Như chúng tôi đã thông tin, theo lịch trình, chuyên cơ y tế N183 chở ông Nguyễn Bá Thanh sẽ cất cánh từ OSAKA (Nhật Bản) về tới sân bay quốc tế Đà Nẵng vào khoảng 4 giờ sáng nay (7/1) sau 7 giờ bay.
Tuy nhiên, sáng 7/1, một nguồn tin cho biết vì vấn đề thời tiết nên chuyên cơ chở ông Thanh vẫn chưa thể cất cánh về Đà Nẵng như dự kiến. Dù vậy, ngay từ đêm 6/1, rất đông người dân Đà Nẵng, Quảng Nam đã kéo về sân bay Đà Nẵng để đón ông Thanh.
Theo đúng kế hoạch, 13h30 chiều nay (7/1), lãnh đạo Ban bảo vệ Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã gặp gỡ báo chí để thông tin chính thức về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Hình ảnh tại buổi thông tin. ảnh PN |
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Quốc Triệu (Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương) chủ trì cuộc họp này. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban tuyên giáo TƯ; Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương cùng một số GS, TS chuyên môn khác cũng tham dự cuộc họp này.
Tại cuộc họp báo, Tiến sĩ Trần Huy Dụng, Phó trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, ông Nguyễn Bá Thanh bị bệnh từ tháng 5/2014, được điều trị tại bệnh viện 108 với chẩn đoán rối loạn sinh tủy. Sau đó, Đảng và Nhà nước đã đưa ông sang Singapore điều trị trong tháng 6 và tháng 7, sau đó đưa ông sang Mỹ điều trị từ tháng 8 đến nay.
Ông đã được vô hóa chất trong 3 đợt, nhưng chưa ghép tủy. Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cũng phủ nhận thông tin ông bị đầu độc.
Cũng theo ông Dụng, ông Nguyễn Bá Thanh sẽ về nước trong một vài ngày tới đây. Việc điều trị cho ông Thanh sẽ tiếp tục do các giáo sư ở Mỹ phối hợp điều trị cùng các giáo sư đầu ngành ở Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Triệu cho biết, đến 7 giờ 28 phút sáng nay 7/1 (giờ Việt Nam), vẫn chưa có lịch máy bay đưa ông Thanh lên đường về nước.
"Ông Nguyễn Bá Thanh bị ốm, được Đảng, Nhà nước quan tâm chữa trị trong nước và ngoài nước. Người dân cũng rất quan tâm tới vấn đề này. Thông tin về sức khỏe ông Thanh chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên, nhưng theo Luật Khám chữa bệnh, bệnh nhân có quyền giữ bí mật về bệnh tật nên phải có sự cân nhắc. Đặc biệt ông Thanh là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Đó vừa là luật vừa là tâm lý, mong mọi người thông cảm", ông Triệu thông tin.
Nói về bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh, GS Phạm Gia Khải cho hay, bác sĩ phụ trách sức khỏe cho ông Nguyễn Bá Thanh đã phát hiện có dấu hiệu bất thường về xét nghiệm định kỳ từ tháng 5/2014, cụ thể là một số bất thường về hồng cầu trong máu.
“Nhưng do ông Nguyễn Bá Thanh với cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương rất hay đi công tác nên không dễ tiếp cận. Khi ông Thanh đồng ý khám vào cuối tháng 5 thì các bác sĩ tiến hành hội chẩn”, GS Khải nói thêm.
Bác sĩ Bạch Quốc Khánh cho biết thêm: “Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe Trung ương đã hội chẩn, cho rằng đó là hội chứng rối loạn sinh tủy. Gọi như thế vì nó có rất nhiều bệnh ở trong đó. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh vướng vào một trong các bệnh rối loạn sinh tủy”.
Do bệnh tình ông Nguyễn Bá Thanh chuyển biến xấu nhanh nên bên Mỹ quyết định điều trị hóa chất và ghép tủy, nhưng đến nay chưa đạt chuyên môn nên thống nhất không điều trị hóa chất nữa mà đưa về Việt Nam để điều trị cho ổn định.
Ông Khánh nói thêm, tùy từng bệnh có tiến triển khác nhau, đi từ mức độ nhẹ tới nặng, từ mức độ lâu tới nhanh. Có trường hợp bệnh nhân thiếu máu dai dẳng có thể kéo dài cả tới 10 năm. Cũng có trường hợp chỉ vài tháng đã tiến triển nhanh bắt buộc phải điều trị hóa chất.
Đối với ông Nguyễn Bá Thanh là một thể của rối loạn sinh tủy nhưng rất không may mắn lại chuyển biến nhanh nên bên Mỹ đã phải quyết định điều trị hóa chất tiến tới ghép tủy.
Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Triệu tiết lộ, bệnh án của ông Nguyễn Bá Thanh Ban không được xem, không nhìn thấy trực tiếp. Mọi thông tin về sức khỏe ông Thanh hoàn toàn từ gia đình và cán bộ có trách nhiệm của Ban từ Mỹ thông tin về.
