Khi bị ép "đóng góp tự nguyện", phụ huynh đừng im lặng để nhà trường làm sai

27/10/2021 06:51
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không muốn đóng góp kiểu tự nguyện, đừng vì suy nghĩ sợ giáo viên "đì" con mình để đồng ý trong tình thế bắt buộc cũng chính là tạo cơ hội cho nhà trường làm sai.

Báo điện tử VietnamNet ngày 25/10 đưa tin, một lớp học tại trường tiểu học ở Quảng Bình quyên góp tiền từ phụ huynh với mức thấp nhất là 750.000 đồng lớp để mua tivi, điều hòa, tủ sách, ghế, mũ cho học sinh trong lớp đã nhận được phản trái chiều từ phụ huynh và dư luận dẫn đến nhà trường, giáo viên liên tục nhận được điện thoại, tiếp các đoàn thanh tra về làm việc và báo cáo giải trình sự việc.

Nhiều trường hiện nay có khá nhiều khoản thu mang tên tự nguyện (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nhiều trường hiện nay có khá nhiều khoản thu mang tên tự nguyện (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Được biết, do thời tiết nắng nóng, thương con phải ngồi học nóng nực nên phụ huynh thống nhất và đề xuất tự nguyện tài trợ một số điều hòa, tivi nhằm bảo đảm sức khỏe và phục vụ việc dạy học cho học sinh.

+ Phụ huynh đề xuất tài trợ 2 điều hòa, dự kiến khoảng 16 triệu đồng, tivi dự kiến khoảng 8 triệu đồng... để các em được sử dụng từ lớp 1 đến lớp 5. Điều đáng nói là, cả lớp 40/40 phụ huynh đều nhất trí (100%).

Vì sao 100% sự đồng ý của phụ huynh mà sự việc vẫn bị phản ánh?

Một phụ huynh của lớp cho biết: “Vì thời gian nghỉ dịch, gia đình tôi phải đi vay mượn tạm tiền người thân để nộp cho con, lúc nào vợ chồng nhận được tiền hỗ trợ Covid sẽ trả lại. Chúng tôi chuyển tiền vào số tài khoản của cô giáo chủ nhiệm mà cô thông báo trên nhóm”.

Cũng theo phụ huynh, vì cô giáo có ghi lại mức đóng của các nhà và đăng lên nhóm, nên nhiều người phải tìm cách để xoay tiền nộp cho con sớm.(1)

Là giáo viên nên tôi tin chính phụ huynh lớp này đề xuất đóng góp tiền mua trang thiết bị cho lớp.

Cũng chính phụ huynh có sự nhất trí đồng thuận cao, chính họ đưa ra mức đóng góp cho mỗi học sinh chứ hoàn toàn không phải do giáo viên ép buộc.

Biên bản ghi 40/40 là 100% phụ huynh đồng ý cũng là đúng vì trong thực tế, dù không nhất trí nhưng không ít người vẫn giơ tay ủng hộ trong cuộc họp nhưng sau đó thì đi rêu rao hết làng trên xóm dưới.

Sự im lặng của phụ huynh đã tạo cơ hội cho nhà trường làm sai

Là giáo viên nên người viết bài hiểu rất rõ câu chuyện đóng góp tự nguyện và 100% phụ huynh đồng ý là thế nào. Mỗi lớp học thường có một bộ phận phụ huynh kinh tế khá giả, có không ít người khá rộng rãi trong chi tiêu.

Những phụ huynh này, thường thích đóng góp cho lớp thậm chí cho trường để có đầy đủ trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất tốt phục vụ cho con em mình. Bởi thế, trong các cuộc họp phụ huynh lớp, phụ huynh trường, họ thường là người đề xuất ủng hộ, đóng góp, mức đóng góp cũng đưa ra rất nhanh.

Sau những ý kiến ấy, cũng có người đồng tình và ngược lại có không ít phụ huynh gia cảnh túng bấn dù không đồng ý nhưng lại chẳng dám có ý kiến gì. Với suy nghĩ sợ con bị để ý, sợ bị bạn bè khinh khi nên dù mức đóng được đưa ra bao nhiêu cũng cố phải theo nhưng trong lòng ấm ức.

Bao giờ cũng thế, giáo viên vẫn dành khoảng thời gian để phụ huynh có ý kiến nhưng thường chỉ có những phát biểu đồng thuận còn trái chiều gần như không có. Thế nên, biên bản bao giờ chẳng được ghi phụ huynh không có ý kiến gì, và đồng thuận 100%.

Nhiều trường đang lạm dụng khi sử dụng từ "tự nguyện"

Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đóng góp tự nguyện ở nhiều trường học hiện nay. Có người thắc mắc, đã là tự nguyện thì sao lại bị phản ánh? Gọi là tự nguyện, có thì đóng (thậm chí thích thì đóng), không có (không thích) thì thôi.

Nhưng, tự nguyện đóng góp ở trường học hiện nay đã khác xa nghĩa của từ tự nguyện mà chúng ta hiểu. Tự nguyện nhưng áp giá sàn, lại ghi tên người đóng để biểu dương trong hội nhóm lớp, thậm chí còn nhắc nhở những ai chưa đóng, chưa kịp đóng.

Nào là tự nguyện đăng ký học thêm tại trường, tự nguyện đóng góp tiền quỹ lớp, quỹ hội, tiền mua cơ sở vật chất, tự nguyện ủng hộ tiền cho các phong trào học tập và hoạt động, tự nguyện thay đổi đồng phục, tự nguyện mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập…

Nói một cách khách quan, có những phụ huynh đã khởi xướng mọi sự tự nguyện nhưng không ít người trong lòng phản đối nhưng lại không dám có ý kiến. Lợi dụng điều này, một số trường đã xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc trong dư luận.

Chấm dứt tình trạng tự nguyện kiểu bắt buộc không đóng không được như hiện nay, không ai làm tốt hơn các bậc phụ huynh. Với những gia đình khá giả, vài ba trăm ngàn đồng, thậm chí dăm bảy trăm ngàn đồng cũng không là gì nhưng không ít gia đình đó lại là một khoản tiền lớn.

Vì thế, mỗi khi đề xướng đóng góp gì hãy đặt mình vào gia đình những người nghèo khó hiện có nhiều con đi học. Đừng vì chút cao hứng để đẩy một số gia đình vào thế khó, phản đối không được mà cố theo thì khốn khổ.

Với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn hoặc không muốn đóng góp kiểu tự nguyện như này, đừng vì suy nghĩ sợ bị giáo viên "đì" con mình để phải đồng ý trong tình thế bắt buộc cũng chính là tạo cơ hội cho nhà trường làm sai.

Tài liệu tham khảo:

(1)https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/vua-lao-dao-vi-covid-19-phu-huynh-phai-tu-nguyen-mua-dieu-hoa-ti-vi-786540.html#inner-article

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên