Chiều ngày 31 tháng 5 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đến thăm tàu Cảnh sát biển 8003 của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tại thành phố Hải Phòng |
Mỹ đứng về phía đồng minh
Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 31 tháng 5 dẫn báo chí các nước đưa tin, ngày 30 tháng 5, Mỹ kêu gọi "lập tức và vĩnh viễn chấm dứt" hoạt động mở rộng đảo trong vùng biển tranh chấp của Biển Đông, cho biết hành vi của Bắc Kinh tại khu vực này trái ngược với luật pháp quốc tế.
Theo hãng tin AFP Pháp ngày 30 tháng 5, tại Đối thoại Shangri-La tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố: "Trước tiên, chúng tôi hy vọng giải quyết hòa bình tất cả tranh chấp. Vì thế, cần lập tức và vĩnh viễn chấm dứt các hoạt động mở rộng đảo của các bên yêu sách".
Ông cho hay, "chúng tôi còn phản đối bất cứ hành động quân sự hóa tiếp tục nào có tính tranh chấp", nhấn mạnh, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tiến vào vùng biển và vùng trời quốc tế của khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại Đối thoại Shangri-La 2015 |
Còn theo hãng tin Reuters Anh ngày 30 tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong ngày cảnh cáo, hoạt động lấn biển của Bắc Kinh ở Biển Đông đang phá hoại an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông kêu gọi áp dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ có liên quan.
Khi nói với quan chức quốc phòng cao cấp của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Ashton Carter thừa nhận, một số nước đã xây dựng căn cứ tiền tiêu trên các đảo tranh chấp ở khu vực này. Nhưng ông nói, phạm vi hoạt động của Trung Quốc đã tạo ra tính không xác định cho kế hoạch tương lai của họ.
Ông nói, Mỹ "rất lo ngại" đối với quy mô lấn biển xây đảo nhân tạo và triển vọng quân sự hóa tương lai trên những đảo này của Trung Quốc. Ông nói, điều này sẽ gia tăng "rủi ro phán đoán nhầm hoặc xung đột".
Tuy nhiên, ông Ashton Carter còn cho biết: "Chúng ta đều biết, tranh chấp Biển Đông không tồn tại phương án giải quyết quân sự. Bây giờ là lúc tái khởi động ngoại giao, cần tập trung vào tìm kiếm được một phương án giải quyết lâu dài bảo vệ quyền và lợi ích của các bên".
Hình ảnh trên báo chí nước ngoài ngày 31 tháng 5 năm 2015 về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc xây dựng phi pháp tiền đồn quân sự |
Trang mạng BBC Anh ngày 30 tháng 5 cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter trong ngày đã gia tăng mức độ lên án đối với hành động lấn biển, xây đảo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông và cam kết Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ sự ổn định của khu vực.
Ông Ashton B. Carter cho biết, Mỹ sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác với các đồng minh lâu dài, đồng thời nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mới, tiến hành đầu tư mới cho các năng lực và trang bị tác chiến chủ yếu.
Ông đã nhấn mạnh năng lực quân bị tốt của Mỹ, tái khẳng định sẽ đứng trên cùng một con đường với các đồng minh, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ khởi động "Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á" mới dự tính đạt 425 triệu USD, tăng cường xây dựng năng lực hàng hải của các nước khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, ông Ashton Carter kêu gọi ASEAN tăng cường hợp tác trở thành trung tâm của hệ thống khu vực, duy trì ổn định khu vực. Nhưng, ông hoàn toàn không tiết lộ thêm chi tiết.
Trang mạng “Mainichi Shimbun” Nhật Bản ngày 30 tháng 5 cho rằng, tại đối thoại Shangri-La trong ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã điểm danh lên án Trung Quốc thúc đẩy công trình lấn biển ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Đối thoại Shangri-La 2015 |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cho biết "các nước xung quanh trong đó có nước tôi cảm thấy bất an đối với tình hình này". Nhật Bản và Mỹ đã phối hợp thống nhất khi gia tăng gây sức ép với Trung Quốc.
Ông Gen Nakatani một mặt cho biết, "ở Biển Đông, việc xây dựng công trình lấn biển xây đảo, bến cảng và đường băng quy mô lớn đang được thúc đẩy nhanh. Hy vọng các nước trong đó có Trung Quốc áp dụng lập trường có trách nhiệm để làm việc", mặt khác còn cho biết "chính là do có vấn đề, cho nên mới phải đối thoại. Cánh cửa đối thoại luôn rộng mở".
