Thiếu nhiều giáo viên nhưng khi tuyển dụng biên chế lại rất ít thí sinh tham gia

12/08/2022 06:35
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, có cử nhân hệ mầm non ra trường nhưng không đi dạy vì cơ hội việc làm và mức thu nhập chưa đáp ứng được kỳ vọng của các em.

Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo thuận lợi trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, chính sách này cũng giúp các trường đào tạo ngành sư phạm có sự chuẩn bị tốt trong việc đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên. Thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm cũng yên tâm, thấy được cơ hội việc làm mở rộng sau khi được đào tạo.

“Ngay từ năm đầu thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, Trường Đại học Hùng Vương đã được tỉnh Phú Thọ giao chỉ tiêu đặt hàng đào tạo giáo viên. Năm 2021, tỉnh đặt hàng 80 chỉ tiêu đào tạo, năm 2022 đã tăng lên 225 chỉ tiêu. Điều này chứng tỏ số lượng đặt hàng đào tạo giáo viên của tỉnh ngày càng bám sát thực tiễn hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, có một số địa phương khác cũng đang trong quá trình tìm hiểu về vấn đề đào tạo giáo viên của trường. Trong đó, tỉnh Hà Giang đã có đề xuất đặt hàng đào tạo giáo viên tiếng Anh", Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh thông tin.

Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hùng Vương, chủ trương bổ sung biên chế giáo viên kết hợp với Nghị định 116 đang tạo những khởi sắc quan trọng trong việc đào tạo giáo viên của các trường có ngành sư phạm.

“Chắc chắn ngành sư phạm sẽ thu hút được thí sinh giỏi vào học. Các trường đào tạo ngành sư phạm theo Nghị định 116 trên cơ sở nhu cầu của địa phương, vì vậy đầu ra sát với thực tế và nằm trong lộ trình có sẵn của các cơ quan quản lý nên sinh viên sư phạm có thể yên tâm về cơ hội việc làm sau này”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ, đào tạo giáo viên phụ thuộc vào nhu cầu của các địa phương nên việc tăng biên chế vừa tạo điều kiện cho các trường có đào tạo giáo viên vừa tăng cơ hội cho các em theo học khối ngành sư phạm.

Hiện nay, nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Vì thế, bổ sung biên chế giáo viên là chính sách đúng đắn và nhân văn để xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là tăng biên chế nhưng phân bổ như thế nào giữa các tỉnh, thành. Ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ tăng dân số cơ học rất nhanh nên áp lực về đội ngũ giáo viên ở vùng đó lớn, đồng nghĩa với việc các vùng này nhu cầu bổ sung giáo viên qua hàng năm lớn hơn và thay đổi nhiều hơn so với các địa phương khác.

Phân bổ không phù hợp có thể dẫn tới việc: có trường dù có ngành sư phạm nhưng nhiều đơn vị không đặt hàng, có trường lại quá tải người học. Chính vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để phân bổ hợp lý”, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp nói.

Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh:Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á

Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh:Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, đầu vào của các ngành sư phạm hiện đang khá cao. Có những ngành để tuyển được người học đáp ứng đầy đủ các tiêu chí rất khó, ví dụ như ngành giáo dục mầm non. Những thí sinh đăng ký vào ngành này phải đáp ứng yêu cầu điểm số đầu vào, phải thực sự yêu nghề nhưng thu nhập sau khi ra trường lại thấp. Vì thế, tuyển sinh ngành giáo dục mầm non rõ ràng còn gặp nhiều khó khăn do người học không mặn mà.

“Tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và một số khu vực lân cận thiếu nhiều giáo viên mầm non. Thế nhưng khi tuyển dụng biên chế lại rất thí sinh tham gia. Nguyên nhân là chỉ tiêu sư phạm đào tạo ngành giáo dục mầm non theo sự phân bổ không nhiều nên khan hiếm nguồn tuyển dụng biên chế. Chưa kể, có cử nhân hệ mầm non ra trường nhưng không đi dạy vì cơ hội việc làm và mức thu nhập chưa đáp ứng được kỳ vọng của các em.

Từ thực tế như trên, tôi kiến nghị ngoài chính sách đầu vào thì Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng phải tạo điều kiện, thêm nhiều chính sách hỗ trợ đầu ra với sinh viên ngành sư phạm như việc làm, thu nhập”, Tiến sĩ Ngô Hồng Điệp nói.

Hiện tại, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Đại học Thủ Dầu Một cập nhật liên tục, bám sát sự thay đổi của chương trình và sách giáo khoa mới. Trường cũng triển khai các phương pháp giảng dạy tiên tiến, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc giảng dạy, có đối sánh, học hỏi và áp dụng nhiều yếu tố tiến bộ của chương trình nước ngoài để đào tạo ra những giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình mới.

Anh Trang