Cô giáo N. dạy công nghệ cần mua đồ để cho học sinh thực hành; viết đề xuất lên hiệu trưởng, hiệu trưởng bảo sang liên hệ với kế toán mới đổi về trường.
Kế toán đọc đơn, bảo ra cửa hàng A lấy đồ về dạy, đừng hỏi giá. Cuối học kì này, kế toán đưa hóa đơn đỏ về, bảo N. ký nhận, N. đọc hóa đơn, thấy giá đều đội lên gấp đôi so với thực tế, kiên quyết không chịu ký, một “cuộc chiến” nảy lửa xảy ra; những người “biết” đều khuyên N. ký đại cho xong chuyện.
Trong trường, tất cả các bộ phận mua, sắm chẳng cần hỏi hiệu trưởng, cứ đưa thẳng đề xuất cho kế toán; kế toán bảo mua đâu, đến đó mua; cuối tháng, kế toán đưa “phiếu đỏ” cho ký; ai cũng biết giá cả đội gấp đôi, nhưng đành “bút sa”.
Lúc này, chuyện liên quan kế toán trường mới được mọi người bàn tán; đó là “chiêu trò” của kế toán này ở các trường đã từng làm việc. Dù có nhiều đơn tố cáo, nhưng sau khi thanh tra, các hóa đơn đều do người khác đứng tên, đâu phải kế toán!
Làm thế nào để phòng, chống tham nhũng tại trường học? (Ảnh minh họa: Thanhtra.com.vn) |
Thế nên thanh tra kết luận “Thu, chi đúng nguyên tắc, không có dấu hiệu tham ô, tham nhũng”. Vì thế, đi đến trường nào, trường đó đều biết là kế toán tham ô, nhưng đành chịu. Nhìn vào kế toán, xe đẹp, nhà to, ai cũng hiểu tiền đâu ra!
Điều mà phần lớn các hiệu trưởng sợ, không phải ai cũng biết, thật lòng tâm sự hiệu trưởng sợ nhất là công tác quản lý tài chính.
Khi mới nhận chức, hiệu trưởng mới thường “học hỏi” các hiệu trưởng kì cựu; phần đa sau một thời gian “con ong đã rõ đường đi lối về”; hiệu trưởng thực sự là chủ tài khoản.
Thế nhưng có những kế toán có nhiều “chiêu trò”, đổi đến trường nào, trường đó y như là có sự thay đổi; hiệu trưởng chuyển sang chế độ “hữu danh vô thực”; chủ tài khoản “thực sự” là kế toán!
Đặc điểm chung của những “kế toán chủ tài khoản” là có “thân thế”, “quan hệ rộng”, có trình độ “lách luật” cao siêu; “giỏi làm kinh tế”, nuôi gà đẻ trứng vàng; đi đến trường nào giáo viên chỉ biết hát bài “khổ lắm”, tiền tăng thu nhập cuối năm giảm dần về “sát đáy”.
Kế toán có “ăn” một mình?
Hiệu trưởng không được hách dịch, cửa quyền, trù dập, bưng bít |
Với cơ chế hiện nay, mua hàng từ 100.000 đồng trở lên đều chuyển khoản; người bán hàng phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng (hay gọi là hóa đơn đỏ).
Nhìn qua có thể chặt chẽ, kế toán, hiệu trưởng không tham nhũng được, vì không có tiền mặt nhưng thực tế hoàn toàn khác.
Người bán, muốn bán được hàng nên viết hóa đơn theo yêu cầu của người mua từ số lượng đến giá cả; sau khi trừ số tiền thực sự mua, số tiền kê lên phải chịu thuế 10%; chuyển khoản xong, kế toán cứ đến lấy số tiền chênh lệch còn dư; không muốn để lại “dấu vết” nên số tiền dư đều là tiền mặt.
Hiệu trưởng có biết không? Nói không thì xúc phạm hiệu trưởng quá, vậy tại sao hiệu trưởng vẫn ký chuyển khoản tiền? Tất nhiên hiệu trưởng và kế toán đã “ăn chia” sòng phẳng “tất tay” với nhau rồi.
Những địa phương “nghèo”, ngân sách chỉ đủ chi lương giáo viên, cuối năm chưa bao giờ có khái niệm “tiền thu nhập tăng thêm”, “tiết kiệm chi”.
Những địa phương “ngân sách dồi dào”, cuối năm ngân sách, nhìn vào số tiền thu nhập tăng thêm của giáo viên, người ta biết ngay tâm và tầm của hiệu trưởng.
Những trường nào mà “kế toán là chủ tài khoản”, giáo viên chỉ hát bài “ngậm ngùi”.
Phải làm sao khi gặp “kế toán là chủ tài khoản”?
Để quản lý được ngân sách đơn vị không bị thất thoát, vai trò của công đoàn, thanh tra nhân dân, chi bộ phải phát huy trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Đề nghị kiểm tra tài chính hàng tháng, nếu có chênh lệch giá cả thực tế và hóa đơn, yêu cầu hiệu trưởng xác minh; nếu sai thực tế cần đề xuất cấp trên không quyết toán.
Công đoàn, thanh tra nhân dân phải đủ bản lĩnh bảo vệ người lao động, có như thế những “người thế thân” mới kiên quyết không ký vào hóa đơn mua hàng.
Không có “người thế thân”, không lách luật được, kế toán không thể làm chủ tài khoản được.