Theo đó, Học viện Ngân hàng sẽ xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển dựa trên học bạ trung học phổ thông (dự kiến dành 25% chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (dự kiến dành 15% chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (dự kiến dành 10% chỉ tiêu) và xét dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiến dành 50% chỉ tiêu).
Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông, Học viện yêu cầu thí sinh có điểm trung bình cộng 3 năm học của từng môn thuộc tổ hợp đạt từ 8 trở lên.
Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng 3 năm học của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển, cùng điểm ưu tiên và điểm cộng đối tượng. Thí sinh được cộng 2 điểm nếu học hệ chuyên của trường chuyên quốc gia và cộng 1 điểm đối với thí sinh hệ không chuyên của trường chuyên quốc gia, thí sinh hệ chuyên của trường chuyên tỉnh/thành phố.
Năm 2022, Học viện Ngân hàng sử dụng 5 phương thức tuyển sinh. (Ảnh: Nguồn báo Giao thông) |
Với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần có một trong các chứng chỉ: IELTS (Academic) đạt từ 6.0 trở lên, TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên, chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 trở lên (riêng đối với ngành Kế toán định hướng Nhật Bản và Hệ thống thông tin quản lý định hướng Nhật Bản).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng yêu cầu những thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ phải có kết quả thi đạt từ 100 điểm trở lên.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp cộng điểm ưu tiên.
Ngoài ra, đối với các phương thức xét tuyển này, Học viện Ngân hàng yêu cầu thí sinh phải có tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 của 3 môn thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng chung của Học viện (sẽ thông báo sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022).
Đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường sẽ xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dự kiến 10% tổng chỉ tiêu), xét tuyển thẳng theo quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội (dự kiến 10% tổng chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (dự kiến 20% tổng chỉ tiêu), xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế (dự kiến 10% tổng chỉ tiêu) và xét dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiến dành 50% chỉ tiêu).
Với phương thức xét tuyển thẳng theo quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, đối tượng xét tuyển là học sinh hệ chuyên, không chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội và học sinh hệ chuyên của các trường trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc, có hạnh kiểm 3 năm học trung học phổ thông đạt loại Tốt và đáp ứng điều kiện do trường quy định.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến dành 50% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông. (Ảnh: Nguồn báo Lao động) |
Ngoài ra, trường cũng tuyển học sinh các trường trung học phổ thông trên toàn quốc có hạnh kiểm 3 năm học trung học phổ thông đạt loại Tốt và đáp ứng một trong các tiêu chí như: tham gia cuộc thi tháng chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” hay đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh cần phải đáp ứng điều kiện do trường quy định.
Với phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh và tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ đáp ứng quy định. Ngoài ra, trường cũng tuyển thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT, ACT,…
Với phương thức xét dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo từng tổ hợp xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi theo thang điểm 10, có cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.