Theo quy định của Tiêu chuẩn 3 về Cơ sở vật chất tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
Tuy nhiên, chia sẻ từ lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho hay, để đạt được những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học như vậy là tương đối khó với nhiều trường, đòi hỏi cần có lộ trình thực hiện và giải pháp phù hợp với thực tiễn hơn.
Quy định về chuẩn cơ sở vật chất nên phân theo loại hình đào tạo
Trước quy định trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khác với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, về cơ bản các trường đại học công lập khó thực hiện được những thủ tục để mở rộng diện tích như mua đất, …
Thầy Hải thông tin, hiện nhà trường cũng đang cố gắng thực hiện các giải pháp để mở rộng diện tích, đạt chuẩn về diện tích đất/sinh viên như thành lập phân hiệu tại tỉnh Bình Phước. Việc phối hợp với các địa phương để phát triển các phân hiệu là một giải pháp mà các cơ sở giáo dục đại học công lập cần nhanh chóng thực hiện để kịp đạt chuẩn vào năm 2030.
Ngoài ra, theo thầy Hải, quy định về chuẩn cơ sở vật chất, đặc biệt là diện tích đất/sinh viên nên phân theo loại hình đào tạo như trường đào tạo về kỹ thuật, công nghệ cần khác với những trường đào tạo khoa học xã hội nhân văn (có những ngành không cần thiết đến diện tích lớn như vậy); quy định giữa trường đại học theo định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng cũng cần khác nhau.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, quy định về diện tích đất 25m2/sinh viên là khó thực hiện và chưa khả thi với nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Bởi, trên thực tế, có những trường với quy mô, điều kiện đầu tư lớn nhưng cũng nhiều năm rồi vẫn chưa chuyển được hoàn toàn cơ sở ra khỏi nội đô để mở rộng đạt chuẩn diện tích. Do đó, với nhiều trường chưa có những điều kiện như vậy, đặc biệt là các trường trong nội đô vốn có diện tích hạn chế càng khó khăn hơn.
Thầy Lượng cũng cho rằng, đối với các trường đại học công muốn mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở 2 không phải dễ dàng khi nhà nước đang cắt giảm chi tiêu công, hạn chế đầu tư nên công tác giải phóng mặt bằng, cấp đất, … gặp nhiều khó khăn.
Vậy nên, muốn đạt được chuẩn quy định trên trong 05 năm nữa, đòi hỏi phải có chính sách của Đảng và Nhà nước mang tính quyết sách để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Thầy Lượng cũng cho rằng, nên có quy định riêng về chuẩn cơ sở vật chất giữa các loại hình đào tạo khác nhau nhằm phù hợp hơn với thực tiễn.
Đơn cử, sinh viên thuộc những ngành đào tạo của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tham gia thực hành, thực tập ở bên ngoài nhà trường như tại các nhà hát, bảo tàng, thư viện, … Do đó sinh viên không cần có phòng thí nghiệm, thực nghiệm, nhà kho, nhà xưởng, … được xây dựng trong trường giống nhiều cơ sở đào tạo kỹ thuật, công nghệ.
Nên xem xét lại thời gian, lộ trình đạt chuẩn cơ sở vật chất
Cũng theo thầy Lượng, nhu cầu xã hội về đào tạo nhân lực trình độ cao ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên khi áp dụng chuẩn và các chế tài xử phạt từ năm 2030, nhiều trường sẽ phải giảm chỉ tiêu do chưa kịp đạt được chuẩn về cơ sở vật chất quy định. Điều này sẽ dẫn tới thiếu hụt đi nguồn nhân lực của thị trường lao động và không đáp ứng được yêu cầu học tập của người học.
Vậy nên, chủ trương hướng tới đạt các chuẩn cơ sở vật chất, cụ thể là về diện tích đất như vậy là đúng nhưng cần phải có lộ trình thực hiện.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho rằng, quy định về diện tích đất 25m2/sinh viên như vậy là khó thực hiện đối với nhiều cơ sở đào tạo, đặc biệt là những cơ sở ở các đô thị lớn vì hiện nay vấn đề đất đai cũng khá khó khăn.
Thầy Phương thông tin, diện tích đất/sinh viên bao hàm nhiều khu vực từ giảng đường đến khu vui chơi giải trí, thể thao, thực hành thí nghiệm, … của sinh viên.
Theo thầy Phương, muốn đạt được chuẩn diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2, cần phải có sự hỗ trợ rất mạnh của chính quyền địa phương như tạo điều kiện giao đất, đầu tư đất để mở rộng cơ sở đào tạo. Ngoài ra cần có sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục đại học.
Theo thầy Phương, hiện nay, ngành giáo dục đang có xu hướng xây dựng các đô thị đại học, từng bước di dời các cơ sở giáo dục đại học đại học ra khỏi nội đô để mở rộng diện tích. Tuy nhiên việc di dời không phải đơn giản bởi liên quan đến vấn đề tạo ra quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, …
Đặc biệt, đối với những cơ sở tự chủ 100% về tài chính, không có đầu tư từ ngân sách Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất thì càng khó mở rộng diện tích hơn. Bởi các trường đại học công lập với nguồn thu như hiện nay để xây dựng được những giảng đường đảm bảo diện tích theo chuẩn cơ sở vật chất cần có quá trình tích lũy tương đối lâu mới đạt được.
Mặt khác, theo thầy Phương, quy định ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt cũng rất khó thực hiện bởi hơi cao với thực trạng hiện nay. Đến năm 2030, có thể không có cơ sở nào đáp ứng được quy định này.
Chính vì vậy, nên kéo dài lộ trình đạt chuẩn thêm khoảng 5 năm so với quy định hiện hành sẽ phù hợp hơn.
“Chúng ta đưa vào quy định nhưng cần có kế hoạch, quy hoạch cụ thể về phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi thực hiện, nâng cấp chứ không thể đưa ra quy định rồi mạnh trường nào trường nấy thực hiện được. Quy định đưa ra cũng cần phải sát với thực tế”, thầy Phương nói.