Hướng dẫn một đằng, sách dạy một nẻo

20/09/2019 07:02
LÊ LAM HỒNG
(GDVN) - Sách giáo khoa bậc phổ thông hiện nay lại hướng dẫn thiếu chính xác, không thống nhất khi trình bày một văn bản hành chính giữa các cấp học.

Văn bản hành chính là bài học trong sách giáo khoa chương trình phổ thông. Mục đích của những bài học này là hướng dẫn học sinh biết tạo lập một văn bản hành chính, đúng quy định hiện hành.

Phong cách ngôn ngữ hành chính (Ảnh: tác giả cung cấp).
Phong cách ngôn ngữ hành chính (Ảnh: tác giả cung cấp).

Theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ ký ngày 19/11/2011, hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính, có ghi rõ: (trích)

“Chương II

THỂ THỨC VÀ KỸ THUẬT TRÌNH BÀY VĂN BẢN

Điều 6. Quốc hiệu

1. Thể thức

Quốc hiệu ghi trên văn bản bao gồm 2 dòng chữ: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

2. Kỹ thuật trình bày

Quốc hiệu được trình bày tại ô số 1; chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên phải.

Dòng thứ nhất: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 12 đến 13, kiểu chữ đứng, đậm;

Dòng thứ hai: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ từ 13 đến 14 (nếu dòng thứ nhất cỡ chữ 12, thì dòng thứ hai cỡ chữ 13; nếu dòng thứ nhất cỡ chữ 13, thì dòng thứ hai cỡ chữ 14), kiểu chữ đứng, đậm; được đặt canh giữa dưới dòng thứ nhất; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ (sử dụng lệnh Draw, không dùng lệnh Underline), cụ thể:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________

Hai dòng chữ trên được trình bày cách nhau dòng đơn.

Phụ lục IV ghi rõ: Dòng kẻ bên dưới của quốc hiệu: bắt đầu từ chữ Đ (Độc lập) đến hết chữ c (Hạnh phúc).

Nhưng sách giáo khoa bậc phổ thông hiện nay lại hướng dẫn thiếu chính xác, không thống nhất khi trình bày một văn bản hành chính giữa các cấp học.

Cụ thể, sách Ngữ văn, lớp 7 (Tập 2 - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2018) trang 107, 108, 109 ; bài “Tìm hiểu chung về văn bản hành chính”; các ví dụ (dữ liệu gồm Văn bản 1, 2, 3) đưa ra đều không đúng với hướng dẫn trên (Phụ lục IV) mà chỉ có dấu gạch ngang ngắn phía dưới quốc hiệu và tiêu đề quốc hiệu không in đậm.

Sách Ngữ văn, lớp 8 (Tập 2 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2018) trang 133, bài “Văn bản tường trình” ; trong mục "I. Đặc điểm của văn bản tường trình”; các văn bản 1, 2 đều mắc lỗi gạch chân dưới quốc hiệu. Chỉ một đoạn gạch ngắn ở giữa, phía dưới, không đúng quy định về cách trình bày văn bản hành chính và tiêu đề quốc hiệu không in đậm. Trang 140, bài “Văn bản thông báo” cũng mắc lỗi như trên.

Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sách Ngữ văn, lớp 9 (Tập 2 - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2011) trang 123, bài “Biên bản”; trong mục “I. Đặc điểm của biên bản ”; văn bản 2 đều mắc lỗi gạch chân dưới quốc hiệu. Chỉ một đoạn gồm những gạch ngắn ở giữa, phía dưới, không đúng quy định về cách trình bày văn bản hành chính và tiêu đề quốc hiệu không in đậm.

Sách Ngữ văn, lớp 12 (Tập 2 - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2008) trang 167, bài “Phong cách ngôn ngữ hành chính”; trong mục “1. Văn bản hành chính”; các văn bản 1, văn bản 2, văn bản 3 đều được thực hiện đúng thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Có gạch dưới quốc hiệu theo quy định, nhưng tiêu đề quốc hiệu “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam/ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” không in đậm, chỉ in thường.

Có khi gặp một học sinh viết lá đơn, trình bày không đúng thể thức quy định, chúng ta thường vội la rầy các em: “Mỗi cái đơn mà còn không biết viết cho đúng!”. Xin thưa, sách dạy như vậy, thầy cô dạy như vậy, thử hỏi các em làm sao viết khác được?

Hơn nữa, Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ ký ngày 19/11/2011 nhưng những lần tái bản (2018, 2019), các tác giả biên soạn, Nhà xuất bản lại không cập nhật cứ “bổn cũ in lại” cho nên mới có sự sai sót này.

Vậy mà không ai phát hiện ra, cứ dạy cái sai từ năm này qua năm khác và học sinh cứ thế mang những kiến thức sai vào đời.

LÊ LAM HỒNG