"Ngày mai, phụ huynh cho con tiền đóng kế hoạch nhỏ. Số tiền bao nhiêu tùy mỗi gia đình", đó là dòng tin nhắn gọn gẽ của giáo viên chủ nhiệm gửi đến nhóm phụ huynh.
Hiện nay phong trào ý nghĩa này đã bị biến tướng, nhà trường phát động và đến ngày thì giáo viên nhắc học sinh về nhà xin tiền bố mẹ để đóng góp.
Như vậy đã tạo nên một phong trào không còn ý nghĩa, không mang tính giáo dục và còn phản tác dụng, tạo cho học trò tính ỷ lại và giả dối.
Nhà giáo Nguyễn Thị Thu: "Có thể nói đây cũng là một cách tạo quỹ cho nhà trường, cách làm có vẻ tiện nhưng lại không phản ánh đúng tinh thần của phong trào. Tôi thấy đây là kế hoạch nhỏ của trò nhưng lại là kế hoạch lớn của nhà trường". Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu - Một giáo viên đã nghỉ hưu ở Hà Nội, đã chia sẻ quan điểm:
“Từ rất lâu, phong trào "Kế hoạch nhỏ" được triển khai rộng rãi ở các trường nhằm giáo dục học sinh lòng thương cảm với những hoàn cảnh khó khăn, rèn tính tiết kiệm, bảo vệ môi trường.
Đóng góp, tạo kế hoạch nhỏ bằng nhiều hình thức như nuôi heo đất, thu gom phế liệu, tiết kiệm giấy vụn... để tạo nguồn quỹ tặng nhiều công trình măng non cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hay là thực hiện nhiều công trình ý nghĩa tại các vùng sâu, vùng xa.
Vậy nên nếu cứ nói học sinh về xin tiền bố mẹ để đóng góp kế hoạch nhỏ là không được, và từ trước đến nay tôi chưa thấy có ai chịu trách nhiệm quản lý nguồn tiền này được sử dụng ra sao.
Mỗi học sinh từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng, đem nhân với cả trường thì số tiền này không hề nhỏ.
Những bức xúc, không đồng tình cho thấy chuyện kế hoạch nhỏ trong mắt phụ huynh là không hề nhỏ chút nào.
Tại sao tôi nói vậy ? Kế hoạch nhỏ là sự chắt chiu tiết kiệm, trẻ có thể tiết kiệm hàng ngày, thu gom phế liệu trong gia đình…và quan trọng nhất là tự học trò làm ra những đồng tiền đó.
Tất cả những việc làm ấy nó như một liều thuốc bổ hàng ngày giúp cho trẻ hình thành lòng nhân đạo, rèn cho trẻ tính tiết kiệm chứ không phải tự dưng xin được một số tiền của bố mẹ rồi mang đến lớp, một hành động vô cảm.
Nhà trường đã biến những đứa trẻ thành giả dối, từ những việc nhỏ đã vậy thì sau này những việc lớn hơn thì sẽ ra sao?
Việc gì thì cũng phải đi đến tận cùng của sự giáo dục là Chân - Thiện - Mỹ, và cái đó phải là sự thật, nhân đạo và rất đẹp”.
Bà Thu cho biết: “Tôi thấy những giáo viên kia cũng không thể trách họ được, họ nằm trong một cái guồng chung, hệ thống hoạt động chung của ngành giáo dục là nặng về hình thức, thích thành tích và những lời khen.
Tất cả cũng vì mục đích là vừa lòng cấp trên, được cấp trên khen ngợi thành tích và thích trường mình đạt danh hiệu này nọ.
Trong trường hợp cụ thể này thì những giáo viên kia đáng thương hơn là đáng trách vì họ nằm trong cái guồng thích thành tích đó.
Còn về phía phụ huynh thì chắc chắn là họ bức xúc, nhưng vì con mình còn đang học cô giáo đó, trường đó nên họ cũng bấm bụng, tặc lưỡi đóng cho xong chuyện.
