Học xong ngành Phân tích tài chính, SV có thể làm ở Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế

17/01/2024 06:22
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiện vẫn chưa có nhiều trường đào tạo chuyên ngành Phân tích tài chính nên nhiều công ty phải thực hiện việc chuyển đổi cho nhân lực làm công tác kế toán sang

Theo chia sẻ từ Học viện Tài chính, những năm gần đây, Phân tích tài chính đang là chuyên ngành được nhiều người học quan tâm và lựa chọn bởi nhu cầu tuyển dụng cao cùng mức thu nhập cạnh tranh, hấp dẫn.

Hiện, cả nước chỉ có duy nhất Học viện Tài chính đào tạo chuyên ngành Phân tích tài chính (một số cơ sở khác có đào tạo chuyên ngành gần hoặc rộng hơn).

Số hồ sơ đăng ký cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh

Trao đổi về công tác tuyển sinh với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Ninh - Trưởng khoa Tài chính Doanh nghiệp (Học viện Tài chính) cho hay, chuyên ngành Phân tích tài chính được học viện học tuyển sinh từ năm học 2017 - 2018 với chương trình chuẩn. Đến năm học 2018 -2019, học viện tuyển sinh thêm chương trình chất lượng cao cho chuyên ngành này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Ninh - Trưởng khoa Tài chính Doanh nghiệp (Học viện Tài chính) (Ảnh: NVCC).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Ninh - Trưởng khoa Tài chính Doanh nghiệp (Học viện Tài chính) (Ảnh: NVCC).

Theo thầy Ninh, thời gian đầu, việc tuyển sinh chuyên ngành này cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi, đây là chuyên ngành mới ở Việt nam, vốn chưa được nhiều người biết đến, đặc biệt là trong thời điểm 4 năm đầu tuyển sinh khi trường chưa có sản phẩm đầu ra cho chuyên ngành Phân tích tài chính.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhu cầu đăng ký vào chuyên ngành này lại ngày càng tăng cao. Đơn cử như năm học 2022 - 2023, năm học 2023 - 2024, số lượng hồ sơ nộp vào chuyên ngành này đều cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Không những vậy, chất lượng đầu vào của người học chuyên ngành này cũng được cải thiện hơn so với trước kia. Năm học 2023 - 2024, học viện đã tuyển sinh được hơn 100 sinh viên chương trình chất lượng cao với điểm đầu vào khá cao và 100% số người nhập học này đều đạt chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên.

Mức điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chuyên ngành Phân tích tài chính hàng năm cũng tương đối cao khi đều đạt từ 26 điểm trở lên.

Những thuận lợi này đã cho thấy sự quan tâm của người học và xã hội đối với chuyên ngành Phân tích tài chính đang ngày càng gia tăng.

Phó Giáo sư Vũ Văn Ninh cho rằng, với thực tế hiện nay, bất kỳ tổ chức nào diễn ra hoạt động kinh tế cũng đều cần có quá trình phân tích, đánh giá tài chính để nhận diện ra điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Đặc biệt là khi thị trường chứng khoán trong nước và trên thế giới đang ngày càng phát triển, các hoạt động phân tích không chỉ còn dừng lại ở việc phục vụ cho quá trình điều hành các đơn vị mà còn dành cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, bỏ vốn đầu tư. Do đó, tất yếu cũng phải tiến hành phân tích tài chính để có được lựa chọn phù hợp và hiệu quả.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập đang ngày càng sâu, rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với các nhà quản lý kinh tế cùng lượng thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều; sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng.

Do đó, theo thầy Ninh, cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính là rất rộng mở.

"Phân tích tài chính là công việc có vị trí, vai trò khá quan trọng, nhất là trong bối cảnh lượng thông tin diễn biến rất nhanh như hiện nay càng đòi hỏi phải có hoạt động này hiện diện ở khắp mọi chủ thể, đối tượng và cá nhân”, thầy Ninh nhấn mạnh.

Cụ thể, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Phân tích tài chính có thể làm chuyên gia Phân tích tài chính độc lập trong và ngoài nước, tại cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Đối với khu vực quản lý nhà nước, người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính doanh nghiệp tại các địa phương, Cục và các Chi cục thuế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính, các đơn vị Hải quan,...;

Tại các doanh nghiệp phi tài chính với các bộ phận như ban tài chính – kế toán, ban kiểm soát tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế; phòng tài chính- kế toán, ban kiểm soát, phòng phân tích tài chính tại các công ty, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

Hoặc tại các đơn vị sự nghiệp như các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty tài chính,...

Ngoài ra, sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính sau khi tốt nghiệp ra trường cũng có thể làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, học viện, cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu, cơ quan truyền thông, hiệp hội nghề nghiệp về lĩnh vực tài chính.

Thầy Ninh chia sẻ, theo khảo sát kết quả sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm ra trường đối với chuyên ngành Phân tích tài chính của khoa, tỉ lệ này những năm gần đây đều đạt trên 98% cũng đã chứng minh về cơ hội việc làm rộng mở của người học sau khi tốt nghiệp và nhu cầu của thị trường đối ngành nghề này là rất lớn.

Về tố chất phù hợp để theo đuổi chuyên ngành Phân tích tài chính, thầy Ninh cho biết thêm, đây là chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài chính nên tất yếu người học và người làm nó phải có tính trung thực.

