm công tác tư vấn hướng nghiệp (được gọi là counselor) là những người trực tiếp giúp học sinh trong quá trình tìm hiểu cũng như nộp hồ sơ vào các trường đại học. Họ sẽ tổ chức cho học sinh đi thăm quan các trường, hướng dẫn chi tiết cho học sinh từ khâu chuẩn bị các bài thi chuẩn hóa (SAT, TOEFL, ACT…), đưa ra những lời khuyên làm thế nào để có một profile “đẹp”, đến cách thức để tìm kiếm thông tin của các trường đại học...
Nền giáo dục Mỹ rất chú trọng tới tư vấn hướng nghiệp |
Các counselor chỉ có nhiệm vụ duy nhất là tư vấn, giúp đỡ học sinh lớp 11 và lớp 12 chuẩn bị hồ sơ. Họ không tham gia giảng dạy bất cứ môn học nào khác. Hầu hết các trường ở bang Pennsylvania nói riêng và nhiều bang khác ở Mỹ nói chung, trung bình một tuần sẽ có một tiết học với thầy cô counselor. Trong tiết học này, họ sẽ đề cập từng bước cụ thể hơn, ví dụ như: cách lên mạng tra thông tin, nguồn ở đâu thì chính xác, hoặc cần phải làm những gì, tránh những điều gì trong chuyến đi thăm quan trường…
Công tác hướng nghiệp cho học sinh tại Mỹ được diễn ra (rải) từ đầu năm lớp 11 đến cuối năm lớp 12. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, mời những vị khách có kinh nghiệm, nổi tiếng đến nói chuyện với học sinh ở từng lĩnh vực khác nhau. Học sinh có thể đăng ký (hoặc là không) tham gia nhiều buổi tọa đàm như vậy. Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng thường xuyên liên hệ với các nguồn khác (từ trường ĐH, các công ty, tổ chức...) để thông báo và tạo cơ hội cho học sinh đến tham dự các sự kiện giống như một thành viên chính thức của đơn vị đó.
Công việc của các counselor cũng rất bận rộn. Ngoài việc giao tiếp với học sinh, họ còn có những liên lạc từ nơi khác, cung cấp thông tin cho học sinh hoặc các buổi college fair. Họ cũng hay thông báo về các cơ hội học hè (về tự nhiên, xã hội, sinh học, hóa,...) đến với học sinh.
Công tác này tường chừng diễn ra khá sớm nhưng hoàn toàn phù hợp. Nó cho học sinh có khái niệm về dự định sẽ làm trong tương lai gần và xa. Các dịp tổ chức sự kiện, học sinh sẽ được tiếp cận và tiếp thu những kiễn thức mới mẻ, nhằm củng cố về khái niệm họ sẽ/thích làm gì trong tương lai. Thêm vào đó, ngay sau khi kết thúc lớp 12, vào đại học, học sinh luôn thúc đẩy tìm các việc làm thêm, hoặc làm việc thực tập để có thêm kinh nghiệm, hoặc trải nghiệm điều mới mẻ.
Yêu cầu cao nhưng trả lương xứng đáng
Yêu cầu về chuyên môn của các thầy cô làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cũng rất khác nhau, thường là tùy từng bang. Tuy nhiên, theo khỏa sát đăng tải trên website của Hiệp hội Tư vấn viên trường học của Mỹ (ASCA), trên 90% các bang yêu cầu các counselor phải có bằng thạc sỹ (từ graduate school). Số ít trường nhỏ còn lại yêu cầu có bằng cử nhân và chứng chỉ của ASCA.
Ví dụ, các trường thuộc bang Arizona yêu cầu một counselor cần có bằng thạc sỹ hoặc cao hơn từ một trường ĐH chuẩn quy và có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm toàn thời gian trong lĩnh vực tư vấn học đường hoặc ba năm làm công tác giảng dạy.
Nhiều bang còn yêu cầu các counselor phải tốt nghiệp các chuyên ngành gần với công việc đảm nhận. Ví như theo quy định của bang Louisiana, các tư vấn viên phải tốt nghiệp một trong các ngành tâm lý giáo dục, sư phạm, nhân học, xã hội học, phát triển nghề nghiệp và lối sống.
Yêu cầu về trình độ khắt khe nhưng mức lương mà các counselor được nhận cũng rất hậu hĩnh. Theo số liệu của Cục Thống kê (thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ) trong năm 2011, một tư vấn viên học đường sẽ nhận được mức lương trung bình khoảng 45.000 USD/năm.
Được trải dài trong suốt năm học lớp 11 và lớp 12, công tác hướng nghiệp luôn nhắc học sinh nhận thức được rằng một ngày nào đó, họ sẽ cần có mục tiêu xác định rõ ràng trong tương lai và nên bắt đầu suy nghĩ. Không bao giờ bị bỏ vào quên lãng, các thầy cô giáo luôn thúc đẩy học sinh tìm hiểu về những điều mình thực sự thích làm hay những gì bản thân muốn trải nghiệm. Và đây cũng là một trong những điều khác biệt trong chương trình giảng dạy của Việt Nam và Mỹ.
Điểm nóng |
|