Nhóm học sinh Hương Sơn khởi nghiệp với “nước chấm của người nghèo”

11/11/2020 06:10
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ý tưởng nước chấm cua đồng Hương Sơn của nhóm học sinh Hà Tĩnh đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020.

Không dừng lại ở chuyện bài vở, lý thuyết suông, một nhóm học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Lê Bình, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp bằng việc đưa sản vật quê hương vào các cuộc thi có tầm cỡ.

Vượt qua hàng trăm đối thủ khác, ý tưởng nước chấm cua đồng Hương Sơn hay còn gọi là “nước chấm của người nghèo” đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhóm học sinh lớp 8 với dự án lọt vào chung kết. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Nhóm học sinh lớp 8 với dự án lọt vào chung kết. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ý tưởng từ sản vật nơi đầu sông Ngàn Phố

Chia sẻ về dự án này em Nguyễn Thị Nga, lớp 8B - một thành viên trong nhóm khởi nghiệp cho biết: “Sau khi thảo luận với giáo viên chủ nhiệm, chúng em đã thống nhất chọn món nước chấm cua đồng làm sản phẩm dự thi. Ở nơi bán sơn địa, quanh năm cát trắng gió Lào như quê em thì nó còn được mệnh danh là thứ “nước chấm của người nghèo”.

Bởi lẽ, cuộc sống của người dân thôn quê vốn khó khăn, quần áo mặc còn chưa đủ ấm nói chi đến chuyện cơm no nên họ đã “sáng chế” ra món ăn này cũng là một cách cứu cánh thiết thực, cải thiện bữa ăn vào mỗi độ giáp hạt.

Cũng có nhiều ý kiến khuyên chúng em nên thay đổi bằng sản phẩm khác dễ làm hơn, nhưng vì một phần để bảo vệ quan điểm của nhóm, một phần vì thứ hương vị mặn mòi khó quên mà bố mẹ đã nuôi lớn chúng em từ thủa bé, nên chúng em quyết đeo đuổi và thực hiện dự án này tới cùng.

Em cũng mong rằng, sau cuộc thi sản phẩm này sẽ được nhiều người biết đến.

Cũng qua đây, chúng em đã nhận thức ra rằng người trẻ vùng quê cần phải làm gì để thay đổi quê hương, bởi lẽ đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến tương lai tươi sáng.

Nếu biết vận dụng linh hoạt thì ngay những thứ bình dị nhất của quê hương cũng có thể đổi thay được cuộc sống của chính mình”.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện dự án cả nhóm gặp không ít khó khăn. Một trong những yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm chính là cua đồng. Cua phải được bắt từ những cánh đồng ven sông Ngàn Phố mới ngon.

Người dân nơi đây còn truyền tai nhau rằng, vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên đến con cua, con cá vùng này cũng thơm ngon lạ thường.

Để có đủ nguyên liệu, các em trong nhóm phải tranh thủ ngoài giờ học tập cùng nhau ra đồng bắt cua.

Thời điểm đó, đang mùa mưa lũ, nước đồng dâng cao, cua chui hết vào hang nên việc làm sao bắt được 20kg cua nguyên liệu càng trở nên khó khăn hơn.

Phụ huynh các em ban đầu còn phản đối vì nghĩ không khả thi, nhưng rồi thương con, thấy các con miệt mài, say mê với dự án lại xiêu lòng giúp đỡ, thậm chí còn ra đồng mò cua cho các con làm nguyên liệu.

Mưa gió liên miên tưởng chừng dự án phải dừng lại vì thiếu nguyên liệu. Nắm bắt được tình hình nhà trường đã cùng chung tay giải quyết khó khăn bằng việc tự bỏ kinh phí và cử người đi thu mua cua, chai lọ rồi in tem mác.

Nhận được trợ giúp nhóm khởi nghiệp càng có thêm động lực, tinh thần càng thêm phấn chấn tiếp tục thực hiện dự án.

Quy trình thực hiện được các em làm thủ công. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Quy trình thực hiện được các em làm thủ công. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Đức Lâm vừa là giáo viên chủ nhiệm vừa là người hướng dẫn, hỗ trợ cho các em trong thời gian thực hiện dự án cho biết:

“Quá trình tạo ra sản phẩm chỉ là khó khăn một phần, còn làm sao để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng đủ sức cạnh tranh được với các đối thủ khác trong cuộc thi mới khó khăn hơn.

Món nước chấm này ở Hương Sơn đã có từ lâu đời, tuy nhiên bà con ở địa phương chỉ làm ra số lượng ít để sử dụng trong gia đình chứ chưa hộ dân nào phát triển theo hướng buôn bán.

