Học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được học lên cao đẳng

06/06/2020 06:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng với đó, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

“Đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, các em có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề ở trình độ trung cấp, đồng thời các em vẫn có cơ hội học liên thông lên đại học sau này.

Thay vì mất thêm 3 năm học Trung học phổ thông, ngay từ khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, học sinh học hệ trung cấp và nếu được học cao đẳng, các em sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn.

Đây là xu hướng phát triển hết sức tự nhiên, đặc biệt là thích hợp với thực tế hiện nay của nước ta”, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - nguyên giáo viên dạy môn Toán tại Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ.

Thầy Ngọc cho biết: "Ở nước ta lâu nay có một quan niệm sai lầm nghĩ rằng muốn cho các em có tương lai, tiền đồ thì phải vào đại học". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy Ngọc cho biết: "Ở nước ta lâu nay có một quan niệm sai lầm nghĩ rằng muốn cho các em có tương lai, tiền đồ thì phải vào đại học". Ảnh: Tùng Dương.

“Trên thế giới với số lượng người được đào tạo trở thành những nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ không nhiều lắm so với dân số của cả nước, vậy nên họ đào tạo những loại hình này là đều có chọn lọc.

Họ tiến hành chọn lọc ngay từ cơ sở, với những học sinh có năng khiếu học, có trí thông minh thì sẽ có một hướng đi riêng để đào tạo các em này trở thành các nhà khoa học.

Còn về đại trà thì vẫn cứ là học nghề bởi thực chất cuộc sống nó luôn đòi hỏi như vậy. Ở nước ta lâu nay có một quan niệm sai lầm nghĩ rằng muốn cho các em có tương lai, tiền đồ thì phải vào đại học.

Và nếu em nào không vào được đại học thì cha mẹ em đó nghĩ rằng “trời sụp”. cho rằng gia đình nhà mình bất hạnh và đó là một quan niệm sai hoàn toàn.

Từ những quan niệm sai lầm đó đã gây ra ảo tưởng, gây ra lãng phí không cần thiết cho gia đình và xã hội.

Tôi thấy có nhiều gia đình kinh tế khó khăn nên phải cầm cố tài sản, bán trâu bò, đi vay lãi…để có tiền cho con vào học đại học.

Mà học xong 4 năm đại học rồi con cũng vẫn thất nghiệp và cuối cùng lại phải đi học nghề, đó chính là một cái vòng luẩn quẩn, và tôi cho rằng đó cũng là bi kịch cho đất nước”.

Hướng đi hội nhập

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Đây được xem là một giải pháp nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo thầy Ngọc: “Tôi thấy Chính phủ chỉ đạo như vậy là rất đúng, nên cho các em học hết Trung học cơ sở được tiến hành đào tạo trung cấp nghề.

Nếu trong quá trình học có điều kiện thì các em vẫn có thể học liên thông, học lên đại học, vẫn trở thành những con người có trí tuệ phục vụ đất nước.

Một điều nữa là hiện nay chúng ta đang trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ, cái gì cũng biết một chút nhưng cuối cùng không cái gì biết đến nơi đến trốn, không làm được gì và đó là điều đáng tiếc.

Nói thì rất hay nhưng thực chất khi bắt tay vào làm nghề thì lại không làm được các gì. Đó là vấn nạn về chất lượng lao động.

Đặc điểm người dân chúng ta là rất cần cù, chịu khó, mà cái sự đó cần phải được hướng nghiệp cụ thể, đi vào một cái chuẩn nhất định, chứ nếu cứ để cần cù một cách chung chung thì quả thật là đáng tiếc.

Chúng ta cần phải hiểu rằng những người theo học trung cấp nghề không phải là những người không có trình độ, không phải là họ không thông minh, đó là ý thứ nhất.

Ý thứ hai là nước ta phát triển không đồng đều ở mỗi khu vực cũng như từng gia đình, có những nhà đông con, có những vùng kinh tế khó khăn…

Và người dân không phải ai cũng có đủ điều kiện để học lên đại học, nên khi học hết Trung học cơ sở thì họ đi học nghề, và vừa học vừa làm để tiến thân.

Không phải nói đâu xa, ngay như bà vợ tôi đây sinh ra trong một gia đình đông anh chị em và không có điều kiện về kinh tế, vợ tôi là con cả nên khi học hết lớp 7 ngày xưa thì vào học tại Trường trung cấp nghề Hà Nội.

Lúc đó nhà tôi còn trẻ và học rất giỏi, sau khi học xong nhà trường thấy có năng lực nên đã mời ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Vừa dạy vừa học tiếp tại chức rồi lên đại học, tốt nghiệp bằng cơ khí điện của Trường Đại học Bách Khoa.

Quay trở lại vấn đề nếu như lúc đó vợ tôi không chịu học trung cấp nghề mà cứ muốn vào đại học thì chắc chắn sẽ thất học vì không có kinh tế để theo, ngoài ra lại không có nghề gì trong tay”.

Người dân không phải ai cũng có đủ điều kiện để học lên đại học, nên khi học hết Trung học cơ sở thì họ đi học nghề, và vừa học vừa làm để tiến thân. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Người dân không phải ai cũng có đủ điều kiện để học lên đại học, nên khi học hết Trung học cơ sở thì họ đi học nghề, và vừa học vừa làm để tiến thân. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thầy Ngọc chia sẻ: “Thực tế hiện nay có rất nhiều học sinh kiểu như vậy, nên hướng đi theo trung cấp là rất thích hợp.

Tôi biết có nhiều em trong quá trình học trung cấp nhưng rất hiếu học và sau đó có điều kiện để liên thông, học lên đại học và có em giờ đã là tiến sĩ.

Vậy nên có thể nói hướng cho học sinh học hết Trung học cơ sở được đào tạo trình độ cao đẳng là rất thích hợp.

Đó cũng là xu thế hội nhập với thế giới, là quy luật chung và rất phù hợp với thực tế hoàn cảnh của đất nước ta.

Trên cơ sở đó các em vẫn phát triển được tài năng của mình, vẫn tạo điều kiện cho những người có trí phát triển.

Trước kia học sinh học hết Trung học phổ thông thì mới được học trung cấp nghề, nhưng thực tế hiện nay các em học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đã khác xưa rất nhiều.

Do điều kiện vật chất, dinh dưỡng tốt hơn nên các em đã rất khác về thể lực, chiều cao, trình độ và nhận thức đã hơn hẳn nên rất thích hợp để dạy nghề cho các em.

Chúng ta không nên coi các em học hết lớp 9 là trẻ con nữa, mà các em đã là những công dân trưởng thành, có trình độ và sức khỏe, vượt xa so với cách đây 20 năm.

Vậy nên phải hướng nghiệp cho các em từ lớp 9 như một số nước phát triển đang làm”.

Thầy Ngọc nhấn mạnh: “Vấn đề cần nhất hiện nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải nghiên cứu và đưa ra hướng dạy nghề ra sao cho phù hợp với thực tế phát triển và hội nhập với thế giới.

Cùng với đó, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời dạy văn hóa để sau 3 năm ra trường là các em vừa có nghề trong tay, lại đủ trình độ để có thể học liên thông hoặc cao hơn nữa”.

Tùng Dương