Học sinh lớp 11 chế tạo giá hỗ trợ chấm thi trắc nghiệm chỉ với 100.000 đồng

23/05/2021 06:03
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đam mê những sáng chế có thể ứng dụng thực tiễn, nhóm học sinh lớp 11 tại Hà Tĩnh đã tạo giá chấm trắc nghiệm bán tự động để san sẻ nỗi vất vả của các thầy cô.

Ý tưởng đến từ sự vất vả của các thầy cô

Ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, cậu học trò Nguyễn Mậu Đức - lớp 11A, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cùng nhóm bạn thân đã nảy ra ý tưởng chế tạo giá chấm trắc nghiệm bán tự động, sau khi chứng kiến nỗi vất vả của các thầy cô, mất hàng giờ để chụp ảnh, chấm bài thi.

Mặc dù hiện tại, trên điện thoại đã có ứng dụng chấm bài thi trắc nghiệm, nhưng trước khi chấm, giáo viên vẫn phải cầm điện thoại và chụp tất cả số bài thi/kiểm tra.

Chứng kiến những thao tác căn chỉnh cho cân đối khung chụp từng bài, vừa mất công, vừa tốn nhiều thời gian mà lại không đảm bảo chất lượng ảnh chụp do độ rung của tay, nhóm học sinh lớp 11A đã trăn trở nghĩ ra việc tạo ra một chiếc giá đặt điện thoại có thể điều chỉnh khoảng cách, độ cao,... để hỗ trợ thầy cô.

Nhóm học sinh lớp 11A chia sẻ về chiếc giá chấm trắc nghiệm bán tự động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhóm học sinh lớp 11A chia sẻ về chiếc giá chấm trắc nghiệm bán tự động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Xuất phát từ ý tưởng của mình, học sinh Nguyễn Mậu Đức đã rủ ba người bạn thân thiết học cùng lớp, là Lê Huy Hoàng, Dương Việt Hoàng và Nguyễn Văn Dũng cùng tìm cách san sẻ nỗi vất vả với các thầy cô.

Đức nhớ lại: “Trước đây, các thầy cô thường phải dành rất nhiều thời gian trong việc chụp ảnh bài thi trắc nghiệm, hoặc có lúc nhờ chúng em hỗ trợ.

Thông thường, để hiệu quả, phải cần đến ít nhất hai người, một người chuyên giữ máy chụp ảnh, người kia phụ trách khâu rút các bài thi lần lượt.

Nếu chỉ thực hiện khâu này một mình, thì phải dùng một tay chụp và tay kia rút bài thi, việc đó sẽ khiến tốn nhiều thời gian và việc chấm có thể thiếu chính xác do rung tay dẫn đến chất lượng hình ảnh thu được không tốt”.

Vốn là một cậu học trò yêu thích những môn học thuộc khối tự nhiên và đam mê tìm tòi, sáng chế những sản phẩm hỗ trợ cho việc học, Nguyễn Mậu Đức rất nhanh đã nảy ra ý tưởng: “Từ nhỏ, em đã rất hứng thú với việc đọc và tìm hiểu, chế tạo ra những đồ dùng ứng dụng vào việc học tập, chẳng hạn, chế tạo một chiếc kính thiên văn “made-by-me”,…

Vậy nên, em nghĩ đến, tại sao mình không thử chế tạo ra một sản phẩm nào đó giúp các thầy cô chấm bài nhanh và chính xác hơn? Em nhanh chóng ngỏ lời với ba người bạn thân và cùng nhau thực hiện”.

Các thầy cô đang đánh giá chiếc giá chấm trắc nghiệm bán tự động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các thầy cô đang đánh giá chiếc giá chấm trắc nghiệm bán tự động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau khi suy nghĩ và phác thảo ý tưởng, cả nhóm đặt vấn đề với giáo viên dạy Vật lý của lớp và rất nhanh nhận được sự ủng hộ.

Nghĩ là làm, nhóm học sinh tranh thủ những buổi chiều sau khi đi học về và ngày cuối tuần để hiện thực hóa ý tưởng. Nói đơn giản vậy, nhưng thực tế, để ra được khung thiết kế tối ưu nhất, thời gian đầu, cả nhóm cũng bàn bạc, tranh luận, thậm chí là... cãi nhau để bảo vệ quan điểm của từng người.

“Từ lúc có ý tưởng đến khi ra được định hình khung chung mất khoảng vài ba ngày, quãng thời gian này là giai đoạn nhóm cãi nhau nhiều nhất, rồi đến khi ra sản phẩm cuối cùng là khoảng một tuần. Nhiều lúc, chúng em còn hay trêu là thân nhau mấy năm, chỉ vì một sản phẩm mà suýt “sứt mẻ” đến nơi...

Có những hôm, vì mải mê với thiết kế và chế tạo mà chúng em quên cả bữa tối, cả nhóm túm tụm làm đến tận 8-9h tối, hoàn thiện được những bước đã định, mới chợt nhận ra bụng đói meo từ lúc nào” - Đức bật cười nhớ lại.

