Ngày 19/10, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng tập thể thầy và trò trường Trung học Phổ thông Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) vẫn say mê những câu chuyện được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ trong buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với nhà trường tổ chức.
Trường Trung học Phổ thông Đông Anh có bề dày lịch sử 20 năm (2000-2020), là một trong những trường phổ thông hàng đầu của huyện Đông Anh.
Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh; trường đã được nhiều thành tựu đáng kể với 30 lớp học, hơn 1300 học sinh, có tập thể sư phạm gồm 77 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Tỷ lệ đỗ Tốt nghiệp hàng năm đạt trên mức bình quân thành phố trở lên, tỷ lệ học sinh đạt điểm chuẩn xét vào đại học từ trong năm học trước đạt 93.5%.
Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của trường tăng lên theo từng năm: Từ 34 điểm năm học (2000-2001), đến năm học (2019-2020) là 36.25 điểm.
Tham dự buổi hội thảo, em Nguyễn Viết Huy, học sinh lớp 11A3 gửi câu hỏi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:
“Thưa thầy, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời (tốt nghiệp Trung học Phổ thông), chúng em nên theo đuổi đam mê của bản thân hay đi theo một con đường an toàn hơn, ít mạo hiểm hơn – con đường đã được gia đình vạch sẵn”.
Câu hỏi của Nguyễn Viết Huy cũng là thắc mắc chung của rất nhiều bạn học sinh trường Trung học Phổ thông Đông Anh trong buổi hội thảo.
Hội thảo 4.0 tại trường Trung học Phổ thông Đông Anh (Ảnh:V.N) |
Để trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng lấy ví dụ từ chính gia đình của mình.
Giáo sư kể: “Gia đình tôi có 2 người con: Nguyễn Lân Hiếu và Nguyễn Kim Nữ Thảo. Đối với con cái của mình, tôi không có mong muốn gì hơn là các con hiếu thảo vì thế 2 người con của tôi một người tên là Hiếu, một người tên là Thảo.
Là bậc làm cha mẹ, tôi và vợ không bao giờ ép buộc các con phải đi theo con đường mà mình đã vạch sẵn hay yêu cầu các con phải trở thành ông nọ, bà kia. Mọi thành công đến giờ mà Hiếu và Thảo đạt được đều xuất phát từ ý chí và nỗ lực của chính các anh chị.
Gia đình cũng để cho Hiếu và Thảo tự quyết định con đường mình sẽ đi và trở thành người như thế nào.
Và chính các em học sinh ngồi đây các em cũng phải là người làm chủ cuộc đời của mình.
Không ai làm chủ cuộc đời của các em tốt hơn chính các em. Hãy nghe theo tiếng nói của bản thân, đi theo con đường mà các em yêu thích. Nếu nỗ lực và kiên trì thành công sẽ đến với các em”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp các câu hỏi của học sinh (Ảnh:V.N) |
Nhắc đến thời đại 4.0, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội đối với đất nước Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng đưa ra lời khuyên: “Để tìm kiếm cơ hội trong thời đại 4.0 thì bản thân các em phải nỗ lực không ngừng và rất kiên trì. Công thức của một người thành công bao gồm 1% tài năng, 14% bằng cấp và 85% là thái độ.
Trong thời đại robot hóa đang thay dần sức con người, muốn có việc làm thì chỉ còn cách không ngừng trau dồi kiến thức, làm chủ thiết bị và các em phải trở thành những công dân toàn cầu.
Và trở thành những công dân toàn cầu các em phải làm tốt 3 việc sau: phải có sức khỏe, ngoại ngữ phải giỏi và phải có ý chí.
Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của tôi đối với các bạn đó là phải lạc quan; đừng sợ hãi, đừng sợ sai.
Hãy tìm kiếm thành công trong những nghịch cảnh; hãy cứ làm đi, làm sai rút kinh nghiệm và sửa sai đó mới là bản lĩnh của một người trẻ trong thời đại 4.0”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách cho các bạn học sinh (Ảnh:V.N) |
Bằng những câu chuyện “tai nghe mắt thấy”, chứng kiến sự thay đổi lớn lao mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn truyền lửa và giúp các em học sinh trường Trung học Phổ thông Đông Anh trả lời được câu hỏi lớn nhất cuộc đời: Tôi sẽ trở thành ai và tôi sẽ làm công việc gì?
Mặc dù thời tiết có mưa nhỏ, nhưng thầy và trò trường cấp 3 Đông Anh vẫn đồng hành với vị diễn giả đặc biệt suốt 4 tiếng đồng hồ. Rất nhiều câu hỏi thú vị của các bạn học sinh gửi về Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và được thầy giải đáp tận tình.
Câu hỏi: Học để làm gì? đã khơi gợi tinh thần tranh luận sôi nổi của các bạn học sinh. Nhiều câu trả lời được gửi về hội thảo như: Học để có một công việc tốt, học để báo hiếu thầy cô, cha mẹ…
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kết luận bằng một câu - Học để trở thành người tự do: “Tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng ngày nào tôi cũng học, học không ngừng nghỉ. Chỉ có học mình mới làm chủ được cuộc đời của mình. Khi bạn có tri thức bạn sẽ không phải lo lắng mình có làm được không? Mình có làm đúng hay không?
Vì thế lời khuyên của tôi dành cho các em là hãy học tập không ngừng nghỉ, tích cực trau dồi vốn sống, cải thiện ngoại ngữ của bản thân. Hãy làm chủ cuộc đời của mình”.
Tập thể cán bộ,giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh:V.N) |
Kết thúc buổi hội thảo, cô Phạm Thị Hiền, hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Đông Anh đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo đầy ý nghĩa.
Cô Hiền cũng cho biết: Tập thể thầy và trò trường Trung học Phổ thông Đông Anh sẽ ghi nhớ những lời khuyên của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và thực hiện đúng phương châm của một người thành công: 85 % là thái độ; tích cực trau dồi và rèn luyện bản thân đóng góp cho xã hội, cho đất nước.