Học sinh lớp 12 sáng tạo thiết bị định vị đồ dùng cho học sinh khiếm thị

27/11/2020 06:10
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận thấy học sinh khiếm thị gặp nhiều khó khăn, hai bạn học sinh lớp 12 đã sáng tạo ra thiết bị định vị đồ dùng bằng âm thanh cho học sinh khiếm thị.

Trần Tuấn Minh, học sinh lớp chuyên Tin và Phạm Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Toán 1 của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cùng nhau sáng tạo sản phẩm hỗ trợ học sinh khiếm thị trong việc định vị, tìm kiếm các đồ dùng cá nhân.

Qua chuyến đi thực tế theo dự án bộ môn tại Trường Trung học phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh, Tuấn Minh và Ngọc Anh có cơ hội cùng trải nghiệm cuộc sống của các bạn học sinh khiếm thị từ đó thấu hiểu được những khó khăn và thử thách mà các bạn phải đối mặt trong học tập cũng như trong đời sống hàng ngày.

Ngọc Anh chia sẻ: “Đa số học sinh khiếm thị khó khăn trong việc định hướng và di chuyển. Đặc biệt, khi các bạn di chuyển độc lập thường dễ bị va vào vật cản dẫn đến chấn thương, vấp ngã, lạc đường, khó định vị được đồ vật, khó tiếp cận với thông tin của bảng chỉ đường và khó xác định được tọa độ”.

Cũng từ đây, hai bạn trẻ tâm nguyện nghiên cứu, sáng tạo một thiết bị giúp học sinh khiếm thị định vị được vị trí đồ dùng cá nhân.

“Vì khiếm khuyết về thị giác, khi các bạn tham gia những hoạt động tập thể, trong một không gian mới lạ, các bạn sẽ rất khó để tìm lại đồ dùng cá nhân của mình.

Chúng em muốn có một thiết bị hỗ trợ các bạn việc tìm kiếm đồ dùng, trước tiên là những đồ dùng đặc trưng, gắn liền với cuộc sống hằng ngày như balo, hộp bút, áo khoác,...” Ngọc Anh giải thích thêm về mục đích công trình nghiên cứu.

Tuấn Minh, Ngọc Anh thỏa sức sáng tạo khoa học dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của cô Lê Thị Hồng Nhung (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tuấn Minh, Ngọc Anh thỏa sức sáng tạo khoa học dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của cô Lê Thị Hồng Nhung (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tháng 8/2019, hai học sinh bắt tay vào hoạt động nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của Thạc sỹ Lê Thị Hồng Nhung, giáo viên bộ môn Hoá của trường.

Việc đầu tiên là các bạn khảo sát thực tế nhu cầu về việc định vị của học sinh khiếm thị.

Quá trình khảo sát được thực hiện với 3 đối tượng chính là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, giáo viên và học sinh tại các trường chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thị.

Theo chia sẻ của Ngọc Anh, tại một số trường học chuyên biệt hiện nay, học sinh khiếm thị chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ định vị.

Nếu không có thiết bị hỗ trợ, khi tìm kiếm đồ vật, các bạn sẽ cần giáo viên giúp đỡ hoặc nhận dạng đồ vật qua việc sờ và cảm nhận.

Thế nhưng điều này rất bất lợi nếu các bạn phải di chuyển trong môi trường hoà nhập, khi những đồ dùng cá nhân có đặc điểm giống nhau.

Công trình cá nhân hóa thiết bị đồ dùng định vị cho học sinh khiếm thị giành giải thưởng tại chương trình “Tri thức trẻ vì Giáo dục 2020” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Công trình cá nhân hóa thiết bị đồ dùng định vị cho học sinh khiếm thị giành giải thưởng tại chương trình “Tri thức trẻ vì Giáo dục 2020” (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Trên thị trường hiện nay cũng có những sản phẩm hỗ trợ việc định vị và tìm kiếm đồ dùng cho học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ phát ra một loại âm thanh “bíp bíp”. Nếu tất cả các bạn đều sử dụng thì sẽ dễ gây nhầm lẫn.

Đó là lý do chúng em hướng tới việc cá nhân hóa thiết bị định vị đồ dùng bằng âm thanh cho học sinh khiếm thị. Tính cá nhân ở đây chính là mỗi bạn sẽ có thể tự ghi âm giọng nói của mình trên thiết bị, sau đó tìm kiếm đồ dùng của mình dựa vào việc nhận diện giọng nói của bản thân.”, Ngọc Anh chia sẻ.

Sản phẩm sáng tạo này bao gồm có 2 bộ phận chính là thiết bị phát âm thanh và điều khiển cầm tay. Để sử dụng, học sinh khiếm thị sẽ ghi âm trực tiếp giọng nói của mình vào thiết bị phát âm thanh, cài đặt tên âm thanh tương ứng với 4 nút phím trên điều khiển.

4 thiết bị âm thanh sẽ được đặt cố định tại 4 đồ dùng cá nhân quan trọng mà bạn thường có nhu cầu tìm kiếm. Tương ứng là 4 nút phím trên điều khiển, nếu cài đặt nút A là áo khoác thì khi nhấn nút A, thiết bị phát âm thanh tại áo khoác sẽ phát ra giọng nói đã ghi âm trước đó.

