Hình thức này được đa số giáo viên công nhận là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Dù vậy, giải pháp này có đạt kết quả hay không còn phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy của giáo viên, sự tự giác của học sinh và sự giám sát chặt chẽ của gia đình.
Học qua truyền hình và trực tuyến được đánh giá là khá hữu hiệu, có thể “chữa cháy” trong tình hình dịch bệnh đang lan rộng như hiện nay.
Phương Linh tranh thủ tự học tại nhà trog thời gian nghỉ chống dịch. Ảnh nhân vật cung cấp |
Tuy nhiên, đối với học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 9 và lớp 12, việc học trực tuyến và học qua truyền hình đang khiến các em khá căng thẳng và có nhiều lo lắng trước kỳ thi cuối cấp quan trọng.
Hoang mang, lo lắng
Tính đến nay, học sinh trên cả nước đã kết thúc học kì 1, bắt đầu bước vào giai đoạn học kì 2.
Nhiều học sinh đã lên kế hoạch ôn luyện thi sớm để chuẩn bị cho kì thi quốc gia sắp tới.
Theo điều chỉnh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kì thi quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 11/8, chậm hơn 1 tháng so với mọi năm.
Thế nhưng, Phạm Phương Linh - học sinh lớp 12 (Thanh Xuân, Hà Nội) không dám lơ là vì phải chuẩn bị cho kì thi sắp tới.
Nghỉ hai tháng để phòng dịch Covid-19, Linh cùng với ba người bạn cùng học nhóm với nhau để cùng giải đề các môn thi của năm trước.
Một tuần học 4 buổi, vừa học nhóm với bạn, vừa học qua truyền hình để bổ sung kiến thức mới của học kì 2.
Như Quỳnh xem lại video dạy học trên truyền hình. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
“Nếu không nghỉ vì dịch, thời gian này, bọn em đang bắt đầu tăng tốc ôn kiến thức của các môn thi chính trong kì thi Trung học phổ thông với giáo viên trên lớp.
Giờ phải nghỉ học do dịch, các trung tâm thì lại đóng cửa, không có gia sư kèm cặp, bọn em phải tự học qua các chương trình dạy học trên truyền hình. Nhiều khi, em cảm thấy mất phương hướng do không biết từ đâu.
Các thầy cô giảng khá nhanh, em không thể theo kịp. Phải khi học nhóm mới hiểu được chút ít”- Linh chia sẻ.
Dành tất cả thời gian nghỉ để ôn tập, nhưng Linh vẫn hoang mang vì không biết cấu trúc đề thi năm nay ra sao.
Cùng suy nghĩ với Linh về cấu trúc đề thi cho kì thi sắp tới, Trần Anh Quang – học sinh lớp 12 ( Đống Đa, Hà Nội) đã lên lịch ôn tập trước tết.
Dự định của Quang năm nay thi vào trường Đại học Y – thi tổ hợp B (Toán, Hóa, Sinh). Trường Đại học Y là trường thuộc top trường lấy điểm đầu vào cao nhất các trường đại học trên cả nước.
Quang đã dành cả ngày cho việc học. Em kết hợp học trực tuyến với giáo viên chủ nhiệm và học trên truyền hình.
Theo Quang, học trực tuyến, học trên truyền hình không sát sao bằng với việc học trên lớp, chỉ bổ sung được lượng kiến thức cơ bản.
Em Nguyễn Như Quỳnh học sinh lớp 12 (Yên Phong, Bắc Ninh) cho hay, năm nay em có đăng kí nguyện vọng vào trường Học viện An ninh Nhân dân, đến thời điểm hiện tại đã phát hành hồ sơ sơ tuyển.
“Kiến thức của học kỳ 2 em học chưa được nhiều. Đa phần em học lại kiến thức của học kỳ 1 mà thời gian thi thì ngày càng gần.
Thời gian này là thời gian gấp rút, trong khi trường em đăng kí là trường có tỷ lệ khắc nghiệt, em sợ không vượt qua được. Em hơi hoang mang !” , Quỳnh lo lắng.
Học sinh “thèm” giờ học trên lớp
Không chỉ xảy ra ở các học sinh lớp 12, học sinh lớp 9 cũng đang quay cuồng với những giờ tự học tại nhà.
Em Trần Hoàng Anh học sinh lớp 9 (Khương Thượng, Hà Nội) cho hay, em với một bạn học nhóm tại nhà.
Cùng nhau ôn lại kiến thức của các môn học, đặc biệt là giải bộ đề của 3 môn Văn, Toán, Anh. Hoàng Anh chia sẻ : “Con muốn lên lớp học với các thầy cô hơn là ở nhà.
Ở nhà, thầy cô giao bài nhiều hơn cả ở trên lớp. Đến trường vui, lại có các bạn để hỏi, có cô để giảng trực tiếp. Mà bài tập cũng không nhiều như vậy !”
Hơn 30 đề bài cho các môn học trong một ngày là số lượng không lớn, nhưng lại không nhỏ với các em học sinh lớp 9.
Phụ huynh của em Hoàng Anh chia sẻ: “Hàng ngày, giáo viên chủ nhiệm gửi bài tập cho phụ huynh để in ra cho các con làm.
Mình in ra đã thấy hoảng, huống chi các con không thể không sợ. Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay cũng có thông báo là kì thi vào lớp 10 không bỏ môn thi thứ 4 nên càng áp lực.”
Trái ngược với tâm trạng của em Hoàng Anh, Phạm Thái Hà – học sinh lớp 9 (Kiến Xương, Thái Bình) đã tận dụng thời gian nghỉ học này để tìm hiểu những nội dung chính của yêu cầu đề thi, cấu trúc đề minh họa các năm trước.
Theo Thái Hà, em đã cố gắng duy trì tiến độ ôn đều đặn, không nhồi nhét, lơ là ngắt quãng. Hầu hết em đã gần hoàn thành nội dung kiến thức và đang bước vào thời gian ôn luyện kiến thức trọng tâm.
Hoàng Anh làm phiếu bài tập do cô giáo giao. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Thầy cô ở lớp con đã triển khai dạy học trực tuyến, trên tivi cũng tổ chức ôn luyện nên con cũng bớt được áp lực về kiến thức mới.
Dựa vào bảng điểm của học kì 1 vừa rồi, con sẽ biết được môn nào mình yếu, thì mình phải cố gắng môn đó.
Khoảng thời gian nghỉ chống dịch khá dài, nên việc tự học, tự soạn bài cho các bài học mới sẽ giúp được cho bọn con dễ dàng hơn khi đi học trở lại” –em Hà chia sẻ.
Gần hai tháng nghỉ để phòng dịch, Trần Hà Trang – học sinh lớp 12 (Trực Ninh, Nam Định) cũng không quá lo lắng cho kì thi quốc gia sắp tới.
Em tự tin rằng, hai tháng được nghỉ là khoảng thời gian đủ để em ôn luyện được nhiều đề hơn khi đi học bởi kỳ thi được lùi đến 11/8.
Trang cho biết giai đoạn này, kiến thức cơ bản gần như đã nắm được, chỉ cần bổ sung thêm các kiến thức nâng cao của học kì 2 là vững vàng bước vào kì thi.
Trang bày tỏ: “Mong sao dịch Covid -19 được đẩy lùi càng sớm càng tốt.Thời tiết ổn định, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Để mọi học sinh có thể lên lớp, được giáo viên giảng dạy trực tiếp.”
Đây được coi là học kỳ đặc biệt của học sinh cuối cấp khi bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020.
Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, kì thi quốc gia từ ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm, chậm hơn nửa tháng so với điều chỉnh trước đó.