Cách đây 4 năm, tại hội đồng thi ở Đại học Đà Lạt, 2 giám thị coi thi đã ký nhầm bài thi môn Toán (thay vì ký vào ô “cán bộ coi thi”, lại ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi”.
Khi phát hiện lỗi này, giám thị coi thi đã phát giấy thi khác và yêu cầu thí sinh chép lại phần đã làm, làm mất thời gian làm bài và ảnh hưởng kết quả thi.
Kết thúc môn thi ngày 4/6 thì nhiều thí sinh ở Quảng Bình nhận được thông báo về việc thi lại môn Ngữ văn vào ngày 5/6. Ảnh:Nguyên Phong |
Đều đáng nói là, 25 học sinh trong phòng thi hôm ấy không có phản ứng gì mà vẫn nghe theo yêu cầu của giám thị.
Chỉ khi ra khỏi phòng thi, nhiều em đã mếu máo khóc với người thân và kể lại sự việc. Lập tức nhiều phụ huynh lên tiếng phản ứng.
Vài ngày sau, 25 học sinh đã được hội đồng thi Đại học Đà Lạt đã tổ chức thi lại môn Toán bằng đề dự phòng.
5 năm trôi qua, “lịch sử” lại lập lại trong kỳ thi vào lớp 10 ở Quảng Bình.
Hai giám thị lại ký nhầm trên bài thi của học sinh (giám thị ký nhầm vào ô của giám khảo). Mặc dù lúc ấy các em đã làm bài được ½ thời gian nhưng khi giám thị yêu cầu làm lại 24 em trong phòng thi vẫn răm rắp nghe lời.
Giám thị ngây ngô, xử lý vụng
Chuyện giám thị ký nhầm vào ô giám khảo vẫn thường xảy ra và có thể thông cảm được.
Nhưng nếu giám thị xử lý khéo thì chuyện sẽ không lớn đến như thế.
Sau khi phát hiện ký nhầm, giám thị vẫn để học sinh làm bài. Khi kết thúc buổi thi, giám thị sẽ báo cáo với hội đồng thi về sự cố ấy.
Hội đồng thi sẽ lập biên bản và bài thi của phòng này sẽ được chấm công khai (kiểu chấm thẩm định).
Việc chấm như thế không ảnh hưởng gì đến kết quả bài làm của các em.
Nhưng với tâm lý không muốn ai biết mình sai, muốn che giấu sai sót của mình, những giám thị này đã hành động một cách tùy tiện gây ra hậu quả xấu cho kỳ thi.
Học sinh có phải là ngoan?
Thời gian làm bài đã trôi qua ½ thời gian nhưng giám thị yêu cầu các em làm lại bài những học sinh ấy vẫn răm rắp phục tùng.
Chắc chắn, trước yêu cầu của giám thị em nào cũng bức xúc, cũng không vui.
Nhưng tuyệt nhiên lại chẳng ai dám mạnh dạn phản đối.
Thầy cô, cha mẹ thường dạy “biết vâng lời mới là trò ngoan”.
Vậy sự phục tùng tuyệt đối của các em như thế có đáng được khen, được biểu dương là ngoan hay không?
Giả sử lúc ấy có em đứng lên nói:“Thưa cô, nếu làm lại bài bây giờ, chúng con sẽ không thể làm kịp bài và như thế sẽ rất thiệt thòi cho tất cả chúng em. Bởi thế, chúng em phản đối việc này!”.
Chắc chắn nếu học sinh đều đồng lòng như vậy thì các giám thị dù muốn cũng không thể ép các em.
Trong trường hợp này, học sinh phản ứng là đúng. Và có ai chê trách các em không ngoan vì cãi lời thầy cô?
Xưa đến nay, chúng ta luôn dạy trẻ phải ngoan ngoãn, biết vâng lời người lớn xem như cách dạy này đã hoàn toàn thất bại.
Trẻ phải biết phân biệt đúng sai, biết thế nào là điều tốt, điều gì là xấu, điều phải thì nghe, điều chưa đúng, chưa phải dù đó là lệnh cha mẹ hay thầy cô cũng phải biết nói lời phản đối.
Những cô cậu học trò 16-18 tuổi nhưng trước cái sai chỉ biết cúi đầu trong ấm ức. Chỉ biết về nhà ôm lấy ba mẹ khóc lóc, giận hờn thật đáng trách biết bao?
Đã đến lúc cần dạy cho các em biết cãi lời người lớn khi người lớn nói sai, người lớn làm điều chưa đúng. Có như thế, các em mới vững vàng trong cuộc sống còn chông chênh này.
Tài liệu tham khảo:
https://news.zing.vn/ky-luat-giam-thi-ky-nham-lam-thi-sinh-phai-thi-lai-mon-toan-post555974.html