Hôi bia, hành hạ trẻ mầm non... làm nóng trường thi

23/12/2013 14:27
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - Nhiều đề thi ngày càng bám sát những vấn đề thời sự của xã hội, không chỉ gây hứng thú với người học mà còn cả với dư luận xã hội.

Chúng tôi đã gặp những thầy cô giáo, những người ra các đề thi này...

Sáng 21-12, tại buổi ôn tập cuối cùng trước ngày lên đường đi thi học sinh giỏi của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn văn của Gia Lai, các học sinh được cô giáo đưa ra một câu chuyện từ cuộc sống: “Những ngày gần đây dư luận đang sục sôi với câu chuyện bạo hành trẻ mầm non của Trường mầm non Phương Anh tại TP.HCM”.

Những đề thi gây xôn xao dư luận gần đây
Những đề thi gây xôn xao dư luận gần đây

Cô giáo đứng lớp đặt vấn đề: “Tại sao những câu chuyện đau lòng như thế xảy ra ngày càng nhiều? Tại sao một cô gái mới chỉ 19 tuổi lại có thể giơ cao bàn tay tát một cách tàn nhẫn vào một đứa trẻ còn non nớt như thế? Liệu rằng có phải đạo đức xã hội đang xuống cấp hay không?”.

Câu hỏi đánh đúng vào những học sinh giỏi văn và cũng là những “công dân mạng”. Suốt buổi học hôm ấy, câu chuyện về lương tri người làm thầy, phương pháp giáo dục trẻ em và sự lên án của xã hội được học sinh phân tích, mổ xẻ và bàn luận nảy lửa.

“Những câu chuyện như thế này không có trong bài giảng hay sách giáo khoa nhưng đòi hỏi các em phải nắm được. Học trong sách vở nhưng đồng thời cũng phải có trách nhiệm với những gì đang diễn ra bên ngoài mới là học trò giỏi” - cô Nhan Thị Hằng Nga, phó giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Gia Lai - từng là giáo viên dạy văn, chia sẻ.

 “Việc ra đề hiện nay xuất phát từ chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh. Bên cạnh kiến thức nền, học sinh còn phải nắm bắt được kiến thức xã hội bên ngoài, môi trường xung quanh” - cô Nga cho biết.

Không có trong giáo án

Trước đó ngày 19-12, nhiều học sinh và giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) bàn luận một đề thi về chủ đề “dậy sóng” trong dư luận: câu chuyện một tài xế tại Đồng Nai trong lúc gặp tai nạn đã bị hàng trăm người “hôi” những lon bia rơi vãi.

"Khi mẹ tôi đọc tin nhắn của cậu em trai, nhìn những dòng chữ “nhảy múa” theo kiểu ngôn ngữ teen khiến bà... hoa cả mắt, không tài nào dịch ra được nội dung và đành phải nhờ sự trợ giúp của tôi. Không chỉ bây giờ mới bắt gặp tình huống này, mà nhiều lúc đang dạy trên lớp nhặt được mẩu giấy học sinh viết cho nhau, tôi cũng phải nhờ học sinh giải hộ. Thiết nghĩ việc các em sáng tạo những từ ngữ này là mới lạ, thế nhưng lâu dần sẽ trở thành thói quen khó bỏ. Điều đó sẽ làm mất dần sự trong sáng của tiếng Việt."

Cô Phạm Thị Hồng Loan

Cô Hồ Thị Hồng Thủy - giáo viên dạy văn Trường THPT chuyên Hùng Vương và cũng là chủ nhân của đề thi “hôi bia” - cho biết: “Đó là hình ảnh rất đáng để mỗi chúng ta nhìn nhận và lên án. Tôi nghĩ đến các em học sinh, muốn biết các em nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Các em đang ở độ tuổi tiếp nhận nhiều luồng thông tin và “cơn bão” từ mạng xã hội, hơn ai hết các em phải tự rút ra bài học, cách tư duy của mình trước một vấn đề. Bài làm của các em chính là thái độ ứng xử khi nhìn thấy những hình ảnh xấu xí như thế trong cuộc sống”.

