Quái gở chuyện ăn vàng, uống vàng, làm đẹp bằng vàng

15/05/2011 00:18
Khánh vừa lắc đều chai rượu, bột vàng hòa quyện với rượu, lên màu rất đẹp. Rót ra ly thủy tinh, dưới ánh đèn, rượu sóng sánh cùng vàng.

Không biết từ bao giờ, giới nhà giàu ở Việt Nam bắt đầu quan tâm đến vàng ngoài chuyện trữ vàng hoặc mua vàng trang sức. Vàng hiện diện ở trong lọ kem mỹ phẩm dưỡng da, vàng trong mặt nạ đắp mặt, vàng trong thực phẩm… Và cả vàng trong chai rượu có màu sắc óng ả. Đương nhiên, khi có tiền, người ta có quyền hưởng thụ theo cách của riêng mình.
{iarelatednews articleid='1863,1761,1639'}
Rượu pha vàng, giá bao nhiêu?

Cuối tuần, Khánh "đen", tay Việt kiều ở California mang hai dòng máu Việt - Mỹ gọi điện thoại cho tôi, rủ đi uống rượu. "Là rượu đặc biệt, không phải là rượu anh em mình thường uống đâu. Em rảnh, qua chơi với anh cho vui", Khánh "đen" tranh thủ quảng cáo trước khi cúp máy.

Đến hẹn, bữa rượu có bốn người. Khánh "đen", tôi và hai anh bạn của Khánh. Khánh khui hộp, mang ra chai rượu con con, nhìn sắc nước có cảm giác rất sánh. Dưới đáy chai là một lớp bụi màu vàng, Khánh bảo: "Rượu vàng nguyên chất của Ý, anh mới nhờ bạn xách tay về". Vừa nói, Khánh vừa lắc đều chai rượu, bột vàng hòa quyện với rượu, lên màu rất đẹp. Rót ra ly thủy tinh, dưới ánh đèn, rượu sóng sánh cùng vàng, dễ gây cho người uống cảm giác về một loại mỹ tửu.

Rượu pha vàng.
Rượu pha vàng.


"Uống cái này nghe nói có thể cường dương, đẹp da, đen tóc… Tóm lại là tùm lum công hiệu", Khánh nói khi chạm cốc. Thú thật là uống rượu Tây không pha thêm một ít nước trái cây hay bỏ chút muối nhằm làm dịu rượu, tôi không thích lắm. Nhưng vì cái mã rượu pha vàng, mà mình thì lại tin vào công dụng như Khánh quảng cáo nên cũng chẳng ngần ngại uống cạn ly.

Rượu pha vàng khá nặng, cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài một thoáng lợn cợn ngay cuống họng, rồi thôi. Uống hết chai, Khánh hỏi tôi: "Có thấy gì khác không?". Chẳng lẽ nói ngoài chuyện thấy say say thì chẳng có gì lạ, nên đành chặc lưỡi: "Biết đâu có công dụng vào ngày mai thì sao?". Khánh cười tít mắt: "Đúng, đúng… Về đến nhà sẽ thấy nhiều cái ảo diệu lắm".

Lời của Khánh cứ như lên giây cót cho tôi, vậy mà đợi mãi, đợi mãi… vẫn chẳng thấy rượu pha vàng diệu dụng như lời của Khánh nói. Tên đầy đủ chai rượu thần dược của Khánh là Imported Goldschlager, với độ cồn là 43,5%, thể tích 750ml, xuất xứ từ Ý.

Gọi điện thoại cho một người bạn hiện đang giảng dạy tại Đại học Y dược TP HCM, đem tất cả các khúc mắc về những ly rượu pha vàng hôm trước hỏi, bạn cười ngất bảo: "Thế ông vẫn tin rằng cơ thể chúng ta hấp thụ được kim loại à. Vào đường này, lại ra đường kia. Thế thôi".

Ăn vàng.
Ăn vàng.