GS-BS Trần Huy Dụng tiếp lời: “Tôi có người nhà bị bệnh ung thư, đã điều trị thì tóc phải rụng. Cái đó không liên quan gì tới việc điều trị này cả. Chúng tôi phải xem bệnh nhân, hội chẩn đã rồi mới biết điều trị như thế nào, trong bao lâu. Chữa một con người không phải như một cái máy nên phản ứng của con người với tác nhân khác nhau lắm”.
Về những thông tin liên tục xuất hiện trên mạng internet mấy ngày nay, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nói: Mạng xã hội đầy rẫy thông tin nên phải có sàng lọc, không thể tin nào cũng nghe theo.
Vì sao ông Nguyễn Bá Thanh được đưa về nước?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Triệu nói: "Gia đình ông Thanh đề nghị và chúng tôi báo cáo cấp trên và được đồng ý, về Đà Nẵng điều trị cho gần nhà, nhưng các giáo sư đầu ngành sẽ vào Đà Nẵng hội chẩn và điều trị hàng ngày, chủ yếu là can thiệp, dùng thuốc nào. Tuy điều trị ở Đà Nẵng nhưng chất lượng thuốc men là ở Trung ương”.
“Các giáo sư nói muốn ghép tủy phải điều trị hóa trị. Điều trị hóa trị chưa đạt thì phải nâng cao thể trạng. Về Việt Nam để nâng cao thể trạng thì mới có phác đồ tiếp theo. Bên Mỹ sẽ giúp mình để tiếp tục những phác đồ tiếp theo”, ông Triệu nói thêm.
Khả năng phục hồi của ông Thanh ra sao?
Cũng theo ông Triệu, tiềm năng của con người rất khó lường. Cách đây 10 năm có đồng chí chủ chốt cũng bị ung thư, có ý kiến nên về nghỉ ngơi, nhưng hôm nay sức khỏe tốt hơn hôm qua và sau đó lại thăng tiến, nên không thể nói trước được điều gì. Muốn tiên lượng thì phải chờ bệnh nhân về rồi khám, xét nghiệm thì mới tiên lượng được.
Trong khi đó, ông Bạch Quốc Khánh cho biết, rối loạn sinh tủy, y học thế giới cũng chưa xác định được nguyên nhân và chưa tìm ra được cách để điều trị đặc hiệu nên chỉ điều trị chung như phác đồ phía Mỹ đang tiến hành. Nếu tiến triển thuận lợi, bệnh nhân sẽ được ghép tế bào gốc máu ngoại vi.
“Vậy nên trường hợp ông Thanh, một trong những bệnh nằm trong hội chứng rối loạn sinh tủy cũng không thể nói được là nguyên nhân vì đâu. Ông Khánh khẳng định lãnh đạo Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương đã bác bỏ thông tin về việc ông Thanh bị đầu độc vì không thể xác định việc này.
Có một số yếu tố nguy cơ làm phát sinh bệnh này nhưng nguồn nguy cơ có rất nhiều từ môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm mỗi người tiếp xúc dùng hàng ngày. Đó đều có thể là yếu tố nguy cơ làm bệnh phát triển. Viện của chúng tôi có riêng một tầng dành cho bệnh nhân rối loạn sinh tủy. Ở khoa đó có 130-140 bệnh nhân nằm điều trị, không dưới 60 bệnh nhân bị hội chứng rối loạn sinh tủy với tất cả cấp độ.
Ông Thanh đã 3 lần điều trị hóa chất. Khi về nước, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe có thể sẽ đề nghị làm lại xét nghiệm về tủy để xây dựng kế hoạch điều trị trong tương lai. Chưa thể nói trước quá trình điều trị sẽ kéo dài trong bao lâu, việc đó còn tùy khả năng đáp ứng của mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu ghép được tủy thì có hi vọng đẩy lui được căn bệnh”, ông Khánh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khánh, ở Việt Nam có nhiều người mắc bệnh tương tự như ông Thanh.
“Hai người trong gia đình sẵn sàng cho tủy ông Thanh ghép. Về lý thuyết, nếu sức khỏe ông Thanh phục hồi thì sau khi về Việt Nam, ông Thanh có thể quay lại Mỹ để tiếp tục ghép tủy”, ông Khánh khẳng định.
Phát biểu kết luận buổi thông tin trên, ông Triệu nhấn mạnh: “Khi ông Nguyễn Bá Thanh về Việt Nam, các nhà báo, người dân cũng không nên kéo tới bệnh viện nơi đồng chí ấy điều trị sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của đồng chí Nguyễn Bá Thanh và người thân trong gia đình”.
Như vậy, thống nhất cuối cùng là không điều trị hóa chất cho ông Thanh nữa mà đưa ông về Việt Nam phục hồi sức khỏe theo phác đồ của bác sĩ Mỹ và Việt Nam.
Việc đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ về do giáo sư Mỹ đảm bảo, tại Việt Nam sẽ chuẩn bị chu đáo, bố trí giáo sư giỏi đầu ngành để chăm sóc sức khỏe cho ông Thanh.