Hướng dẫn của CV 5636: GV phân môn nào vẫn dạy và ra đề kiểm tra phân môn đó?

30/10/2023 06:41
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công văn 5636 hướng dẫn khá dài dòng và thêm phụ lục nhưng tựu trung lại chỉ tóm lược mấy chữ: “Giáo viên phân môn nào thì dạy và ra đề kiểm tra phân môn đó”.

Ngày 10/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở.

Tuy nhiên, đọc hướng dẫn của Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH chúng tôi cho rằng môn Lịch sử và Địa lí không cần thiết phải “tích hợp” thành 1 môn với cách bố trí sách giáo khoa; phân công giáo viên giảng dạy;xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá như vậy thì tích hợp chỉ làm phức tạp vấn đề cho giáo viên mà thôi.

Môn Lịch sử và Địa lí được hướng dẫn 2 phân môn dạy song song (Ảnh: Nguyễn Cao)

Môn Lịch sử và Địa lí được hướng dẫn 2 phân môn dạy song song (Ảnh: Nguyễn Cao)

Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn dạy phân môn Lịch sử; Địa lí song song với nhau

Theo Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH, môn Lịch sử và Địa lí các nhà trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, Địa lí và các chủ đề liên môn). Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng đảm nhận toàn bộ cả 2 môn phải được thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học.

Đối với xây dựng kế hoạch dạy học theo từng phân môn lịch sử và phân môn địa lý thay vì học theo mạch kiến thức như môn khoa học tự nhiên. Các phân môn này cũng được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Nội dung bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ với môn Lịch sử và Địa lí phải phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn tính đến thời điểm kiểm tra. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy môn học ở lớp đó để tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ (tham khảo phụ lục 2).

Như vậy, các trường có thể bố trí dạy phân môn Lịch sử và Địa lí đồng thời, tức không cần phải dạy hết Sử mới dạy đến Địa mà có thể dạy song song hai phần kiến thức ở hai phân môn trong cùng một khoảng thời gian.

Phụ lục 2 gợi ý dạy học môn Lịch sử và Địa lí mà Bộ gửi kèm trong Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH thì được bố trí song song. Cụ thể, học kỳ I, phân môn Lịch sử được bố trí liên tục từ tuần 18 là 27 tiết. Học kỳ II bố trí liên tục từ tuần 19 đến tuần 35 là 26 tiết. Tổng phân môn Lịch sử cả năm là 53 tiết (bao gồm cả ôn tập và kiểm tra).

Phân môn Địa lý lớp 6 ở học kỳ I được bố trí liên tục từ tuần 1 đến tuần 18 là 27 tiết; học kỳ II bố trí liên tục từ tuần 19 đến tuần 35 là 25 tiết. Tổng phân môn Địa lí cả năm là 52 tiết (bao gồm cả ôn tập và kiểm tra).

Gợi ý xây dựng kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lý được bố trí song song, liên tục từ tuần 1 đến tuần 35 (Ảnh chụp từ màn hình)

Gợi ý xây dựng kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lý được bố trí song song, liên tục từ tuần 1 đến tuần 35 (Ảnh chụp từ màn hình)

Như vậy, tổng thời số tiết được bố trí cho môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 sẽ có 105 tiết, bình quân mỗi tuần có 3 tiết cho 2 phân môn.

Việc hướng dẫn phân công, xây dựng kế hoạch và gợi ý tại phụ lục 2 của Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH cũng phù hợp với cách thiết kế sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí hiện nay đang được biên soạn thành 2 phần riêng biệt. Chỉ có 4 chủ đề cho 4 năm học trung học cơ sở mà thôi.

Tóm lại, đối với việc phân công giảng dạy, xây dựng kế hoạch mà Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn khá dài dòng và thêm phụ lục nhưng tựu trung lại chỉ tóm lược mấy chữ: “Giáo viên phân môn nào thì dạy và ra đề kiểm tra phân môn đó”. Thực ra, chẳng có gì mới so với các trường đang làm hơn 2 năm qua.

Có cần thiết phải tích hợp môn Lịch sử và Địa lí?

Với hướng dẫn của Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH mà Bộ vừa ban hành ngày 10/10/2023 vừa qua, chúng tôi cho rằng môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở “tích hợp” với nhau thành 1 môn rất khiên cưỡng, gượng ép.

Suy cho cùng, sự liên quan giữa 2 phân môn này cực nhỏ, chỉ ràng buộc bằng 4 chủ đề cho 4 năm học với một thời lượng chung cho 2 phân môn rất nhỏ.

Bởi lẽ, Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH mà Bộ vừa ban hành đã hướng dẫn: “Các phân môn này cũng được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ” cũng đồng nghĩa phân môn của giáo viên nào, giáo viên đó dạy.

Kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng được hướng dẫn: “phải phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn” thì cũng đồng nghĩa bài kiểm tra thường xuyên của phân môn nào phân môn đó kiểm tra. Đến bài định kỳ thì đề kiểm tra được gộp 2 phân môn lại chung 1 đề.

Thế nhưng, hiệu trưởng phải: “Phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy môn học ở lớp đó để tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.

Điều này có nghĩa mỗi lớp có 2 giáo viên: 1 dạy phân môn Lịch sử; 1 dạy phân môn Địa lí nhưng sẽ có một người “chủ trì” phân chia việc tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực vào sổ theo dõi, học bạ của học trò.

Đó là chưa kể những giáo viên đã, đang, sẽ được nhà trường cử đi bồi dưỡng theo Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở môn Lịch sử và Địa lý từ 20-36 tín chỉ. Tất nhiên sẽ tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc của ngân sách, của giáo viên.

Nhưng, cuối cùng chỉ chung có 1 cái bìa sách giáo khoa. Khi kiểm tra, đánh giá 2 phân môn chung đề, chung điểm, chung nhận xét, chung học bạ thành 1 môn thì vô cùng rắc rối, phức tạp. Theo người viết, nó chỉ tạo thêm việc làm cho giáo viên mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/cong-van-5636bgddtgdtrh-huong-dan-moi-ve-ke-hoach-day-hoc-mon-tich-hop-khoa-hoc-tu-nhien-lich-su-va-120883.html?rel=goi-y-cung-tag

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO