Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cô Phạm Thái Lê – giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) đề xuất tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nên chấm dứt thực trạng manh mún bị động bằng cách chủ động cắt bớt chương trình học ở tất cả các môn và khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12.
Hiện nay, giải pháp chủ yếu được thực hiện để đối phó với dịch Covid-19 là cho học sinh nghỉ học và dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.
Tuy nhiên với góc nhìn của người trong cuộc, cô giáo Phạm Thái Lê cho rằng những biện pháp như trên chỉ có tính chất tạm thời và không có hiệu quả trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Cảm động bức thư cô giáo gửi học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 |
Đánh giá về hình thức học trực tuyến cô Lê cho rằng: Hình thức này hiệu quả nhưng cũng kèm theo nhiều thiếu sót.
Cô Phạm Thái Lê phân tích: “Hình thức học trực tuyến có những ưu điểm của nó được phát huy trong tình trạng dịch Covid-19 như hiện nay.
Tuy nhiên hình thức học trực tuyến cũng có những nhược điểm của nó.
Thứ nhất: Để đảm bảo việc học trực tuyến có kết quả thì trang thiết bị, hạ tầng phải đáp ứng. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng có máy tính cho con học trực tuyến.
Cho nên việc học trực tuyến không thể đồng bộ trong cả nước nhất là ở những tỉnh vùng sâu,vùng xa.
Thứ hai: Đối với giáo viên như chúng tôi việc dạy trực tuyến rất vất vả. Khác với phương pháp dạy truyền thống, việc dạy trực tuyến giáo viên phải soạn bài, soạn giáo án sao cho phù hợp. Rồi đến việc truyền tải kiến thức như thế nào? Thêm chỗ này bỏ chỗ kia. Trong khi có rất nhiều giáo viên chưa tiếp cận với phương pháp dạy học trực tuyến nhất là ở những tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba: Việc quản lý học sinh rất khó. Việc học trực tuyến vốn dĩ chỉ là hình thức cho phụ huynh yên tâm, học sinh có việc mà làm. Lấy ví dụ các em đi học trên lớp có thầy cô nhiều khi còn không tập trung, không quản nổi chứ nói gì đến việc học trực tuyến không có giáo viên kèm cặp.
Về hình thức học thông qua truyền hình có nhiều ưu điểm hơn. Nhưng nhìn chung đây cũng chỉ là tình thế đối phó. Dưới cương vị giáo viên tôi cho rằng học trực tuyến rất khó để đảm bảo chất lượng”.
Cô Phạm Thái Lê đề xuất cắt giảm chương trình học và không kéo dài lịch học sang tháng 7 (Ảnh:NVCC) |
Từ thực tiễn trên, cô Phạm Thái Lê đề xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án tổng thể giúp giải quyết tình trạng manh mún, không đồng bộ ở các địa phương. Theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể chủ động cắt bớt chương trình học và năm học vẫn sẽ kết thúc ở thời điểm cuối tháng 6 như dự kiến.
Việc kéo dài năm học sang tháng 7 trong điều kiện thời tiết nắng nóng (nhất là ở những tỉnh miền Trung) sẽ ảnh hưởng đến tâm lý,sức khỏe của học sinh, dẫn đến đảo lộn diễn biến của các kỳ thi, kỳ tuyển sinh và gây ảnh hưởng đến năm học 2021-2022.
Căn cứ để cô Phạm Thái Lê đề xuất ý kiến trên bao gồm mấy ý sau:
Thứ nhất: Việc kết thúc năm học vào thời điểm 30/6/2020 là hợp lý cho cả giáo viên, nhà trường và nhất là học sinh. Nếu năm học không đủ thời gian thì phải buộc giảm bớt chương trình học.
Thứ hai: Việc cắt bớt chương trình học (bao gồm một số bài không trọng tâm) cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình học tập lâu dài của học sinh. Ngoài ra đây cũng chỉ là giải pháp để đối phó trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh, học sinh phải nghỉ dài ngày. Bên cạnh đó nhiều chuyên gia và các nhà giáo dục cũng đã chỉ ra rằng chương trình học hiện nay ôm đồn và quá nặng nề, có nhiều kiến thức không cần thiết.
Thứ ba: Việc cho học sinh nghỉ học dài ngày nhưng vẫn giữ nguyên chương trình sẽ đẩy thầy – trò vào tình trạng co kéo cho đủ tiết, đủ bài. Như vậy chỉ đảm bảo về lượng mà không đảm bảo về chất.
Thứ tư: Về lâu dài cần xây dựng một khung chương trình có độ co – giãn, linh hoạt hơn để có thể chủ động trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, học sinh phải nghỉ dài ngày.
Theo cô Lê: Việc học là việc cả đời, cắt giảm một số bài không quan trọng không ảnh hưởng nhiều đến việc học của học sinh (Ảnh:NVCC) |
Cô Phạm Thái Lê cho biết: “Mỗi năm học đều có 2 tuần dự trữ, 2 tuần này sẽ không ảnh hưởng đến việc giảm bớt 1 số tiết học, giảm thời lượng dạy.
Trên thực tế học sinh đang nghỉ học 1 tháng, nếu đi học từ 2/3/2020 thì chỉ cần đến 15/5/2020 là cũng có thể hoàn thành chương trình rồi.
Như thường lệ năm học kết thúc vào ngày 31/5 nhưng từ 15/5 học sinh đã thi xong. Khoảng thời gian 2 tuần sau đó là để hoàn thiện hồ sơ, hoàn thiện điểm, học sinh lên lớp hiệu quả học tập không cao, học theo kiểu đối phó.
Chúng ta có thể tận dụng 2 tuần này để bù vào thời gian nghỉ cho hợp lý, như vậy sẽ chỉ cần thêm 2 tuần nữa là đủ thời gian đã nghỉ chứ không cần đến 4 tuần và kéo dài sang tháng 7”.
Đề xuất này cũng giúp ổn định tâm lý học sinh, phụ huynh và giáo viên khi không kéo dài năm học sang tháng 7 (Ảnh:NVCC) |
Cô Lê bày tỏ: “Việc học là việc cả đời, do vậy cắt bớt một số nội dung, bài giảng không quan trọng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc các em tích lũy kiến thức.
Nếu chỉ chăm chăm chạy tiết, chạy bài cho đủ số lượng mà bỏ qua chất lượng cũng sẽ không đem đến hiệu quả nhiều.
Bộ có thể nghiên cứu và coi đây là một phương án B trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh”.
Một bài toán nữa được cô Lê đặt ra đó là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các chính sách hỗ trợ như thế nào dành cho giáo viên hợp đồng khi không có tiền lương dạy, không chủ động được công việc.
Vì thế nữ giáo viên mong muốn Bộ sẽ có một chính sách dài hơi và chủ động hơn để đối phó dịch Covid-19, chấm dứt tình trạng manh mún, mỗi nơi một phách như hiện nay.