LTS: Trao đổi về bài viết "Ở trường, cán bộ quản lý không đủ thời gian để... họp" của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, tác giả Thuận Phương chia sẻ quan điểm về trách nhiệm của Ban giám hiệu trong chỉ đạo chuyên môn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Dưới góc nhìn của một cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã liệt kê hàng chục cuộc họp ở trường học mỗi tháng của ban giám hiệu “Còn họp, tập huấn theo giấy mời của cấp trên, theo công tác phối hợp thì nhiều vô kể…”.
Họp hành, tập huấn nhiều như thế, Ban giám hiệu lấy thời gian đâu để giảng dạy, quản lý và chỉ đạo chuyên môn ở nhà trường?
Dạy cho xong
Không phải ngẫu nhiên mà trong điều lệ trường học lại quy định ngoài công việc quản lý nhà trường, phó hiệu trưởng phải dạy 4 tiết/tuần, hiệu trưởng dạy 2 tiết/ tuần.
Ban giám hiệu đứng lớp để nắm bắt chương trình, tiếp cận phương pháp dạy học mới giúp cho việc chỉ đạo chuyên môn sát sao hơn với thực tế.
Thực tế, tại không ít trường, Ban giám hiệu do bận rộn nên thường nhờ giáo viên dạy thay. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Ngoài một số Ban giám hiệu thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy của mình vẫn còn không ít trường, Ban giám hiệu nói quá bận công việc nên nhờ giáo viên dạy thay suốt cả năm học.
Có thầy cô vui vẻ tình nguyện khi được chia sẻ công việc với cấp trên nhưng cũng có không ít người than ngắn thở dài rồi cũng đành chấp nhận vì không dám phản đối.
Một số khác thường không dạy đúng chuyên môn đã được đào tạo như vốn là giáo viên dạy Toán, dạy Tiếng Anh nay lại đảm nhận dạy môn Giáo dục công dân, môn Kĩ thuật… vì theo một số người những môn học này ít có sự đầu tư hơn.
Do không có nhiều thời gian cùng tâm lý xem những môn học ấy là môn phụ nên họ thường dạy cho có, dạy cho đủ số tiết yêu cầu.
Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể! |
Vì điều này dẫn đến chất lượng những tiết học của học sinh không đạt. Không ít em học sinh về nhà than thở: Hôm nay, lớp con học môn Giáo dục công dân với thầy hiệu trưởng mà phát chán.
Thầy chẳng giảng bài chỉ đọc trong sách cho chép đến mỏi tay lại còn về bắt tụi con phải học thuộc, thấy oải cả người”.
Có em nói “Cô hiệu phó vào dạy, cho tụi con mở sách đọc bảo có thắc mắc gì hỏi cô giải đáp. Tụi con đọc nhưng chẳng đứa nào hỏi. Học thế thì cần gì phải đến lớp, ở nhà con học cũng được mà”.
Chuyên môn chuyên “chỉ”
Ban giám hiệu bận họp hành, thời gian còn lại lo làm báo cáo, làm hồ sơ thi đua, hồ sơ kiểm định chất lượng…
Có hiệu trưởng than thở “Công việc cứ quay mòng mòng, làm tối mày tối mặt không xong”. Bởi thế, còn thời gian đâu mà dành cho những việc khác.
Chuyên môn nhà trường (điều quan trọng nhất) thường được triển khai theo kiểu “thánh chỉ”, nghĩa là nói chứ không làm.
Với vai trò là chỉ đạo chuyên môn của nhà trường, Ban giám hiệu mà đặc biệt là phó hiệu trưởng phải vừa giỏi lý thuyết, vừa giỏi thực hành (được hiểu như dạy giỏi).
Để khi giáo viên vướng mắc điều gì trong cách áp dụng phương pháp dạy học mới vào giảng dạy, người chỉ đạo chuyên môn phải biết gỡ rối bằng cách dạy những bài minh họa để giáo viên học hỏi và rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.
Thế nhưng, chẳng có phó hiệu trưởng nào lại dũng cảm lên một tiết dạy minh họa cho giáo viên toàn trường dự giờ. Bởi nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ" |
Để dạy được một tiết minh họa như thế buộc phải có sự đầu tư trong soạn giảng. “Thời gian hội họp liên miên, thời gian nào mà soạn với giảng?”.
Mục đích cuối cùng mà giáo dục hướng tới là nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng học tập cho học sinh.
Những cuộc họp vô bổ mất thời gian, những buổi triển khai chuyên đề, công văn, nghị định mà chỉ cần gửi mail thông báo là đủ để dành thời gian cho người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn có sự đầu tư chuyên sâu chuyên môn cho chính mình.
Từ đó, họ mới có đủ tầm để định hướng, giúp đỡ và hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy một cách tốt nhất.