Theo bài báo, ông Gen Nakatani đã đề xuất 3 "sáng kiến đối thoại Shangri-La của các nội dung cốt lõi", lần lượt là nâng cao năng lực giám sát, cảnh giới biển cho các nước ASEAN, phổ biến "quy tắc chung trên biển, trên không" nhằm ngăn ngừa xung đột ngoài ý muốn giữa quân đội các nước, nâng cao năng lực ứng phó với thảm họa.
Ông đồng thời cho biết, sẽ căn cứ vào "quy tắc ứng xử" trên biển đạt được đồng thuận với 21 nước trong đó có Trung Quốc vào năm 2014, thúc đẩy huấn luyện chung.
Chiều ngày 31 tháng 5 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đến thăm Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam |
Hôm nay, Mỹ-Việt ra tuyên bố tầm nhìn Hà Nội
Ngoài ra, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 1 tháng 6 còn đăng bài viết cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 31 tháng 5 cho biết, Washington cam kết cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ Việt Nam mua sắm tàu tuần tra do Mỹ chế tạo nhằm nâng cao năng lực quốc phòng.
Ông Ashton B. Carter cho hay, ông có kế hoạch cùng với các quan chức Việt Nam thảo luận vấn đề Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam phòng thủ biển.
Cùng ngày, ông Ashton B. Carter đến Hải Phòng, Việt Nam, bắt đầu trạm thứ hai của chuyến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương dài 11 ngày, đã tham quan trụ sở căn cứ của Hải quân Việt Nam và trụ sở Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Hãng AFP Pháp cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham quan căn cứ của Hải quân Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại Hải Phòng ngày 31 tháng 5 năm 2015 |
Ông Ashton B. Carter nói với báo chí rằng, ông sẽ ký kết một "tuyên bố tầm nhìn" với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam vào ngày 1 tháng 6 để chỉ đạo hai nước mở rộng quan hệ hợp tác quân sự.
Ông Ashton B. Carter nói: "Chúng tôi cần thúc đẩy hiện đại hóa quan hệ đối tác. Sau hơn 20 năm (từ khi quan hệ Việt-Mỹ bình thường hóa vào năm 1995 đến nay), những việc mà chúng tôi cùng có thể làm đã nhiều hơn".
Ông Ashton Carter cho biết, nỗ lực theo phương hướng này, Washington sẽ cung cấp 18 triệu USD cho Hà Nội, trợ giúp Việt Nam mua sắm tàu tuần tra do Mỹ chế tạo để tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Chính phủ Mỹ tháng 10 năm ngoái tuyên bố, Mỹ sẽ hủy bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí mang tính sát thương đối với Việt Nam để trợ giúp Việt Nam tăng cường an ninh trên biển. Điều này có nghĩa là, sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, Mỹ sẽ lần đầu tiên xuất khẩu vũ khí mang tính sát thương cho Việt Nam.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng cho biết, Mỹ quyết định bán vũ khí cho Việt Nam hoàn toàn không phải bất ngờ, mà là cân nhắc tới "nhu cầu cụ thể của khu vực này", bao gồm Việt Nam thiếu năng lực hành động ở vùng biển tranh chấp và lợi ích an ninh quốc gia tự thân của Mỹ.
Tàu cảnh sát biển CSB 8003 Việt Nam |
Thông tin cập nhật:
Các nguồn tin khác cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter sẽ đến thăm Việt Nam trong thời gian 2 ngày (từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6), sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh để đưa ra tầm nhìn cho hợp tác quốc phòng hai nước.
Chiều ngày 31 tháng 5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đến thăm và làm việc với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã giới thiệu về lịch sử, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, trang bị, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng đoàn đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8003 thuộc Hải đội 101 - Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1.
Ông Ashton B. Carter cho biết, chuyến thăm này đã góp phần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm giữa Cảnh sát biển Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam, tạo tiền đề để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai.
Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trước thế lực hung hăng từ bên ngoài |
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, trong khuôn khổ chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt-Mỹ sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, từ đó tăng cường quan hệ và hiểu biết giữa hai nước và hai quân đội.