Học sinh đề nghị thay đổi giáo viên bộ môn, xử lý thế nào cho phù hợp?

29/10/2023 07:12
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hạnh phúc nhất của người thầy chính là nhận được niềm tin, yêu của học trò, để có hạnh phúc đó, mỗi giáo viên hãy gieo mầm tử tế qua mỗi tiết dạy của mình.

Đi học, học sinh muốn được học với thầy cô giáo giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong giảng dạy, ân cần, nhẹ nhàng, lịch sự trong giao tiếp, yêu thương học trò.

Ngược lại, bất cứ giáo viên nào đi dạy cũng mong muốn gặp được lớp ngoan, tự giác trong chấp hành nội quy, biết tự học và học tốt.

Bên cạnh đó giáo viên cũng có một mong muốn không nhỏ, đó là mong muốn được phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp tôn trọng.

Thực tế không như mơ ước, thời gian vừa qua, đã xảy ra những chuyện đau lòng nơi bục giảng: giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh giáo viên, phụ huynh bắt giáo viên quỳ

Nhưng cũng có những chuyện chính giáo viên gây áp lực, ức chế cho học sinh, không giảng bài, chỉ chép lên bảng suốt ba tháng, nhà trường chỉ biết sau khi học sinh phản ánh, đề nghị thay đổi giáo viên bộ môn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Học sinh đề nghị thay giáo viên bộ môn, xử lý thế nào cho phù hợp?

Người viết nhận được chia sẻ của một đồng nghiệp, có con đang học lớp 9 rằng: “Vào năm học được 4 tuần, cả lớp nhỏ Hà nhà tôi đã ký vào đơn, gửi giáo viên chủ nhiệm, đề xuất nhà trường đổi giáo viên dạy môn Vật lý.

Giáo viên chủ nhiệm đọc xong đơn, biết đơn do nhỏ Hà viết, nên đã mắng mỏ cháu ngay trước lớp.

Cháu phân trần, cháu là lớp trưởng, được bạn bè cho là văn hay chữ tốt, nên phải viết đơn đề xuất nhà trường đổi giáo viên dạy môn Vật lý theo ý kiến của cả lớp.

Giáo viên chủ nhiệm lại truy ai là người đầu têu trong việc viết đơn đề nghị đổi giáo viên bộ môn. Sau một vài phút, một học sinh đứng lên và sau đó cả lớp đều đứng lên, nhận mình là kẻ đầu têu trong vụ việc.

Chuyện tưởng dừng ở đó, nào ngờ hôm sau giáo viên dạy Vật lý vào lớp đã dành gần cả tiết hỏi bài cũ từ đầu năm đến nay, hàng loạt học sinh bị điểm kém, sau buổi học, xe của giáo viên này đã bị xì hơi cả hai bánh.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, giáo viên dạy Vật lý này gây áp lực để ép học sinh đi học thêm, nhưng lớp nhỏ Hà nhà tôi có khuynh hướng chọn tổ hợp môn không có Vật lý khi lên cấp ba, nên các em không đầu tư nhiều cho môn này.

Tôi thấy, cách xử lý của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy Vật lý đều chưa phù hợp, dẫn đến gây bức xúc không đáng có cho học sinh, kéo sự việc đi theo hướng tiêu cực lớn hơn nữa”.

Viết đơn đề nghị thay đổi giáo viên bộ môn là hành động cực chẳng đã của học sinh. Vậy phải xử lý tình huống sư phạm này như thế nào cho phù hợp?

Về phía giáo viên chủ nhiệm, cần bình tĩnh, nhận đơn, lắng nghe các em nói, đặt mình vào vị trí là học sinh để hiểu và thông cảm cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm đừng vội chuyển đơn cho lãnh đạo, hãy tìm hiểu rõ, đúng bản chất, dẫn đến sự việc lớp đề xuất nhà trường đổi giáo viên dạy môn để trao đổi với đồng nghiệp, giúp đồng nghiệp tự thay đổi để lấy lại sự tin cậy của học sinh là tốt nhất.

Nếu đồng nghiệp có ý muốn cầu tiến, hãy dành cho đồng nghiệp và lớp khoảng hai tuần để cùng hiểu nhau, thông cảm cho nhau, cùng hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Về phía giáo viên bộ môn, phải bình tĩnh đón nhận thông tin lớp đề xuất nhà trường đổi giáo viên khác dạy thay mình, tuyệt đối không có hành động cay cú, trù dập học trò.

Giáo viên bộ môn cố gắng hoàn thiện bản thân, sửa đổi những điều học sinh cảm nhận về mình, dù đó là sự hiểu lầm; tích cực hơn trong giảng dạy, yêu thương, mềm mỏng hơn trong giao tiếp với học trò.

Nếu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và tập thể lớp không tìm được tiếng nói chung trong việc “tự hòa giải”, theo người viết, lãnh đạo nhà trường cần giải quyết trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của học sinh.

Nhà trường nên có “Hộp thư xanh”, động viên học sinh viết những điều muốn nói với thầy cô và trường, từ đó có thể giải quyết sớm những mưu thuẫn trong trường từ khi còn trứng nước.

Người viết đã từng phải xử lý đơn của tập thể học sinh đề nghị thay giáo viên chủ nhiệm, do chính Ban đại diện cha mẹ học sinh và tập thể lớp đề xuất.

Sau khi tìm hiểu, phân tích, thấy giáo viên này không phù hợp với nghề giáo, người viết đã trao đổi chân thành, giáo viên cũng nhận thấy thực tế mình không thích hợp với nghề giáo, đã đổi nghề và rất thành công trong nghề mới.

Thực tế, giáo viên để học sinh viết đơn đề nghị đổi thường là những giáo viên có vấn đề về chuyên môn và tính cách ... không phù hợp với nghề giáo.

Vì vậy, nếu không tự sửa đổi được, giáo viên nên đổi nghề, để đảm bảo quyền lợi của học sinh và chính mình.

Hạnh phúc nhất của người thầy chính là nhận được niềm tin, yêu của học trò, trước khi đón nhận hạnh phúc vô bờ bến đó, mỗi giáo viên hãy gieo mầm tử tế qua mỗi tiết dạy của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh