LTS: Bàn về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ biện pháp để công tác này thực sự mang lại hiệu quả với học trò.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi có Thông tư 31/2017/TT-BGD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, các trường đều thành lập tổ tư vấn tâm lý, hoặc cử giáo viên kiêm nhiệm công tác này.
Thành phần tổ tư vấn gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.
Sở giáo dục đã mở lớp, chuyên đề bồi dưỡng công tác tư vấn học đường cho thành viên tổ tư vấn tâm lý các trường học.
Làm thế nào để công tác tư vấn tâm lý học đường mang lại hiệu quả thực sự. Ảnh minh họa: Tienphong.vn |
Tham gia tổ tư vấn từ đầu năm học đến hết tháng Mười, người viết thấy chưa có học sinh nào tự nguyện đến phòng tư vấn, để được tư vấn.
Điện thoại và email của tổ tư vấn cũng không nhận được bất kỳ cuộc gọi hay thư yêu cầu tư vấn của học trò.
Vậy làm sao cho hoạt động của tổ tư vấn có hiệu quả, đáp ứng được kì vọng của xã hội? Đây là câu hỏi đang đặt ra với tổ tư vấn tâm lý học sinh của các nhà trường!
Đem tổ tư vấn đến với học sinh
Thành viên tổ tư vấn không làm công tác chủ nhiệm, hằng tuần cùng sinh hoạt với lớp có các vấn đề như học sinh bắt nạt, mất trật tự, tình trạng vi phạm nội quy nhà trường; từ sinh hoạt đó, thành viên của tổ nắm bắt được các vấn đề phát sinh, gần gũi với học sinh;
Tạo niềm tin, đảm bảo việc học sinh “vào phòng tư vấn” không phải là hiện tượng cá biệt, xấu hổ.
Qua đó, có thể phát hiện các trường hợp học sinh có tâm lý, hành vi “lệch chuẩn”, khéo léo “mời” các em vào phòng tư vấn làm việc riêng, đảm bảo bí mật.
Chủ động tư vấn tập thể
Các biện pháp giúp ngăn chặn học sinh, phụ huynh xúc phạm đến nhà giáo |
Thành viên tổ tư vấn chủ động hỏi các giáo viên chủ nhiệm lớp, các vấn đề mà giáo viên chủ nhiệm còn “lăn tăn” chưa giải quyết được trong lớp mình. Cùng giáo viên chủ nhiệm thống nhất phương án giải quyết, tư vấn cho các em.
Nếu vấn đề mang tính bao hàm rộng hơn, như sử dụng mạng xã hội, bắt nạt học đường… dùng tiết chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn cho các em phòng tránh cho hiệu quả.
Biến phòng tư vấn thành nơi giao lưu
Phòng tư vấn tâm lý, với học sinh, chỉ “có ai có vấn đề” mới vào đó. Vì vậy, phải xóa đi hình ảnh “méo mó” đó với các em, xây dựng hình ảnh thân thiện thật sự là điều phải làm.
Không có gì dễ dàng hơn, chủ động mời các em theo nhóm, cá nhân cùng đến; trong phòng tư vấn có các bảng nội dung hoạt động của tổ tư vấn; nội dung, hình ảnh minh họa cho hoạt động tư vấn; những học sinh đã đến trở thành “tuyên truyền viên”, làm cho văn phòng tổ tư vấn là điểm đến bình thường của mọi học sinh.
Ngoài kiến thức chuyên môn, người tư vấn, địa điểm tư vấn, trở nên thân thuộc, gần gũi, tin cậy với các em là cầu nối giúp hàn gắn nhanh nhất các “mảnh vỡ” cuộc sống học trò; đáp ứng kì vọng của xã hội vào mục đích, ý nghĩa nhân văn của công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/huong-dan-che-do-cho-giao-vien-lam-cong-tac-tu-van-tam-ly-hoc-duong-3955829-v.html
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-31-2017-TT-BGDDT-huong-dan-cong-tac-tu-van-tam-ly-cho-hoc-sinh-truong-pho-thong-370327.aspx