Khi được làm bố, tôi mới thấy việc hướng về tổ tiên, gia đình quan trọng ra sao

10/04/2022 07:41
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi bố mất, anh Hùng trở thành trụ cột của gia đình thì mới nhận thấy rõ sự quan trọng của việc hướng về đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

Tiết Thanh Minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên, hướng về đạo lý "uống nước nhớ nguồn”. Đây là phong tục truyền thống đối với mỗi người dân Việt Nam, với những người con xa quê thì đây là dịp để hướng về quê hương.

Sáng thứ Bảy ngày 9/4, anh Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa gia đình đến tảo mộ cho người cha quá cố tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Mông Hóa, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Nhớ về người cha quá cố, anh Hùng kể, bố anh mất cách đây vài năm do căn bệnh ung thư phổi quái ác, khi đó ông gần 60 tuổi.

Anh Hùng đưa gia đình đến thắp hương cho người bố quá cố. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Anh Hùng đưa gia đình đến thắp hương cho người bố quá cố. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Khi ông biết tin mình bị mắc ung thư phổi, ông đã giấu mọi người và tự đi chạy chữa khắp nơi. Tuy nhiên, bệnh tình không đỡ và càng nặng thêm thì gia đình mới biết", anh Hùng nhớ lại.

Người bố của hai con nhỏ chia sẻ thêm, khi bố anh mắc bệnh hiểm nghèo thì vợ anh đang mang bầu đứa con đầu lòng, căn bệnh ung thư quái ác đã không để ông kịp nhìn thấy đứa cháu nội chào đời.

Vì vậy, khi cậu con trai được 2 tuổi thì anh Hùng đã cho con đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên để thăm ông nội vào dịp Tiết Thanh Minh, tưởng nhớ đến người đã khuất và cũng là thực hiện tâm nguyện khi ông còn sống.

Nhớ lúc bố còn sống, ông thường đưa mẹ về Hòa Bình thăm ông nội nhưng khi đó anh Hùng do bận rộn công việc, cuộc sống nên không để ý đến việc này. Tuy nhiên, khi bố mất, anh trở thành trụ cột trong gia đình thì bản thân anh lại thấy sự quan trọng của đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hướng về gia đình và người đã khuất.

Cậu con trai của anh Hùng rót nước để bà nội bày lễ thắp hương cho ông nội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Cậu con trai của anh Hùng rót nước để bà nội bày lễ thắp hương cho ông nội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Đứa con trai lớn của tôi năm nay đã 5 tuổi, còn đứa nhỏ thì hơn 2 tuổi, năm nào tôi cũng cho chúng ra thắp hương cho ông nội vào mỗi dịp lễ tết. Tôi dạy bé chắp tay lạy ông, mong ông phù hộ sức khỏe, cho chúng hay ăn chóng lớn. Sau khi thắp hương cho ông, tôi đưa gia đình về quê nội để thăm họ hàng, để chúng biết yêu quê hương, cội nguồn", anh Hùng chia sẻ.

Cách khu vực nhà anh Hùng không xa là gia đình bà Nguyễn Thị Thu (61 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng đi tảo mộ cho người chồng đã khuất. Bà Thu chia sẻ, một năm bà đến thắp hương cho chồng khoảng 3-4 lần, nhưng lần nào ra đây bà cũng chứng kiến khuôn viên cây xanh được chăm sóc, mộ được thắp hương, bà cảm thấy rất ấm lòng bởi sự phục vụ của nhân viên tại công viên.

Một nữ nhân viên làm việc tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên được 7 năm cho hay, mỗi nhân viên chăm sóc một dãy khoảng hơn 100 ngôi mộ. Công việc hàng ngày của nhân viên thường rất bận rộn như chăm sóc cây cối, tưới cây, thắp hương vào ngày rằm và mùng 1...

Những hàng cây xanh ngát, hoa tươi sắc được nhân viên chăm sóc, tưới tắm hàng ngày. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Những hàng cây xanh ngát, hoa tươi sắc được nhân viên chăm sóc, tưới tắm hàng ngày. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trong nhiều năm làm việc tại đây, có rất nhiều kỉ niệm đẹp đối với nữ nhân viên này, đó có thể là lời khen của khách về hàng cây xanh ngắt, khu phần mộ được chăm sóc sạch sẽ...

Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho hay, dịp Tiết Thanh Minh năm nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân cũng đã đi lại được bình thường nên đến công viên và chùa nhiều hơn.

"Hai năm vừa rồi do dịch bệnh thì việc đi lại cũng hạn chế, nghi thức nghi lễ cũng bị hạn chế, năm nay các gia đình tập trung về làm các công việc tốt hơn", thầy Thích Trí Thịnh chia sẻ.

Đại đức Thịnh cho biết thêm, Tiết thanh minh không chỉ có một ngày nhất định mà kéo dài trong khoảng 15 ngày, vì vậy có thể gọi là Tết Thanh Minh.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng.(Ảnh: Mạnh Đoàn)

Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng.(Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ngày Giỗ Tổ Hùng vương (10/3 âm lịch) hàng năm cũng đúng vào dịp Tiết Thanh Minh, người dân nhân dịp này về thắp hương tại các mộ phần, hướng về cội nguồn, đó cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt, đồng thời việc nhắc nhở cho con cháu thế hệ mai sau hướng về cội nguồn, tổ tiên, ông bà cha mẹ.

"Để gìn giữ bản sắc văn hóa, hướng về cội nguồn, tổ tiên thì các gia đình nên nhắc nhở con cháu ngay tử nhỏ.

Hiện nay có những bạn trẻ vì công việc, cuộc sống nên chưa quan tâm tới tổ tiên, ông bà cha mẹ hay những người còn sống, việc hiếu đạo cũng đã hạn chế do xã hội phát triển.

Chúng ta hướng về cội nguồn có thể bằng cách quan tâm đến cha mẹ, ông bà nếu mà chúng ta không trở về dịp này được, cũng có thể bớt chút thời gian để hỏi thăm. Việc dành thời gian nhất định để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà bằng cái tâm chữ hiếu cũng có thể thực hiện được, chứ không chỉ bằng vật chất", Đại đức Thích Trí Thịnh cho hay.

Một số hình ảnh được ghi nhận tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên dịp Tết Thanh Minh:

Sáng 9/4, dù thời tiết nắng nóng nhưng vẫn có nhiều gia đình về tảo mộ.

Sáng 9/4, dù thời tiết nắng nóng nhưng vẫn có nhiều gia đình về tảo mộ.

Bà Hoàng Khánh Duyên thắp hương cho người mẹ quá cố mất vì căn bệnh ung thư gan.

Bà Hoàng Khánh Duyên thắp hương cho người mẹ quá cố mất vì căn bệnh ung thư gan.

Bà Duyên cầu mong mẹ phù hộ cho gia đình khỏe mạnh.

Bà Duyên cầu mong mẹ phù hộ cho gia đình khỏe mạnh.

Nhân viên chăm sóc cây xanh tại công viên.

Nhân viên chăm sóc cây xanh tại công viên.

Một nữ nhân viên chỉnh ống nước để tưới cây.

Một nữ nhân viên chỉnh ống nước để tưới cây.

Mạnh Đoàn