Những sản phẩm hoàn thiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những sản phẩm hoàn thiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nâng cấp sản phẩm tự động hóa hoàn toàn

Khi nhắc đến điểm khó nhất của chiếc giá chấm trắc nghiệm, cả nhóm học sinh đều cho rằng, khâu khó khăn nhất là thiết kế làm sao để khung của giá chấm vừa chắc chắn để giữ được điện thoại, nhưng vẫn phải linh hoạt, mềm mại.

“Nguyên lý hoạt động của giá chấm trắc nghiệm bán tự động khá đơn giản, chỉ cần tính toán và thiết kế giá có thể điều chỉnh, sao cho camera của điện thoại chụp được một cách trọn vẹn và cân đối bài thi.

Và khó nhất chính là tìm cách để các thầy cô dễ dàng điều chỉnh độ cao cũng như thiết kế khay đặt điện thoại sao cho có thể mở rộng hoặc thu hẹp để vừa khít từng loại máy, vì hiện tại, có quá nhiều loại điện thoại với các kích thước khác nhau” - Đức cho biết.

Điều đặc biệt không chỉ là sản phẩm dễ sử dụng, xoay được 360 độ, phù hợp với mọi loại điện thoại mà các thầy cô còn có thể gấp gọn lại và dễ dàng di chuyển.

Thêm một điểm nữa, ngay từ đầu, nhóm học sinh đã tính đến việc phải cân nhắc lựa chọn những loại vật liệu vừa phù hợp với túi tiền của học sinh mà vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Đó là lý do khiến chiếc giá hỗ trợ cho việc chấm bài kiểm tra rất hữu ích nhưng lại chỉ có giá thành rất rẻ, chỉ dao động từ 100.000-150.000 đồng.

Sản phẩm giá chấm bài thi trắc nghiệm bán tự động của những cậu học sinh lớp 11 sau khi được giới thiệu, các thầy cô trong trường đều đón nhận trong sự bất ngờ.

Sản phẩm có thể dễ dàng tháo rời gấp gọn bởi các khớp nối bằng ống nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sản phẩm có thể dễ dàng tháo rời gấp gọn bởi các khớp nối bằng ống nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Trương Thu Hà (giáo viên chủ nhiệm lớp 11A) cho hay: “Khi được dùng thử nghiệm chiếc giá đỡ này, giáo viên trường đều cảm thấy rất vui mừng.

Ưu điểm của giá chấm bài trắc nghiệm là cố định điện thoại nên trong quá trình chấm, bài kiểm tra được chụp ảnh rất rõ ràng, nhanh gọn, đạt tốc độ chấm 60 bài/phút, lỗi nút vàng gần như không có (nếu chấm bình thường điện thoại không được cố định, nhiều câu học sinh tô đáp án đúng nhưng máy không nhận được rõ đáp án nên báo lỗi nút vàng),...

Nhờ thế mà giáo viên có thể chấm bài thi một mình và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức bỏ ra”.

Thầy Thái Anh Tuấn (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn) đánh giá cao tinh thần học hỏi và tìm tòi, chế tạo của nhóm học sinh: “Tuy không phải là phát minh vĩ đại tầm vĩ mô nhưng đây là kết quả của sự nỗ lực, cần cù, thông minh, sáng tạo, và trên hết, là tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ của các em học sinh đối với thầy cô của mình.

Đó là sự cổ vũ, nguồn động viên không nhỏ từ học sinh đến với giáo viên và là sự khuyến khích các học sinh khác tiếp tục có nhiều sáng tạo góp ích cho cuộc sống.

Trong các đợt chấm bài thi thử cho học sinh lớp 12 và bài kiểm tra học kỳ lớp 10 và 11 vừa qua, các giáo viên trong trường đã sử dụng giá chấm này và mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận”.

Hiện tại, nhóm học sinh đã hoàn thành được một số sản phẩm và vẫn đang tiếp tục chế tạo thêm theo đơn đặt hàng từ các thầy cô trong trường.

Đồng thời, cả nhóm cũng hy vọng, sản phẩm sẽ đến tay các thầy cô giáo ngày càng nhiều để công tác chấm thi trắc nghiệm trở nên thật nhẹ nhàng, nhanh gọn mà vẫn đảm bảo chính xác.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm học sinh muốn phát triển và bổ sung thêm hệ thống đèn để đảm bảo ảnh vẫn có thể được chụp trong điều kiện trời tối cũng như thêm một số tính năng khác.

Bật mí về những dự định tiếp theo, cậu học trò Nguyễn Mậu Đức cho biết: “Chúng em đang cùng nghiên cứu và vạch ra những ý tưởng để tiếp tục phát triển, hoàn thiện sản phẩm theo hướng tự động hóa toàn bộ khâu chấm bài. Để làm được điều đó, chúng em cũng đã tự trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, và nếu cần thiết, có thể mời sự hỗ trợ hợp tác từ các bạn có thế mạnh”.

Ngân Chi