Khảo sát học sinh lớp 12 như thi tốt nghiệp khổ thầy khổ trò để làm gì?

17/04/2022 06:28
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tôi, Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 chỉ tốn thời gian, công sức và làm tăng thêm áp lực cho thầy và trò mà thôi.

Ngày 16/4/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, từ ngày 22 - 23/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 trung học phổ thông và học viên học chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố.

Mục đích của việc tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 để giúp các em chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

Trước đó, ngày 2/4/2022, Tạp chí đã đăng tải bài viết Hòa Bình sẽ tổ chức 2 đợt thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông "để đánh giá chất lượng dạy học và đề ra các biện pháp phù hợp cho công tác ôn tập kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022".

Tôi cho rằng, việc Thành phố Hà Nội nói riêng và một số tỉnh thành trên cả nước nói chung tổ chức kiểm tra khảo sát (hay thi thử) cho học sinh lớp 12 ở thời điểm này là không cần thiết vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, học sinh bậc trung học phổ thông ở Hà Nội được đến trường từ 8/2/2022, kết thúc hơn 8 tháng học trực tuyến phòng dịch. Nhưng sau đó những trường học trong khu vực bị nâng cấp độ dịch lên cấp độ 3 đã tạm ngừng cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 28/2/2022. [1], [2]

Như thế, những quận, huyện bị ảnh hưởng dịch bệnh, cho đến thời điểm giữa tháng 4/2022 thì học sinh đi học trực tiếp chỉ được vài tháng. Trong thời gian này, giáo viên vừa dạy bài mới vừa củng cố bài cũ cho học sinh cuối cấp khiến thầy và trò rất căng thẳng.

Với học sinh có lực học khá, giỏi, các em có thể nắm được trên 80% nội dung bài học. Nhưng với học sinh trung bình, yếu, làm sao các em có đủ kiến thức để làm bài kiểm tra khảo sát cho 6 môn học?

Học sinh làm bài dưới điểm trung bình chắc chắn ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lí, rồi mặc cảm, tự ti với bạn bè. Các em cũng không tránh khỏi nỗi lo bị cha mẹ, thầy cô la rầy vì kết quả làm bài thấp.

Tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 chỉ tốn thời gian, công sức và làm tăng thêm áp lực cho thầy và trò. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 chỉ tốn thời gian, công sức và làm tăng thêm áp lực cho thầy và trò. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Thứ hai, học sinh vừa làm bài khảo sát 6 môn, rồi sau đó các em phải kiểm tra học kì 2 cho cả 13 môn học là rất áp lực. Việc kiểm tra liên tục khiến học sinh không còn thời gian ôn bài, chứ nói gì đến việc luyện tập thể thao hay vui chơi giải trí.

Việc này còn kéo theo giáo viên bộ môn phải làm thêm hàng loạt công việc (nhưng không được nhận thêm lương), đó là ra đề kiểm tra, chấm bài, vô điểm, tổng hợp/phân tích kết quả khảo sát. Khổ nhất là những lớp có nhiều học sinh yếu, kém, có khi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn còn bị lãnh đạo phê bình, nhắc nhở.

Mặc dù Sở Giáo dục Hà Nội không bắt buộc các trường sử dụng điểm kiểm tra khảo sát nhưng có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên (không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ), theo tôi, cũng là một hình thức bắt buộc các em phải tham gia kiểm tra khảo sát đầy đủ.

Bởi, nếu nhà trường không lấy kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên thì sẽ có nhiều học sinh chỉ làm bài đối phó, kể cả không tham gia kì khảo sát này. Trước đây, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh thi thử trước kì thi tốt nghiệp nhưng về sau này đã bỏ cũng vì lí do như thế.

Thứ ba, không cần phải tổ chức kì kiểm tra khảo sát trước kì thi tốt nghiệp vì Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học phổ thông bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.

Như thế để thấy rằng, qua việc đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì, giáo viên bộ môn và lãnh đạo nhà trường cũng đã nắm bắt rất rõ về năng lực học sinh sau mỗi giai đoạn để có phương án dạy học sao cho phù hợp.

Tôi lấy ví dụ, môn Ngữ văn lớp 12 có 4 cột điểm kiểm tra thường xuyên (1 cột điểm miệng, 3 cột điểm 15 phút), 2 cột điểm kiểm tra định kì (1 cột điểm giữa học kì, 1 cột điểm cuối kì) trong 1 học kì. Sáu cột điểm/học kì đủ độ tin cậy hơn rất rất nhiều so với việc học sinh chỉ làm một bài kiểm tra khảo sát.

Thứ tư, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không khuyến khích việc tổ chức thi thử vì trong Luật Giáo dục chỉ có khái niệm thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh, không có khái niệm “thi thử". [3]

Thế nhưng, Bộ Giáo dục lại gợi ý "có thể tổ chức khảo sát để nắm được học sinh ôn tập", vậy nên, theo nhận định của tôi, thời điểm sau năm 2014, nhiều địa phương trên cả nước vẫn lách luật tổ chức cho học sinh "thi thử" dưới danh nghĩa "kiểm tra khảo sát" để không bị dư luận phản ứng.

Thay vì tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12, Sở Giáo dục nên chỉ đạo các nhà trường chỉ tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho các em nhằm phục vụ kì thi "hai trong một" sắp tới là tốt nhất.

Nếu học sinh muốn kiểm tra khảo sát, thầy cô hãy hướng dẫn các em tự tìm trên các trang trực tuyến - có những trang hoàn toàn miễn phí và không giới hạn số lần tham gia làm bài - để vừa thử sức vừa tiết kiệm chi phí.

Hiện nay, việc tổ chức khảo sát cho học sinh lớp 12 vẫn còn quan điểm trái chiều, trong đó một số ý kiến cho rằng, đây cũng là bước “chạy đà” cần thiết để các em rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức còn thiếu trước khi bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời mình.

Riêng tôi thì không đồng ý, bởi tổ chức kiểm tra khảo sát cho học sinh lớp 12 chỉ tốn thời gian, công sức và làm tăng thêm áp lực cho thầy và trò mà thôi. Chỉ cần giáo viên nhiệt tình giảng dạy, học sinh nắm kiến thức vững vàng thì không có gì phải lo lắng cho kì thi tốt nghiệp cả.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vnexpress.net/hoc-sinh-ha-noi-hao-huc-di-hoc-lai-4424975.html

[2] //tuoitre.vn/nhieu-truong-o-ha-noi-lai-tam-ngung-cho-hoc-sinh-hoc-truc-tiep-tu-28-2-2022022712392368.htm

[3] //nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/co-can-thiet-phai-thi-thu-200325

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài