LTS: Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ với bạn đọc về vấn đề dạy trẻ tư duy phản biện.
Theo đó, trẻ biết cãi, biết thể hiện quan điểm của mình là điều nên được khuyến khích trong giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ khi còn bé tí cha mẹ đã dạy con biết vâng lời. Tuổi đến trường, hằng ngày thầy cô vẫn răn dạy như thế.
Vậy nên trong tâm trí của người lớn nếu đứa trẻ gọi dạ, bảo vâng đó mới là chuẩn mực của đứa trẻ ngoan ngoãn.
Trẻ cứ bị nhồi sọ những điều răn dạy ấy từ nhà đến trường thì bảo sao chúng luôn biết vâng lời, biết phục tùng người lớn vô điều kiện dù cho đó là những điều chưa đúng.
Nhiều người chắc vẫn chưa quên mấy chục học sinh lớp 12 trong kì thi đại học ở Đà Lạt năm ấy khi giám thị kí sai buộc thí sinh phải thay giấy làm lại trong khi thời gian làm bài đã trôi qua 30 phút.
Em nào cũng bất bình, bức xúc nhưng tuyệt nhiên chẳng em nào dám lên tiếng mà răm rắp phục tùng. Những cô cậu mười tám đôi mươi chỉ biết chạy về nhà ôm mẹ khóc tức tưởi.
Người lớn cần cho trẻ quyền được cãi, được nói lên chính kiến của mình. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Vì chỉ biết vâng lời thầy cô, cha mẹ nên mới xảy ra nhiều chuyện động trời. Không ít em bị chính cha mình dâm ô suốt thời gian dài mà chẳng dám chống cự hay nói với mẹ.
Không ít học trò bị chính thầy giáo giở trò đồi bại mà cũng không dám phản kháng.
Ngay trong gia đình, trường học nơi được cho là an toàn nhất giờ đây cũng đầy cạm bẫy.
Thế nên người lớn cần cho trẻ quyền được cãi, được nói lên chính kiến của mình thì mới mong trẻ có thể bảo vệ được mình trước mọi cạm bẫy.
Dạy trò biết cãi
“Cô ơi! Cô viết sai rồi!” “Cô ơi! Tại sao con cũng cùng kết quả với bạn mà con lại ít điểm hơn?”, “Thưa cô! Con làm đúng mà?”… tôi thường xuyên nhận được những lời phản ứng ấy của đám học trò trong lớp (học sinh lớp 2).
Thật tình cũng có lúc tôi thử các em, cũng có lúc chính tôi sơ xuất trong khi chấm bài.
Để các em phản ứng như thế không phải tự nhiên mà có được.
Chính tôi đã tập cho các em biết cãi thầy cô khi thấy thầy cô sai.
Còn nhớ thời gian đầu, đã có lần tôi giật mình phát hiện trong vở bài tập của trò một số phép tính các em làm sai nhưng vì sơ sót tôi vẫn chấm đúng.
Thế nhưng không có em nào có ý kiến. Hỏi thì chúng gãi đầu gãi tai và bảo rằng “con sợ cô la”.
Tôi nghĩ phải tập cho các em biết phản biện ngay từ bây giờ. Có thế mới giúp chúng mạnh dạn, tự tin để biết phản kháng trước những gì mình cho là chưa đúng.
Lần đó, tôi đưa ra một câu hỏi "hãy xác định câu “Mẹ em rất xinh đẹp” thuộc mẫu câu nào?".
Tôi gọi em Xuân Nghi trả lời, cô bé nói rằng “Thưa cô! Câu trên thuộc mẫu câu Ai thế nào?”.
Tôi hỏi cả lớp các em đều đồng thanh nhất trí với câu trả lời của bạn.
Tôi bỗng nói rằng “riêng cô thì câu ấy thuộc mẫu câu Ai làm gì?” vậy ai đồng ý với cô hãy giơ tay lên.
Cả lớp yên lặng như tờ, chúng nhìn nhau thăm dò, rồi có tiếng xì xào, nhao nhao và bất ngờ gần như cả lớp đều giơ tay đứng về phía cô.
Riêng có một bé tên là Tuệ Anh không giơ tay. Tôi hỏi em “tại sao con không giống các bạn đồng ý là câu trả lời của cô mới đúng?”.
Tuệ Anh nói cứng “nhưng con thấy câu trả lời của bạn Xuân Nghi mới đúng”.
Cả lớp lặng im. Tôi nói tiếp “bây giờ, cô cho cả lớp suy nghĩ một phút, ai đồng ý câu trả lời của cô đúng thì giơ tay lên?”.
Vẫn thế, cả lớp đưa tay trừ Tuệ Anh.
Lúc này, tôi mới nói, cả lớp xứng đáng mỗi bạn nhận hai điểm 0 riêng Tuệ Anh cô tặng bạn hai điểm 10.
Các em có biết vì sao không? Vì cả lớp biết cô nói sai nhưng không dám cãi, lại còn a dua đồng ý. Còn Tuệ Anh nhất quyết giữ ý kiến của mình. Đây mới là điều đáng khen.
Từ đó, tôi luôn dạy các em dù người đó là ba mẹ, ông bà hay chính thầy cô giáo nếu nói lời chưa đúng, hay bảo các em làm điều sai hãy lên tiếng phản đối và nhất định không làm theo.
Tôi thường xuyên trắc nghiệm xem những cô cậu học trò của mình có thay đổi sau những lời dặn dò, nhắc nhở của cô.
Và thật rất vui, dù mới là học sinh lớp 2 nhưng nhiều em đã biết phản biện với cô giáo.
Và cũng từ đó, không ít lần tôi được học trò của mình “kiện”, chất vấn “vì sao con làm giống bạn mà lại ít điểm hơn?” “kết quả của con đúng sao cô lại ghi sai?”.
Hay cô ơi, con làm sai bài này mà cô lại ghi đúng… cho đến khi nghe cô giảng giải, chỉ ra điều sai trong phần trả lời ấy các em mới chịu mình đã sai.
Có lần cậu bé Triệu cứ nhất định nói rằng “con làm bài toán ấy đúng rồi cô ạ. Con đã thử mấy lần vẫn thế”.
Tôi đã phải chỉ ra "con làm đúng nhưng con ghi đề sai nên bài toán ấy vẫn không thể đạt điểm. Lúc ấy cậu bé mới chịu".
Nên tạo cơ hội cho trẻ
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý nói rằng:
“Thầy cô cũng cần nhìn nhận lại thế nào là con hư, trò hỗn, để học cách tôn trọng trẻ hơn, cho trẻ cơ hội được suy nghĩ khác, được nói khác những gì chúng được truyền dạy”.
Thầy cô trao cơ hội nhưng chính gia đình cũng phải luôn tạo điều kiện cho các em.
Ba mẹ cần học cách tôn trọng, lắng nghe các con chia sẻ, nêu chính kiến đôi khi là phản kháng những việc trẻ cho là không đúng.
Từ đó, sẽ hướng các con có suy nghĩ độc lập, có kiến thức để phân biệt hành vi đúng sai.