Đề thi “hôi bia” ở Trường THPT chuyên Hùng Vương đã đặt lên bàn ban giám hiệu và nhanh chóng được chọn để áp dụng cho học sinh lớp 11 thi kết thúc học kỳ.

Cô Phạm Thị Hồng Loan
Cô Phạm Thị Hồng Loan

Ông Nguyễn Minh Sơn - hiệu phó Trường THPT chuyên Hùng Vương - nói sở dĩ chọn đề thi “hôi bia” là do rất sát với thực tiễn đang “dậy sóng” ngoài xã hội, được đa số học sinh quan tâm. Đề thi này cũng bám sát chủ trương ra đề mở của ngành giáo dục, gần hơn với thực tiễn xã hội. Những dạng đề như thế này được trường khuyến khích.

Cô Lê Thị Thu - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Hùng Vương - nói: “Đề thi “hôi bia” là đề thi thú vị, chúng tôi muốn học sinh nói lên được thái độ của mình trước hành động xấu xí đó, cảm thấy tự trọng với cái xấu và quan trọng hơn là tìm ra được “hướng giải thoát” chứ không bế tắc, nhìn thấy cái xấu mà mất niềm tin, bi quan về cuộc sống”.

Giữa những ngày đau buồn của đất nước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, học sinh môn văn của Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku, Gia Lai) cũng được ra một đề thi về chủ đề này: “Hãy nói lên suy nghĩ của em trong ngày quốc tang đại tướng”. Cô Nguyễn Thị Ngọc - tổ trưởng tổ văn Trường THPT Phan Bội Châu - cho biết có nhiều em đã giành sát điểm tuyệt đối, viết tới 12 trang giấy.

“Những bài làm như thế này cho thấy dù không có trong bài giảng nhưng học sinh tiếp cận rất nhanh các vấn đề xã hội diễn ra xung quanh. Chúng tôi coi đây là một cách dạy học mới, kết hợp giữa bài giảng và những gì diễn ra xung quanh” - cô Ngọc nói.

“M0ther ui, hum n4i kon hk zia, k0n f4i 0 l4i h0k th3m”

Ngày 19-12, học sinh bậc THCS trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) bắt gặp một đề văn “lạ”, rời phòng thi không chỉ học sinh mà giáo viên, các bậc phụ huynh không khỏi bàn tán xôn xao.

Họ cho rằng đặc biệt thú vị ở đề thi này là câu hỏi thứ hai nêu lên vấn đề mà giới trẻ hiện nay đang lạm dụng quá nhiều là “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ teen” làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Nội dung đề thi: “Câu 2: Có bạn trẻ nhắn tin cho mẹ như sau: “M0ther ui, hum n4i kon hk zia, k0n f4i 0 l4i h0k th3m” (Mẹ ơi, hôm nay con không về, con phải ở lại học thêm). Mẹ bạn ấy than vãn: “Đọc tin của con như đọc mật thư, không hiểu tin nhắn của con”.

Bạn trẻ trong tình huống trên đã dùng “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ teen” với mẹ. Nhận xét về từ ngữ xưng hô và cách sử dụng từ tiếng Việt, em rút ra bài học gì trong giao tiếp?”.

Khi gặp cô giáo trẻ Phạm Thị Hồng Loan (27 tuổi, dạy môn ngữ văn Trường THCS Chu Văn An, xã Ya Xier, huyện Sa Thầy) là “tác giả” của đề thi, em Đinh Gia Bảo (lớp 9) đã thốt lên: “Hoan hô cô đã... đánh đòn tâm lý đối với chúng em”.

