Với mục đích xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục có chất lượng; nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học; đồng thời, tôn vinh trí tuệ, sức sáng tạo của các nhà giáo trong đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử năm 2021.
Đối tượng dự thi là nhà giáo đã và đang giảng dạy trong ngành giáo dục. Sản phẩm dự thi là bài giảng E-learning và video bài giảng do giáo viên tự xây dựng nhằm giúp học sinh tự học, học trực tuyến hoặc sử dụng dạy học kết hợp (giữa tự học, học trực tuyến và dạy học trên lớp); phù hợp với các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào về mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp dạy học của bài học.
Hơn 41.000 bài giảng điện tử sẽ được chia sẻ phục vụ học trực tuyến (ảnh minh họa: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Cuộc thi nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà giáo, đến hết thời hạn nhận bài thi ngày 5/11/2021, Kho học liệu số (igiaoduc.vn) đã tiếp nhận 41.670 bài giảng với 26.374 bài giảng E-learning và 15.296 video bài giảng.
Trong đó, khối tiểu học có 20.097 bài, khối trung học có 21.573 bài giảng. Nhiều nhất là lớp 6 với 7.255 bài, lớp 2 với 4.341 bài và lớp 1 với 3.950 bài. Như vậy 3 khối lớp đang học theo sách giáo khoa mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có số lượng bài giảng dự thi chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 37% tổng số bài giảng dự thi).
Đánh giá sơ bộ về cuộc thi, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Trưởng Ban tổ chức cho biết:
“Cuộc thi năm nay có số lượng bài giảng tăng nhiều lần so với cuộc thi gần đây nhất (năm 2016), khi đó chỉ có hơn 9.000 sản phẩm dự thi.
Năm nay, cuộc thi được phát động ngay sau các đợt tập huấn về dạy học trực tuyến nên chất lượng bài giảng cũng được nâng lên rõ rệt, giáo viên đã áp dụng nhiều công cụ, công nghệ mới trong soạn bài giảng điện tử.
Tất cả nguồn học liệu có chất lượng do các thầy cô tạo ra sẽ được thẩm định rồi chia sẻ sử dụng miễn phí trong ngành Giáo dục, góp phần duy trì các hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục, hướng tới học sinh ở những vùng có hoàn cảnh khó khăn mang lại sự công bằng trong tiếp cận giáo dục trong điều kiện dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và nâng cao chất lượng giáo dục, phục vụ nhu cầu tự học của học sinh.
Đặc biệt, nguồn học liệu này sẽ rất hữu ích với học sinh nhận được máy tính và Internet từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động”.
Cũng theo ông Hải: “Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức thẩm định bài giảng. Dựa vào Khung phân phối chương trình các môn học, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những bài giảng mà học sinh sắp học để ưu tiên thẩm định. Những bài giảng đạt chất lượng sẽ được công bố ngay trên Kho học liệu số để học sinh sử dụng học trực tuyến”.
Là giáo viên có bài dự thi gửi tới cuộc thi, cô Kim Hòa, giáo viên đến từ tỉnh Kon Tum thì chia sẻ: “Cuộc thi năm nay đã tạo ra làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, sự bứt phá và vươn lên của các thầy cô về đổi mới và cập nhật công nghệ số. Cá nhân tôi cũng có cái nhìn mới về chính mình sau cuộc thi, tôi học được nhiều cái mới để tiếp tục cống hiến, và cảm thấy yêu nghề hơn”.
Việc số hóa bài giảng mang lại cho giáo viên cơ hội trau dồi, nâng cao kỹ năng ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học. Đặc biệt, kho bài giảng E-Learning xây dựng từ cuộc thi sẽ phần mở rộng không gian học tập cho người học ngoài lớp học truyền thống, nhất là trong thời gian qua, khi mà nhiều trường học trên cả nước học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.