Ý kiến của một số giáo viên về cắt bớt chương trình để kịp kết thúc năm học 2019- 2020 này vào cuối tháng 6 là hợp tình hợp lý.
Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với các ý kiến trên và kính mong các cấp lãnh đạo ngành giáo dục chú ý nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn các trường thực hiện.
Là giáo viên Ngữ văn dạy học trên 35 năm, tôi nhận thấy chương trình Ngữ văn cấp Trung học phổ thông chẳng hạn; còn khá nhiều kiến thức trùng lặp hoặc những bài cuối học kỳ 2 dường như để các nhà biên soạn “lấp đầy chỗ trống”, cho thêm trang chứ không phải mục đích cung cấp kiến thức cho học sinh!
Những kiến thức này nếu bỏ bớt cũng không ảnh hưởng đến khối lượng kiến thức của học sinh cũng như không ảnh hưởng đến việc thi tốt nghiệp, thi tuyển đại học của các em.
Nhớ lại hồi học hệ 10 năm ở miền Bắc, chương trình rất ngắn gọn nhưng cung cấp khá đầy đủ kiến thức cơ bản cho học sinh hồi đó. Những kiến thức ấy, do được tinh lọc nên chúng tôi còn nhớ tới bây giờ!
Có nên cắt bớt chương trình để kịp kết thúc năm học 2019- 2020 này vào cuối tháng 6? (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn) |
Từ cơ sở kiến thức cơ bản, chúng tôi chủ động tự học, tự đọc sách, tự nghiên cứu chứ không bao giờ bị động, chở đợi người khác “mớm” kiến thức cho mình!
Như vậy, kiến thức mới là của mình; mới khắc sâu, nhớ lâu và luôn vận dụng linh hoạt vào thực tiễn cuộc sống…
Các bộ môn khác hiện nay cũng vậy, cần mạnh dạn cắt bớt vì hoàn cảnh phải nghỉ học vì dịch Covid-19; vì bất khả kháng mới làm như vậy.
Hơn nữa, chương trình vẫn còn khá nặng nề (mặc dù đã giảm tải) nên cả người dạy và cả học sinh đều phải “chạy” theo chương trình muốn bở hơi tai. Còn đâu mỗi ngày đến trường là một ngày vui, mỗi giờ được học là một giờ vui?
Giáo viên đề xuất cắt bớt chương trình học, không kéo dài lịch học sang tháng 7 |
Khi chuẩn bị bỏ bớt chương trình, cũng cần tham khảo giáo viên để có tiếng nói từ cơ sở vì chỉ có cơ sở mới sâu sát, mới nắm được tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, của phụ huynh và học sinh.
Từ đó, có sự quyết định kịp thời, đáp ứng được lòng mong mỏi của giáo viên, của học sinh và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Chưa bao giờ ngành giáo dục lại phải trải qua sự thử thách gay gắt này! Nhưng với bản lĩnh của ngành, sự linh hoạt, sáng tạo; sự ủng hộ của đội ngũ giáo viên thì khó khăn này chúng ta sẽ vượt qua.
“Tùy cơ ứng biến”, khi có sự việc đột xuất xảy ra thì chúng ta cần linh hoạt giải quyết vấn đề một cách thấu đáo.
Đây cũng là dịp chúng ta nhìn lại chương trình; xem xét, nghiên cứu lược bỏ bớt những kiến thức không cần thiết, chưa thực sự cần thiết để tập trung vào kiến thức trọng tâm.
Tôi ủng hộ ý kiến bỏ bớt chương trình để tiến độ thực hiện thời gian kết thúc năm học hợp lý vào cuối tháng 6; không nên kéo dài qua tháng 7 như dự kiến của Bộ Giáo dục!