Nguyễn Thị Nguyệt - học sinh lớp 9 ở thị trấn Sa Thầy - thừa nhận: “Đề văn rất hay, khiến tụi em cảm thấy rất thú vị, khi làm bài buộc mình phải có suy nghĩ vì sao những “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ teen” bây giờ được các bạn trẻ “tôn sùng” như vậy, nếu để dạng ngôn ngữ này phổ biến tràn lan như hiện nay thì tiếng Việt sẽ bị mai một, thay vào đó là thứ ngôn ngữ không lành mạnh bị biến dạng, kiểu tiếng “lóng” lại... lên ngôi!”.

Ca sĩ vào đề thi

Ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi - á quân chương trình Giọng hát Việt nhí - bất ngờ được xuất hiện trong đề kiểm tra học kỳ 1 môn giáo dục công dân lớp 7 của Trường THCS Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng).

Đề thi gồm ba câu hỏi, thời gian làm bài 45 phút. Trong đó nội dung câu 2b trong đề thi được ra dưới dạng mở: “Bạn Phương Mỹ Chi trong chương trình Giọng hát Việt nhí đã tiếp nối truyền thống gia đình (cô ruột) bằng cách hát những ca khúc ngọt ngào mang đậm âm hưởng dân ca miền Nam làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhiều bạn trẻ vốn đang “quay lưng” với âm nhạc truyền thống. Là một học sinh cùng lứa tuổi với Phương Mỹ Chi, em có suy nghĩ và cảm nhận gì về điều này?”.

Cô Lê Thị Yến, bộ môn giáo dục công dân - người trực tiếp ra đề thi, cho biết đề thi xuất phát từ bài học về phát huy truyền thống văn hóa gia đình của môn giáo dục công dân. “Trước khi ra đề tôi cũng rất trăn trở bởi làm sao có một đề thi thực tế, khơi dậy sự sáng tạo, sự cảm nhận của các em thay vì lối mòn lý thuyết. Và tôi đã quyết định chọn Phương Mỹ Chi vào đề thi vì ca sĩ nhí này cũng có độ tuổi như các em học sinh tại trường” - cô Yến cho hay. Sau khi kết thúc bài kiểm tra, một số học sinh gọi điện cho cô Yến để bày tỏ sự thích thú về dạng đề thi này.

ĐOÀN CƯỜNG

Lên án chuyện “hôi bia” qua đề thi “hôi của”

Trường THPT Trấn Biên (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vừa ra đề kiểm tra môn văn cuối học kỳ 1 có câu hỏi về “hôi của” đã gây hào hứng cho học sinh khối lớp 11. Một học sinh cho biết:”Đề có ba câu hỏi, trong đó giáo viên yêu cầu viết một bài văn nghị luận (khoảng 300 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng “hôi của” diễn ra trong thời gian gần đây. Ngay lập tức nhiều bạn đã liên tưởng đến vụ việc “hôi bia” vừa diễn ra ở ngay vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa. Các bạn đã liên tưởng đó là thói xấu, không biết giúp chú tài xế bị nạn”.

Cô Lê Ngọc Bích - tổ trưởng tổ văn nhà trường - cho biết: “Tổ văn đã lọc đề và đưa vào yêu cầu viết nghị luận xã hội (3 điểm) về chuyện “hôi của” vừa mang tính thời sự vừa mang hơi thở cuộc sống. Cái chính của trường không phải nói xấu vấn đề xảy ra mà định hướng các em học sinh suy nghĩ về việc sai trái để có hành vi ứng xử đúng đắn hơn trong cuộc đời khi gặp cảnh tương tự”.

Theo cô Bích, đề bài trên không nói gì đến bia nhưng nhiều học sinh liên tưởng đến vụ “hôi bia” và lên án những người lấy bia. “Sau khi rời phòng thi, tôi có gặp học sinh thì suy nghĩ cá nhân của các em về câu chuyện “hôi bia” rất hào hứng, tỏ ra không đồng tình với cách cư xử như vậy. Điều này cho thấy đề bài đã để lại dấu ấn” - cô Bích tâm sự.

HÀ MI

Theo Tuổi Trẻ