Mà không đóng thì chắc chắn con mình sẽ bị mang ra trước lớp để phê phán, nhắc nhở đòi hỏi, mà như vật sẽ ảnh hưởng đến tâm lí học tập của các em… rồi thì cũng phải nộp thôi chứ chả lẽ lại không nộp?”.
Kế hoạch nhỏ là rèn học sinh tính tiết kiệm, tính nhân văn và đó mới là mục tiêu chính, không phải số tiền cuối cùng để nhà trường lấy thành tích. Ảnh minh họa: Trần Trang. |
Có nên duy trì kế hoạch nhỏ trong nhà trường?
Bà Thu nêu quan điểm: “Nếu đúng nghĩa có thể hiểu kế hoạch nhỏ nên để vào dịp cuối năm học, khi việc học đã xong thì hãy phát động.
Mà phải có mục tiêu rõ ràng như sẽ dùng vào việc này và cụ thể là ở đâu để học trò nắm được ý nghĩa, chứ không phải hô hào kế hoạch nhỏ chung chung rồi không biết tiền quyên góp sẽ dùng vào việc gì, mà làm gì có ai kiểm tra quỹ này của nhà trường.
Cứ như hiện nay đùng một cái thích là làm thì tôi thấy hoàn toàn không được, học trò sẽ thấy áp lực và bản thân các em cũng nhận thấy đây là sự giả dối vì tiền đâu phải tự tay các em làm ra.
Kế hoạch nhỏ là rèn học sinh tính tiết kiệm, tính nhân văn và đó mới là mục tiêu chính, không phải số tiền cuối cùng để nhà trường lấy thành tích mới là mục tiêu và thực tế hiện nay sự việc này đang diễn biến theo hướng xấu”.
Bà Thu nói: “Ngay như các cháu nội của tôi đây, hàng ngày tôi vẫn rèn cho chúng tính gọn gàng, những giấy loại trong gia đình sau khi sử dụng sẽ được các cháu gấp gọn để vào trong một cái hộp.
Tôi cũng rèn các cháu tính thương người nên cứ để những người thu mua phế liệu trả bao nhiêu thì trả, họ là những người nghèo khó lao động chân tay nên các cháu phải biết thương yêu họ.
Tôi giải thích cho các cháu rằng một vài đồng nhỏ chúng ta không thiếu, nhưng chúng ta làm việc này để giúp đỡ cho xã hội.
Giúp đỡ cho những người khó khăn, hơn nữa đây cũng là việc phân loại rác thải sinh hoạt vừa tránh lãng phí lại còn để bảo vệ môi trường”.
Bà Thu nhấn mạnh: “Tôi thấy cách giáo dục như thế này sẽ làm cho trẻ có được chuẩn mực tốt của xã hội. Mà cũng đừng nghĩ rằng các em không biết gì, chúng hiểu hết và biết được những việc gì là tốt nên làm, và những việc gì là giải dối nên loại bỏ.
Cần để "Kế hoạch nhỏ" trở về đúng mục đích ban đầu và tồn tại trong mỗi nhà trường như là một việc làm trực tiếp, cụ thể, có ý nghĩa.
Hãy để những hình thức dù có mất thời gian như nhặt đồ nhựa, sách báo cũ... nhưng những cách giản dị bình thường ấy lại giáo dục các con đức tính tiết kiệm, tấm lòng bao dung, thương người, sẻ chia, đó mới là cách làm ý nghĩa.
Một trong những giải pháp nhằm đổi mới phong trào kế hoạch nhỏ là phân học sinh thành những nhóm nhỏ để các em cùng nhau lập kế hoạch đi thu gom giấy, vỏ chai tùy theo năng lực chứ không ép chỉ tiêu.
Có như vậy thì kế hoạch nhỏ mới đúng tính chất tốt đẹp của nó, các thầy cô giáo và các nhà trường hãy vì những lợi ích lâu dài về giáo dục mà cân nhắc, đừng biến tướng, đừng vì những nguồn quỹ và lời khen mà tạo nên những đứa trẻ giả dối”.