Lần mò tìm tư liệu, thấy người ta ghi rằng từ xửa từ xưa các vua chúa Trung Hoa đã có sở thích uống vàng, vàng pha nước gọi là “hoàng kim thủy”, vàng pha trong rượu gọi là “hoàng kim tửu”. Vua chúa uống thứ nước này để hy vọng tác dụng giúp trẻ lâu, cải lão hoàn đồng, trường sinh bất tử... Họ cũng tin rằng người Tây Tạng có loại quà dành cho khách quý là hỗn hợp giữa vàng và thảo dược, công dụng trị bệnh rất hữu hiệu. Là thấy người ta viết thế, kể lại thế, chứ chẳng biết đúng sai như thế nào(!).

Ở nước ta, từ rất lâu vẫn có quan niệm những người bị bệnh phong (cùi) có thể tiết chế sự phát tác của bệnh bằng cách mài vàng hòa với nước để uống.

Không chỉ rượu Tây mới pha vàng, vừa rồi trên mạng Internet ở một website người ta còn mang bán đấu giá chai rượu Sake của Nhật pha vàng với giá khởi điểm là 1 triệu đồng.

Hiện tại, giá rượu pha vàng được bán theo kiểu hàng xách tay từ nước ngoài về giao động từ 3,5 triệu đến 5 triệu. Tuy nhiên, giá của loại rượu mà chúng tôi nắm được sau khi tham khảo từ một người bạn ở Mỹ thì giá rượu này chỉ khoảng…. 20 USD. Có thể nói là… siêu rẻ.

Ông giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Thanh Trúc khẳng định rằng làm gì có chuyện uống rượu vàng để nâng cao sức khỏe. Thông thường, nhà sản xuất sẽ dùng máy nghiền vàng để tạo thành vàng bột rồi bỏ vào rượu, uống loại rượu này thì chủ yếu hên xui, chẳng biết thế nào mà lần.

Theo hiểu biết của ông thì tại nước ta chưa có máy nghiền vàng, nên muốn có vàng bột để pha thì phải mua rượu có xuất xứ từ nước ngoài. Còn rượu pha vàng dạng kéo sợi mỏng, từng lát nhỏ bằng 1/4 móng tay của trẻ em thì… ai làm cũng được.

Vàng để hòa rượu có phải là vàng 24K, tức vàng 9999 hay không thì là chuyện hạ hồi phân giải. Nhưng, với mức giá khoảng 20USD một chai rượu pha vàng được bán tại Mỹ thì quá khó để người thích uống rượu thưởng thức loại vàng có giá trị lớn như vàng 9999.

Uống rượu pha vàng có hiệu ứng tích cực hay tiêu cực về mặt sức khỏe thì cho đến giờ, vẫn chưa thấy nghiên cứu hoặc khẳng định nào đề cập đến. Ngoài những lời đồn thổi về công năng của loại rượu này. Thế nên, vấn đề chính là ai thích uống và đủ tiền mua thì… cứ uống thôi(!).

Hộp bánh trung thu nhân vàng có kèm rượu ngoại.
Hộp bánh trung thu nhân vàng có kèm rượu ngoại.


Đắp mặt nạ vàng, có làm đẹp da(?)

Nhiều hãng mỹ phẩm lớn ở Pháp, Mỹ, Nhật… cũng đưa vàng vào thành phần để điều chế kem dưỡng da dành cho phái nữ. Theo nhà sản xuất thì tính chất hóa học của vàng được sự hỗ trợ của sự ma sát khi xoa bóp sẽ tạo thành dòng chảy ion dưới da, giúp phục hồi các tổn thương da, giữ được sự trẻ đẹp dài lâu, làm da tươi mát, chống lại sự lão hóa.

Quảng cáo bao giờ cũng có tác dụng… hữu hiệu đối với niềm tin của phái đẹp, nên rất nhanh chóng, hàng loạt thẩm mỹ viện, trung tâm spa cũng xuất hiện dịch vụ đắp mặt nạ để có làn da “như da em bé” dành cho quý bà với giá cả rất phải chăng.