Bên cạnh đó, cần phải có sự năng động, nhạy bén, nắm bắt, xử lý được thông tin không chỉ thuộc nội tại của đơn vị mà còn phải chịu khó thu thập thông tin từ bên ngoài; sự tỉ mỉ, chính xác; kỹ năng sử dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm phục vụ cho công việc phân tích,…

Nhiều người nhầm tưởng phân tích tài chính là một bước của công việc kế toán

Cũng theo thầy Ninh, trước đây, chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết, chức năng và nhiệm vụ một cách rạch ròi của vị trí công việc phân tích tài chính do quy mô doanh nghiệp ngày trước còn nhỏ; hoạt động kinh tế còn đơn giản nên thường tích hợp công việc phân tích tài chính vào luôn bộ phận kế toán/ tài chính - kế toán của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, đã dẫn đến sự nhầm tưởng phân tích tài chính là một bước của công việc kế toán.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh tế hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn nên đều cần có bộ phận phân tích tài chính để tham mưu, tư vấn, đưa ra được các chính sách, quyết định tài chính phù hợp, hiệu quả.

Hơn nữa, từ khi thị trường tài chính ra đời cũng xuất hiện nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực có kiến thức và trình độ cao để thực hiện việc phân tích một cách bài bản, khoa học thay vì theo cảm tính như trước đây.

Phân tích về sự khác biệt giữa 2 vị trí công việc này, thầy Ninh bày tỏ, phân tích tài chính và kế toán đều là công cụ cho nhà quản trị, quản lý tại các doanh nghiệp, tổ chức nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định.

Sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính được tham gia vào nhiều cuộc thi để trau dồi kiến thức, kỹ năng (Ảnh: NTCC).

Sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính được tham gia vào nhiều cuộc thi để trau dồi kiến thức, kỹ năng (Ảnh: NTCC).

Theo đó, kế toán thực hiện việc thu nhận, ghi chép, phản ánh và cung cấp thông tin một cách trung thực, kịp thời, chính xác, đầy đủ.

Tuy nhiên, các thông tin này phải được xem xét trong một mối quan hệ với nhau, nhằm đánh giá được diễn biến và kết quả hoạt động của thông tin.

Chính vì vậy, cần có những người thực hiện nhiệm vụ phân tích và chỉ ra được mối quan hệ của các thông tin với nhau bằng các hệ thống, chỉ tiêu, phương pháp để đánh giá tình hình tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức một cách rõ ràng và từ đó chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng.

Tức là, kế toán chính là công việc cung cấp thông tin, dữ liệu đầu vào cho bước tiếp theo là phân tích tài chính. Và từ bước phân tích tài chính mới đưa ra được các quyết định quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp; đánh giá được hiệu quả, thực chất của đơn vị để đưa ra các phương hướng, biện pháp, các hoạch định tài chính.

Do vậy, có thể khẳng định rằng, phân tích tài chính là một nghề, một nhiệm vụ độc lập với bộ phận kế toán.

Không giống yêu cầu đối với các công việc khác thuộc khối tài chính, bên cạnh sự hỗ trợ của các công cụ, phần mềm, người làm công việc phân tích tài chính trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có trình độ, kiến thức để có thể đọc được các số liệu. Từ đó chuyển hóa thành các thông tin, giá trị cho người điều hành thay vì chỉ là con số hiện hữu một cách thuần túy như trước kia.

Do tính chất công việc sử dụng chất xám của người làm công tác phân tích tài chính rất nhiều nên mức thu nhập tất yếu cũng cao hơn nhiều ngành nghề khác thuộc lĩnh vực tài chính.

Trên thực tế, những người làm công việc này thường có mức lương khá cạnh tranh với trung bình từ 2.500$ - 4.000$/tháng (từ hơn 60 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng) cho chuyên gia phân tích và khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường.

Về công tác đào tạo, Phó Giáo sư Ninh bày tỏ, Học viện Tài chính là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của cả nước mở chuyên ngành Phân tích tài chính với chương trình học được xây dựng phù hợp với yêu cầu và xu thế quản lý tài chính của các đơn vị, các tổ chức trong nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nổi bật trong đó là chương trình học của chuyên ngành Phân tích tài chính tại học viện được định hướng theo chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst) - chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính chuyên nghiệp của Viện CFA Hoa Kỳ.

Cụ thể, sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ được trang bị kiến thức để sẵn sàng tiếp cận và có thể được miễn một số các môn học khi tiếp tục tham gia đào tạo lấy chứng chỉ CFA (hơn 60% môn học trong chương trình Phân tích tài chính của nhà trường đào tạo được thiết kế theo chương trình này).

Bên cạnh đó, sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính của nhà trường còn được tham gia các cuộc thi về phân tích, đầu tư tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành, thực tế. Nếu vào vòng chung kết, người học còn có cơ hội được tham gia thực tập và tuyển dụng tại các ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán hàng đầu cả nước.

Nhờ những nỗ lực trong việc xây dựng chương trình học của khoa và nhà trường như vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có tư duy tổng hợp về kinh tế, nắm vững kiến thức về tài chính, ngân hàng, kế toán - kiểm toán…

Đặc biệt, người học sẽ có được kiến thức chuyên sâu và kỹ năng phân tích tài chính ở cả vi mô và vĩ mô; có khả năng dự báo tài chính, đánh giá hiệu lực và hiệu quả chiến lược, kế hoạch tài chính đã xây dựng, triển khai trong doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị hành chính, sự nghiệp; phân tích hiệu quả và giám sát các chính sách tài chính.

Đáng nói, thực tế hiện nay, chưa có nhiều trường đào tạo về chuyên ngành Phân tích tài chính nên nhiều công ty phải thực hiện việc chuyển đổi nhân lực từ làm công tác kế toán sang phân tích tài chính.

Chính vì vậy, để ngành học này ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, thầy Ninh mong rằng, cần nâng cao hiểu biết, tăng cường nhận thức về vị trí ngành nghề Phân tích tài chính để ủng hộ, khuyến khích cho các trường đào tạo và phát triển ngành học này mạnh mẽ hơn nữa.

Tường San