Bước đầu chúng tôi muốn cùng các em hiện thực hóa nó theo hướng thương mại. Dài hơi hơn là mong sau những cuộc thi như thế này thương hiệu nước chấm cua đồng Hương Sơn có thể đi xa và nhiều người biết đến hơn, hoặc nếu có thể chúng tôi mong rằng mô hình này có thể đưa vào sản xuất, kinh doanh theo quy mô lớn, trở thành một ngành nghề của địa phương để bà con có thêm thu nhập”.

Thầy Lâm còn cho biết thêm, để đạt được độ tươi ngon đặc trưng thì bắt buộc sản phẩm này phải được làm hoàn toàn bằng quy trình thủ công.

Theo đó, sau khi thu gom đủ cua, việc trước tiên cần làm sạch, loại bỏ mai cua, phần còn lại để ráo.

Tiếp nữa dùng cối giã nhỏ sau đó cho nước sạch vào khuấy đều. Sau khi để lắng nước, dùng dụng cụ lọc để chắt lấy nước.

Phần nước cua được lọc ra sẽ được pha trộn với các nguyên liệu phụ như mì chính, thính gạo, hành tăm, chất tạo màu hữu cơ, muối trắng.

Phần hồn cốt làm nên đặc trưng của nước chấm cua đồng chính là vỏ của quả tắc rừng Hương Sơn (một loại giống quả quất – PV).

Loại quả này vì mọc trên đất đồi núi nơi đây, quanh năm chịu nắng gió nên khi phơi khô, tán bột cho vào chai nước chấm sẽ tạo ra hương vị riêng biệt mà các nơi khác không có được.

Một điều thú vị nữa tạo nên hương vị đậm đà của loại nước chấm này chính là việc ủ chín quanh bếp lửa. Các chai nguyên liệu thành phẩm sẽ được xếp xung quanh bếp lửa.

Nhiệt ấm từ bếp củi, cùng với mùi khói bếp sẽ làm nước chấm đạt độ chín tự nhiên và giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng. Sau một tháng ủ bếp sản phẩm có thể sử dụng được.

Sản phẩm được ủ bếp củi để tạo hương vị đặc trưng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sản phẩm được ủ bếp củi để tạo hương vị đặc trưng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Mong đón nhà tài trợ để ý tưởng thành hiện thực

Hiện tại, dự án này đã lọt vào vòng chung kết toàn quốc, dự kiến tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày 18 - 19/12/2020.

Không phủ nhận những năng lượng tích cực mà cuộc thi này mang lại, thầy Trần Thăng Long, hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lê Bình cho rằng, qua cuộc thi này nhiều bạn đã trẻ đã học được các ý tưởng kinh doanh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bởi lẽ học đại học không phải là con đường duy nhất để các em lập nghiệp.

Vì thế, cuộc thi này còn mang ý nghĩa thiết thực giúp các em nhận thức và xác định được rằng “Học để làm gì?”.

Tuy nhiên để dự án này đi vào thực tiễn, sản phẩm này có thể phát triển được theo hướng hàng hóa thương mại hay không lại là cả một câu chuyện dài hơi hơn và cần có sự chung tay của nhiều cấp ngành.

Đem những trăn trở này bày tỏ cùng chúng tôi, thầy Long cho biết: “Nhà trường và địa phương luôn mong muốn trong tương lai sản phẩm này sẽ phát triển theo hướng thương mại với các sản phẩm theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, thậm chí là có mặt trong các siêu thị lớn.

Nhà trường cho phép thông qua ý tưởng này cũng bởi nó thiết thực, phù hợp với suy nghĩ khởi nghiệp của các em.

Nguồn lao động nhàn rỗi sau mùa vụ ở địa phương còn nhiều nên nếu có thêm nghề phụ ắt hẳn đời sống bà con sẽ khấm khá hơn.

Tuy nhiên, để làm ra được sản phẩm này theo quy mô ngành nghề thì phải có đầu ra rộng khắp, không những thế cần có nhà đầu tư để mở xưởng sản xuất vỏ chai, dây chuyền khử trùng, dập nắp, in tem mác”.

Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 viết tắt là SV_STARUP_2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động tại Quyết định số 1715/QĐ-BGDĐT.

Giải thưởng là tiền và bằng khen của Bộ cùng các gói hỗ trợ đào tạo, triển khai dự án lên đến hơn 500 triệu đồng.

Trong đó, tiền thưởng với khối sinh viên là 60 triệu đồng cùng gói hỗ trợ đào tạo, triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận về số tiền 40.000 USD.

Các dự án khởi nghiệp của khối học sinh thì giải nhất với tiền thưởng là 30 triệu đồng.

Trung Dũng