Đắp mặt nạ vàng.
Đắp mặt nạ vàng.


Trong vai người chồng muốn tạo bất ngờ cho vợ nhân kỷ niệm một năm ngày cưới, tôi đến tham khảo về giá cả cũng như công dụng của việc đắp mặt nạ vàng tại một trung tâm thẩm mỹ lớn trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM.

Cô nhân viên của trung tâm rất hồ hởi, nói như hát về công dụng của việc đắp mặt nạ vàng. "Anh cứ yên tâm đưa chị đến đây đi. Chỉ sau từ 7 đến 9 lần đắp mặt nạ vàng, em hứa là làn da chị sẽ trở nên khác biệt. Anh nhìn là muốn yêu ngay", cô nói.

"Giá cả thế nào hả em?", tôi hỏi. "Dạ, ngày trước là 2 triệu/lần. Còn giờ thẩm mỹ viện của em giảm giá nên chỉ còn 1 triệu/lần thôi. Tính tổng chi phí nhiều nhất anh chỉ tốn khoảng 10 triệu là chị có một làn da mịn màng ngay", nữ nhân viên này trả lời.

"Nhưng lỡ dị ứng thì sao?". "Trời, vàng của tụi em là vàng 24K mà, anh cứ yên tâm đi. Anh đưa chị đến đây, tụi em sẽ kiểm tra da của chị như thế nào, từ đó mới lựa mặt nạ vàng thích hợp. Bảo đảm là với công nghệ của thẩm mỹ viện, da chị sẽ không xấu đi mà chỉ đẹp hơn thôi. Người ta bây giờ đắp cả bột kim cương hay ngọc trai lên mặt rồi, mà có sao đâu. Anh đừng băn khoăn quá, cứ đưa chị đến đây tụi em làm được hết", cô vừa nói vừa cười rất duyên. Dĩ nhiên, những chuyện liên quan đến khuôn mặt của… phụ nữ là chuyện luôn luôn hệ trọng,  nên tôi bảo với cô nhân viên là sẽ về tham khảo ý kiến của vợ rồi có gì sẽ báo lại. Cô tiễn tôi với lời khẳng định: "Anh thấy da mặt em có tươi trẻ không, chị cũng sẽ được như vậy nếu anh đưa chị đến đây".

Mang chuyện mặt nạ vàng sang hỏi Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ Sài Gòn. Bác sĩ Nguyễn Xuân Cương cho biết khá chi tiết về công dụng của hợp chất kim loại đầy quyến rũ này.

Bác sĩ Cương nói, vàng được dùng trong cơ thể như răng vàng hay trong một số ứng dụng y khoa khác như khi mắt mở quá lớn, các bác sĩ nhãn khoa có thể đặt một mảnh kim loại vàng trên sụn mí, để trọng lượng vàng này tạo sức nặng khiến mắt mở nhỏ đi. Ngoài ra, vàng cũng được dùng trong ngành thẩm mỹ như sợi chỉ vàng xuyên dưới da để nâng đỡ da khi da trở nên mềm nhão, mất sức đàn hồi do thiếu collagen. Vàng cũng được dùng trong  các mặt nạ đắp lên da mặt từ cả ngàn năm trước trong giới vua chúa và quý tộc. Thành phần mặt nạ vàng, gồm có vàng tinh luyện 24K, carbon, oxygen, không chứa các kim loại gây nguy hại như chì hay thủy ngân, chromium, iridium, neodymium. Các thành phần khác: Collagen, hyaluronic acid, aminoacids, glycerin, các vitamin C, E, các tác nhân làm trắng da, nước hoa hồng, trích tinh hạt nho và các tinh dầu thảo mộc, như: bột hạt trai, sâm...

Theo quảng cáo của các nhà sản xuất mặt nạ vàng: Hợp dưỡng chất này có thể thâm nhập sâu vào da nhanh chóng để nuôi dưỡng da và làm ẩm da, kích thích tái tạo tế bào da, trì hoãn lão hóa da và lấy đi các nếp nhăn, làm cho da sáng lên óng ánh, mượt mà...