Với cách thức này, học sinh khiếm thị sẽ dễ dàng định hướng được vị trí và dễ dàng tìm đồ vật của mình.

Theo chia sẻ của bạn Trần Tuấn Minh, trong thời gian hơn 1 năm nghiên cứu và thực nghiệm thí điểm, sản phẩm đã được nâng cấp đến phiên bản thứ tư.

Tuấn Minh cho biết: “Từ phiên bản thứ nhất đến phiên bản thứ 2, chúng em tối ưu kích thước cho thiết bị, tuy nhiên, quá trình ghi âm vẫn thực hiện trên thẻ nhớ, sau đó mới cho thẻ nhớ vào thiết bị phát âm thanh.

Đến phiên bản thứ 3, chúng em tiếp tục cải tiến về kích thước cho sản phẩm nhỏ gọn hơn và tích hợp thành công việc thu âm trực tiếp trên thiết bị.

Phiên bản thứ 4 này, thiết bị đã nhỏ gọn hơn với kích thước 6x6x3 cm, đặc biệt, trên hộp âm thanh có in chữ nổi hỗ trợ các bạn học sinh khiếm thị trong việc sử dụng sản phẩm”.

Quá trình nghiên cứu sản phẩm của hai bạn học sinh đam mê khoa học kỹ thuật cũng gặp không ít khó khăn.

Tuấn Minh chia sẻ: “Là học sinh năm cuối nên chúng em có áp lực học tập nhiều hơn, việc dành thời gian cho hoạt động nghiên cứu này cũng phải đảm bảo cân bằng với việc học tập. Chính vì vậy mà thời gian chúng em làm và cải tiến sản phẩm cũng kéo dài.

Bên cạnh đó, chúng em phải tìm và đặt mua thiết bị ở nhiều nơi vì tại tỉnh nhà không có. Trong quá trình làm, sản phẩm cũng bị chập, cháy nhiều lần.

Dù vậy, với quyết tâm có một sản phẩm thật hữu ích dành cho các bạn học sinh khiếm thị, chúng em không nản lòng, sau những thất bại như sự cố chập cháy thì chúng em lại tìm hiểu vấn đề để khắc phục”.

Cuối cùng, công trình cá nhân hóa thiết bị định vị đồ dùng bằng âm thanh cho học sinh khiếm thị của hai học sinh cũng được hoàn thiện và cải tiến tối ưu hơn.

Sản phẩm cũng đã được sử dụng và thẩm định bởi các chuyên gia về giáo dục đặc biệt cũng như giáo viên và học sinh tại các trường khiếm thị.

Đánh giá về tính khả thi và ứng dụng của sản phẩm, nghiên cứu sinh Hoàng Thị Nga, Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thiết bị có tính nhân văn và ứng dụng cao trong bối cảnh người khiếm thị Việt Nam vẫn còn bị giới hạn các cơ hội được tham gia vào các hoạt động cộng đồng và hòa nhập cuộc sống.

Có được thiết bị này, người khiếm thị sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ngoài trời như thể dục thể thao, tham dự hội nghị hội thảo, vui chơi giải trí cũng như các hoạt động khác”.

Điều hạnh phúc nhất với Ngọc Anh, Tuấn Minh chính là sản phẩm của mình được các bạn học sinh khiếm thị đón nhận với phản hồi tích cực, sản phẩm được đánh giá có tính hiệu quả cao, hỗ trợ rất tốt trong việc định vị đồ dùng cá nhân.

Công trình cá nhân hóa thiết bị đồ dùng định vị cho học sinh khiếm thị là một trong 15 công trình nhận được giải thưởng “Tri thức trẻ vì Giáo dục năm 2020”.

Chia sẻ về sản phẩm của mình, Tuấn Minh cho biết, cả hai bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến sản phẩm đạt đến sự tối ưu và hoàn thiện nhất. Về kích thước, thiết bị sẽ được thu gọn hơn nữa.

Đặc biệt, cả hai đang nghiên cứu để sản phẩm có thể tích hợp GPS. Ngoài chức năng định vị, thiết bị sẽ có thể chỉ dẫn hướng đi, đường đi cho học sinh khiếm thị.

Như vậy, chức năng hỗ trợ học sinh khiếm thị sẽ nhiều hơn, không bị giới hạn trong những không gian nhất định.

Hai tác giả của công trình sáng tạo này cũng chia sẻ nguyện vọng sản phẩm của mình sẽ được đưa vào sử dụng tại các trường học chuyên biệt trên khắp cả nước, giải quyết những khó khăn, bất cập trong cuộc sống hằng ngày cũng như quá trình học tập tại trường cho học sinh khiếm thị.

Nhóm nghiên cứu quyết định dành toàn bộ tiền thưởng để làm sản phẩm tặng học sinh khiếm thị và mong muốn nhận thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng để thêm nhiều bạn được thụ hưởng lợi ích từ dự án. Tấm lòng kết nối những tấm lòng. Yêu thương kết nối những yêu thương.

Phạm Minh