Mỗi năm học, từng nhà trường luôn có sự biến động về sĩ số học sinh. Không nói về việc chuyển trường về từ tỉnh thành khác (số này khá ít), ngay trong một địa bàn, xa hơn tí là khác huyện thị vẫn thường xuyên xảy ra.
Mỗi huyện thị chỉ nên chọn một bộ sách (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Kể từ năm học 2020-2021, khi tiếp nhận học sinh từ địa phương khác về trường, Ban giám hiệu nhà trường cũng cần kiểm tra các em đang học bộ sách gì để tư vấn cho phụ huynh đổi sách.
Một bộ sách giáo khoa đã có giá khoảng 200 ngàn đồng. nếu tính thêm sách Anh văn, Tin học, Kỹ năng sống…giá thành phải lên hơn 400 ngàn đồng/bộ.
Đây quả là số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình học sinh, đặc biệt với những vùng quê còn nghèo, những gia đình còn khó khăn.
Theo chuyên gia giáo dục, học sinh chuyển trường vẫn không cần đổi sách?
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Khi dạy một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì chuẩn chương trình là quan trọng nhất.
Vì vậy, việc học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô. {1}
Giáo viên sẽ không thể dạy được khi trong lớp học có đến vài bộ sách khác nhau
Dù có lý giải rằng chương trình mới quan trọng “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”, còn sách giáo khoa chỉ là công cụ, là phương tiện để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.
Nên trong một lớp, có học sinh chuyển đến học sách giáo khoa khác với học sinh trong lớp thì vẫn có thể học bình thường mà không cần phải thay?
Lời khẳng định ấy chỉ có thể đúng trên lý thuyết, còn thực tế thì tuyệt đối không thể được.
Chúng tôi, những giáo viên đứng lớp sẽ không thể dạy được khi trong một lớp học, học sinh lại có đến vài ba bộ sách khác nhau.
Chỉ mới bộ sách VNEN vài năm trở lại đây, Nhà xuất bản chỉnh sửa một vài hoạt động, đưa ra một vài số liệu khác với sách cũ đã buộc học sinh các trường phải thay toàn bộ sách mới.
Nếu không thay, khi giáo viên triển khai bài dạy sẽ phải tốn thêm thời gian điều chỉnh cho một số học sinh. Nếu không sẽ khó khăn cho các em khi học tập theo nhóm.
Nếu một lớp có vài ba bộ sách giáo khoa (do học sinh chuyển trường đến), giáo viên sẽ phải dạy thế nào đây?
Khi đọc bài, có thể em này đọc bài này, em khác đọc bài khác nhưng có những hoạt động cả lớp như phần luyện đọc, trả lời câu hỏi sẽ thế nào?
Chẳng lẽ, đặt câu hỏi cho cả lớp trả lời xong lại chạy đến đặt riêng câu hỏi cho một vài em hay sao?
Phần luyện từ, viết văn…sau phần lý thuyết sẽ đến phần bài tập. Khi giảng bài, giáo viên vẫn phải lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa làm ví dụ, phần mở rộng mới có thể lấy bên ngoài.
Môn toán mỗi bộ sách được bố trí, sắp xếp các mạch kiến thức khác nhau (mặc dù cùng chung mục tiêu đạt được của môn học). Thế nhưng, học sinh học nhiều sách sao có thể cùng bạn thảo luận, làm bài rồi sửa bài chung?
Những học sinh có bộ sách khác các bạn trong lớp chắc chắn học sẽ chẳng dễ dàng gì…
Bởi thế, dù nói thế nào thì học sinh mà chuyển từ nơi khác đến không cùng bộ sách với trường thì nhất định phải mua lại bộ sách khác.
Vì thế, chúng tôi nghĩ, trong cùng một tỉnh có thể có vài ba bộ sách nhưng trong cùng một huyện thị chỉ nên có một bộ sách chung.
Điều này, vừa đỡ làm khổ phụ huynh và giáo viên còn thuận lợi cho việc tập huấn, chỉ đạo chuyên môn và thao giảng, dự giờ giữa các trường trong huyện thị ấy.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sach-giao-khoa-moi-noi-mot-kieu-hoc-sinh-chuyen-truong-se-ra-sao-post204740.gd