LTS: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều bài toán cho người người làm công tác giáo dục.
Tác giả Nguyễn Lan Hương (nghiên cứu sinh về giáo dục đại học tại Mỹ) đã chỉ ra một số tác động tích cực và tiêu cực của các xu hướng phát triển này với giáo dục hiện đại.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
“Giáo dục không chỉ để học các sự thật, mà cần được rèn luyện để học cách tư duy”- Albert Einstein
Khi chúng ta, những nhà lãnh đạo, nhà giáo, những nhà nghiên cứu giáo dục, cha mẹ và cộng đồng xã hội nghĩ đến giáo dục cho con trẻ trong thế kỷ 21 này, chúng ta cần ghi nhớ đến nguyên lý học tập trên của Albert Einstein, cần dạy con trẻ cách nghĩ, không hơn và không kém.
Với tất cả chúng ta, đây hoàn toàn không phải là việc dễ.
IoT và cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền giáo dục toàn thế giới. (Ảnh: Insights/ Báo Khoa học và phát triển) |
Chúng ta đang trao đổi và bàn bạc ở khắp trên thế giới về Internet vạn vật (IoT), về cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi thế giới chúng ta đang sống ra sao, sẽ thay đổi công việc chúng ta sẽ làm, sẽ thay đổi cách chúng ta dạy và học trong tương lai gần.
Các câu chuyện về dạy học MOOCs (khóa học mở trực tuyến đại trà) và vô số các công nghệ giáo dục (tech-edu) đang được marketing khắp mọi nơi, thu hút hàng chục triệu người trên thế giới tham gia.
Cùng với đó, những mô hình học tập miễn phí lấy bằng đại học như của University of People, đang đi xa hơn bất kỳ một hình dung nào về giáo dục trong tương lai, và mọi thay đổi mới chỉ diễn ra trong gần một thập kỷ qua.
Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ những khía cạnh tích cực (mà tôi hay nói, là một thế giới tươi đẹp về học tập) khi nhìn đến vai trò của Internet vạn vật và công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cho người học trên toàn thế giới.
Đó sẽ là một thế giới học tập không bị giới hạn bởi bất kỳ điều gì, dù đấy là ngôn ngữ, địa điểm, niềm tin.
Khi bạn có máy tính và kết nối internet, bạn là thế giới và thế giới là bạn.
Kiến thức của hàng triệu năm nhân loại phát triển đều nằm trên hệ thống mạng, và chỉ cần bạn muốn học, cơ hội học tập ở bất kỳ đâu và có thể học với mức phí là 0 đồng (edX, MIT, University of People).
Tuy nhiên, thế giới không chỉ là những bức tranh đẹp. Nó gồm cả những gam màu xấu và tệ hại.
Theo những quan điểm bảo thủ về việc sử dụng (hay lạm dụng) Internet và máy tính, các phương tiện điện tử trong giáo dục, thì dù với Internet vạn vật, công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, thách thức mới với tất cả chúng ta là ở góc độ làm sao dạy dỗ con trẻ khả năng nghĩ và sáng tạo, như là một CON NGƯỜI.
Làm sao để trẻ có thể giao tiếp thân ái với người khác, để có thể giải quyết hòa bình những mâu thuẫn trong gia đình, để có động lực và niềm tin yêu vào bản thân và người khác.
Và quan trọng hơn cả, biết coi trọng quan hệ con người (thật) với con người.
Những yếu tố nhân bản của con trẻ trong một xã hội toàn internet có thể không còn được coi trọng nữa.
Với internet và các phương tiện điện tử thông minh, hầu hết mọi người đều nhận thấy con cái chúng ta và học sinh đang dành nhiều thời gian với các thiết bị điện tử, hơn là với các giao tiếp thật và với con người thật.
Tương lai gần, 9/10 nhân lực hiện tại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp |
Chúng ta buộc phải có một định nghĩa về từ “học sinh - xác chết biết đi” (“zombie students”: từ mô phỏng theo truyện về xác chết nhưng vẫn đi lại được) [1].
Chúng ta phải chấp nhận đau đầu với thực tế là “máy tính đang giết chết sự sáng tạo của con trẻ” [2], trong lúc các chương trình học trực tuyến vẫn đang có những câu hỏi lớn về chất lượng dạy và học [3].
Sự tệ hại của internet và internet vạn vật, thiết bị thông minh, có lẽ không chỉ dừng ở yếu tố làm giảm thiểu tính nhân văn của con người học sinh.
Mà nguy hại hơn, nó còn tác động mạnh mẽ vào xã hội, vào quan hệ giao dịch như thông qua những hệ thống đánh cắp thông tin, cuộc chiến tranh mạng, khủng hoảng an ninh thông tin cá nhân và quốc gia, vân vân...
Chưa khi nào, chúng ta không còn được là một con người thực sự, bởi ở mọi nơi và mọi chốn, nhân danh công nghệ thông minh, chúng ta tự đưa mình vào vị trí “bị theo dõi” bằng tất cả các thiết bị công nghệ.
Chưa khi nào thông tin của quốc gia dù lớn dù nhỏ bị đánh cắp dễ dàng như bây giờ.
Và chưa khi nào chúng ta luôn quan ngại việc đánh máy những dòng chữ này, các thiết bị thông minh của chúng ta đã bị đánh cắp nhanh như thế nào.
Thậm chí, có thể đến một tình trạng, có những xã hội văn minh, con người bắt đầu chấp nhận có quan hệ tình cảm thân thiết với “người máy”, hơn là với con người thật [4].
Với tất cả những quan ngại trên về internet, internet vạn vật, rất cần thiết để chúng ta, tất cả mọi người trong cộng đồng này cần suy nghĩ về việc “chúng ta sẽ internet hóa đến đâu?”
Hay như tại hội thảo của Nhật Bản về tương lai của robot với trí tuệ thông minh [5], câu hỏi là chúng ta sẽ đi về đâu, với cuộc sống được thay thế bởi robot?
Với giáo dục, robot và trí tuệ nhân tạo, các thiết bị điện tử có thể giúp cho các học sinh xây dựng được nhân cách tốt của con người hay không?
Và đạo đức, cách hành xử của công dân có trách nhiệm, con người nhân bản, liệu ai có thể thay thế được vai trò của người thầy và cha mẹ, xã hội cộng đồng trong vai trò nền tảng xây dựng nên một Con Người Tử tế đúng nghĩa?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần có sự lựa chọn, sự chọn lọc trong giáo dục có đạo đức từ ngày hôm nay.
Và giống như con trẻ, chúng ta cần học cách tư duy, tư duy cho tương lai của giáo dục: Chúng ta mong con cái chúng ta trở thành người như thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] Telegraph, Disengaged middle – class children at risk of becoming zombie students, http://www.telegraph.co.uk/education/2016/10/14/disengaged-middle-class-children-at-risk-of-becoming-zombie-stud/
[2] The Guardian, Computers kill students’ creativity, https://www.theguardian.com/uk/2000/sep/24/schools.news
[3] Diane Ravitch, NCAA will no longer accept credits awarded by 24k12 Virtual charter schools, https://dianeravitch.net/2014/04/22/ncaa-will-no-longer-accept-credits-awarded-by-24-k12-virtual-charter-schools/;
[3] NEPC, Virtual School Annual 2015, http://nepc.colorado.edu/publication/virtual-schools-annual-2015
[5] http://genk.vn/kham-pha/50-lao-dong-nhat-ban-la-robot-tuong-lai-dat-nuoc-nay-se-di-ve-dau-20160404213846736.chn