Qua chia sẻ với thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, tôi được biết, thầy Văn Như Cương chính là người mở đường cho anh Tùng.
Anh Tùng kể: “Năm 1994, nghe danh tiếng thầy Cương, từ Hưng Yên tôi tìm đến trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh xin được học lớp 10 dù khi đó nhiều bạn bè, người thân can ngăn vì đây là trường tư thục và chưa có tên tuổi nhiều.
Đến năm 1997, chúng tôi đăng kí thi đại học. Tôi cũng yêu thích nghề sư phạm nhưng nhiều người cũng can ngăn vì lúc đấy các ngành khối kinh tế đang rất hấp dẫn.
Đúng lúc đó tôi đọc được bài thơ của thầy:
“Các em vào đại học thầy vui
Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi
Ít em mong muốn vào sư phạm
Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?”
Và rồi tôi đã chọn trường sư phạm, từ đó cho đến bây giờ, với 20 năm đi dạy, tôi vẫn thấy lựa chọn của tôi hoàn toàn đúng đắn, tôi biết ơn thầy về điều đó”.
Cậu học trò khóa 1994-1997 trường Lương Thế Vinh năm nào nay đã trở thành giáo viên dạy Toán tại chính mái trường ấy chia sẻ thêm rằng, hàng năm, điểm thi đại học của học sinh Lương Thế Vinh nằm trong top đầu của cả nước.
Điều gì làm nên thành công như vậy?
Theo cậu học trò Trần Mạnh Tùng đó là sự nỗ lực cố gắng của cả thầy và trò, được định hướng bởi quan điểm giáo dục của thầy Văn Như Cương.
Chia sẻ với thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, tôi được biết, thầy Văn Như Cương là người mở đường cho anh Tùng. (Ảnh thầy Tùng cung cấp) |
Tại hội thảo chuyên đề “Thầy Văn Như Cương – người mở đường” nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Lương Thế Vinh diễn ra ngày 1/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Lương Thế Vinh tổ chức, cậu học trò Trần Mạnh Tùng đã nêu cụ thể 5 quan điểm này.
Một là quan điểm đi trước, đón đầu
Trường dân lập đầu tiên: Năm 1989, thầy Cương mở trường dân lập đầu tiên, trường Phổ thông Dân lập Lương Thế Vinh với mục tiêu kép:
“Giáo dục toàn diện cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nhất cho học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng”.
Trường cũng đề cao tính dân chủ trong trường học, khắc phục những điểm yếu của ngành lúc bấy giờ và tạo điều kiện cho mọi học sinh, đặc biệt là các em không có hộ khẩu Hà Nội.
Mục tiêu này nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ trong xã hội và tạo một cú hích tích cực trong ngành giáo dục.
Lựa chọn ban cơ bản: Sau 3 năm dạy thí điểm ở 11 tỉnh thành với 50 trường, năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình phân ban, gồm 3 ban: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và ban Cơ bản.
Thầy Văn Như Cương - Người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục tư thục |
Ngay từ đầu, thầy Cương đã cho rằng 2 ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là nặng nề và Lương Thế Vinh chọn ban Cơ bản rồi chọn các môn nâng cao phù hợp với khối thi (Khối A: Toán - Lý - Hóa, Khối D: Toán – Văn - Anh).
Năm 2014, đề thi đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ phần nâng cao – đây được coi là dấu chấm hết cho chương trình phân ban của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, hiện nay, hầu hết các nhà trường đều học ban cơ bản.
Điều này chứng tỏ, lựa chọn của thầy Cương là hoàn toàn hợp lí và có tầm nhìn xa, trông rộng.
Chủ động thích ứng với đổi mới chương trình và sách giáo khoa:
Thầy Cương cho rằng, để đổi mới giáo dục thì việc đầu tiên là đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Là người làm sách giáo khoa nhiều năm, thầy rất quan tâm và là tấm gương sáng về tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện.
Quan điểm của thầy cũng lan tỏa đến đội ngũ giáo viên chúng tôi, giúp chúng tôi chủ động tiếp cận và tự đào tạo, từng bước thay đổi để nâng cao kiến thức, coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, dạy học tích hợp, làm chủ công nghệ thông tin,…
Hai là quan điểm thẳng thắn phản biện
Hơn hai mươi năm qua, trong những đổi mới về chương trình sách giáo khoa phổ thông, thử nghiệm các mô hình giáo dục, đổi mới thi cử... luôn có bóng dáng của thầy Văn Như Cương, trong vai người phản biện.