Tuy nhiên, về hiệu quả của mặt nạ vàng hiện  có nhiều ý kiến khác nhau. Có dư luận cho rằng đó là một kiểu làm đẹp xa xỉ, không cần thiết, ném tiền một cách vô ích của những người giàu.

Về khía cạnh khoa học, vàng là một kim loại trung tính khi xâm nhập vào cơ thể, có nghĩa là nó không tạo nên hiệu ứng kích ứng đối với cơ thể, do đó khi có sự hiện diện của vàng trong da cơ thể người, nó không tác động để tạo nên hiện tượng viêm để tạo ra collagen.  Từ đó nó không góp phần tạo ra sự trẻ trung do tăng sinh collagen. Sợi chỉ vàng dùng trong việc nâng đỡ da là do tác động cơ học của sợi chỉ này mà thôi. Tác dụng trị liệu làm đẹp của mặt nạ vàng là do  các phụ gia như hyaluronic acid, collagen, các vitamin, các chất chống oxy hóa: trích tinh hạt nho, vitamin E, A... Collagen và acid hyaluronic có tính chất nâng đỡ da và sức hút nước cao của acid hyaluronic, do đó da mặt căng lên làm giảm các nếp nhăn. Các thành phần khác làm sáng da (vitamin A).

Vàng trong mặt nạ vàng chỉ có ý nghĩa làm tăng giá thành của sản phẩm và giá trị trong tư tưởng của người dùng  vì nghĩ rằng đó là vàng nên có giá trị cao, và cái gì thuộc về vàng cũng làm tăng giá trị vật chất...

Nếu thực sự vàng có giá trị làm trẻ da và xóa nếp nhăn thì những người có ý định sử dụng nên hỏi thêm các nhà sản xuất mặt nạ vàng về những phụ gia quan trọng mà chính các phụ gia này đã có giá trị cao trong việc làm trẻ da như collagen, acid hyaluronic, vitamin A, C, trích tinh hạt nho, bột hạt trai...

Cách đây vài năm, một nhà hàng sang trọng ở Pháp mang tên Espadon còn cung cấp cho thực khách khẩu phần ăn trị giá 2.000 euro cho hai món ăn liên quan đến vàng, là trứng cá hồi rắc bột vàng và khoai tây rán có dát một lớp vàng mỏng.

Ở Pháp có món ăn trộn vàng thì tại Việt Nam, năm vừa qua cũng bắt đầu bày bán sản phẩm bánh trung thu cao cấp có… trộn vàng. Vàng được làm bánh trung thu theo hai cách, hoặc dát mỏng trộn vào nhân hoặc nghiền thành bột hòa lẫn với đậu xanh, thịt, trứng… Giá cho mỗi chiếc bánh trung thu có vàng dao động từ 2,8 triệu đến 3 triệu/chiếc. Nguồn gốc của loại bánh trung thu này là sự rập khuôn theo model của giới thượng lưu Trung Quốc.

Ngay khi loại bánh này được bày bán, trên truyền thông cũng xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa khi có ý kiến cho rằng đây chỉ là trò khoe mẽ hợm hĩnh của những tay nhà giàu mới nổi…

Được biết, cách đây hơn 5 thế kỷ, giới thượng lưu và vua chúa đã từng ăn vàng, uống vàng với ước mơ về sự vĩnh cửu của sức khỏe. Nhưng cho đến giờ, vẫn chưa có minh chứng nào cho thấy khả năng thần kỳ của vàng khi dùng làm thực phẩm.

Có ai đó tin vàng ngoài giá trị hiện kim còn có giá trị khác về sức khỏe thì cứ việc… sử dụng. Người viết bài  không hề có ý định bài xích sự hưởng thụ chính đáng của những người có tiền.

Theo Ngô Nguyệt Hữu (Cand)