Tư duy sắc sảo, đặc biệt là quan điểm luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên đã khiến tiếng nói của thầy được sự quan tâm, đồng thuận của dư luận xã hội.
Người ta ví von: thầy thuộc "thế hệ vàng" những chuyên gia giàu tâm huyết và cũng thẳng thắn đến gay gắt.
Quan điểm ấy của thầy cũng ngấm vào các thế hệ giáo viên trường Lương Thế Vinh. Ở trường chúng tôi, việc tranh luận chuyên môn, phát biểu ý kiến, góp ý, phê bình,… là một việc làm thường xuyên, liên tục và hết sức tự nhiên, không cần né tránh.
Tất cả đều hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Ba là, quan điểm giáo dục yêu thương học sinh
Tình yêu của thầy với các em học sinh là điều rất dễ nhận thấy, thầy như một người ông, yêu thương và gần gũi.
Thầy chuyển đến trường ở để được ở cạnh học sinh, tranh thủ giờ nghỉ vui chơi, chuyện trò cùng các em.
Khi được hỏi: Nếu ngược về quá khứ để thay đổi, thầy sẽ thay đổi điều gì? Thầy bảo, tôi vẫn sẽ làm thầy giáo vì tôi không hình dung ra cuộc sống của tôi sẽ thế nào nếu thiếu các em học sinh.
Ở trường Lương Thế Vinh, khi tuyển giáo viên bao giờ cũng có phần phỏng vấn. Thầy Cương rất chú trọng tiêu chí thầy cô yêu thương, gần gũi và nhiệt tình với học sinh.
Quan điểm đặt học sinh vào trung tâm, luôn lắng nghe và tạo điều kiện tốt nhất cho các em sẽ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục của trường Lương Thế Vinh.
Bốn là quan điểm chống bệnh thành tích
Bệnh thành tích là một căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục và đang có phần nặng thêm.
Thầy Cương thường xuyên lên án những biểu hiện của bệnh thành tích đang vắt kiệt sinh lực thầy và trò, làm sai lệch, méo mó giá trị đích thực của giáo dục.
Bất bình với con số tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm lên đến 98%, 99% nên thầy Cương đã khẳng định rằng: "Phải chống được căn bệnh này thì mới mong đổi mới giáo dục toàn diện".
Khi được hỏi, với những đóng góp lớn lao như vậy, tại sao trường Lương Thế Vinh chưa có được bằng khen hay huân chương ghi nhận, thầy bảo: “Sự đánh giá của xã hội và sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh mới chính là hạnh phúc lớn nhất của người thầy”.
Ở trường Lương Thế Vinh chúng tôi, các hoạt động không thiết thực, không cần thiết thì không cần phải tổ chức.
Các em học sinh không phải gồng mình để gán vào một danh hiệu định trước.
Là giáo viên, chúng tôi không phải chạy theo một thành tích nào cả, chỉ cần cố gắng làm hết sức của mình.
Thầy trò chúng tôi coi đấy là một niềm hạnh phúc!
Năm là quan điểm dạy thật, học thật
Người ta hỏi thầy Cương: Bí kíp nào để Lương Thế Vinh đạt kết quả cao như thế? Thầy trả lời đơn giản: "Dạy thật, học thật".
Thầy quan niệm: Học sinh cần môi trường giáo dục sạch vì nếu không sạch thì sẽ không có nền giáo dục tốt và có trò giỏi được. Nếu dạy trẻ con trung thực mà chúng ta lại nói dối thì không gì phản giáo dục bằng.
Tôn chỉ của thầy Cương là theo sát mọi hoạt động giáo dục của trường Lương Thế Vinh suốt 30 năm nay, các kết quả được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Ở trường Lương Thế Vinh, kênh đánh giá giáo viên chủ yếu thông qua học sinh. Cuối mỗi năm học nhà trường phát phiếu để hỏi ý kiến học sinh, thậm chí ngay trong quá trình dạy, nếu giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, học sinh có thể đề nghị đổi.
Trường nghiêm cấm giáo viên dạy thêm học sinh đã học mình trên lớp và như thế là các tiêu cực của dạy thêm, học thêm không hề xuất hiện.
Chúng tôi tin tưởng rằng, những quan điểm giáo dục hết sức tiến bộ và nhân văn của thầy Văn Như Cương sẽ là tôn chỉ trong hành động, là định hướng nhất quán để trường Lương Thế Vinh tự tin xây dựng và phát triển thương hiệu của mình trong tương lai.