Không cho nữ sinh chuyển lớp, về lý THPT chuyên ĐH Vinh không sai nhưng...

22/04/2023 06:38
Kim Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, trong môi trường giáo dục, cần chú trọng hơn giáo dục bằng tình thương, bằng sự thấu hiểu, đồng hành cùng các em.

Câu chuyện nữ sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường đang nhận được sự quan tâm, đồng cảm từ dư luận.

Dù nghi vấn nữ sinh bị cô lập, áp đảo tâm lý dẫn tới cái kết đau lòng vẫn chưa được làm rõ, song, vấn nạn bạo lực học đường đang là bài toán cấp thiết cần giải quyết của ngành giáo dục hiện nay.

Cũng qua nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra, nhiều người đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm đối với những người liên quan khi để bạo lực học đường xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, bạo lực học đường đã xảy ra trong nhiều năm qua với nhiều vụ việc nghiêm trọng, điều đáng tiếc là chưa có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ của toàn xã hội, ngành giáo dục, nhà trường và gia đình. Vì vậy mới dẫn đến những câu chuyện với cái kết đau lòng.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: KN

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: KN

Trong vụ nữ sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bị bạo lực học đường, theo chia sẻ của gia đình, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, thì chính học sinh đã nhiều lần nêu mong muốn, nguyện vọng được chuyển lớp nhưng không được chấp thuận.

Lý do thầy hiệu trưởng đưa ra là do thực hiện chương trình mới, mỗi lớp ngoài các môn bắt buộc còn có các môn lựa chọn do học sinh đăng ký và không giống nhau giữa các lớp.

Bên cạnh đó, thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định giải quyết các trường hợp xin chuyển lớp sau khi hoàn thành năm học để đảm bảo trong công tác kiểm tra, đánh giá, trừ trường hợp đặc biệt. [1]

Theo cô Bùi Thị An, về lý các thầy cô có thể không sai, ở chỗ họ muốn làm theo quy định. Nhưng với trách nhiệm của một người thầy, người cô, của một nhà giáo dục, thầy cô phải có sự nhạy bén, linh hoạt, mềm dẻo để xử lý vấn đề. Chính vì thầy cô làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu sự lắng nghe, chia sẻ, thiếu sự linh hoạt nên trong vụ việc này đã để lại hệ luỵ vô cùng lớn.

“Dù về lý thầy cô có thể không sai nhưng về tình thì day dứt vô cùng. Đối tượng của giáo dục chính là con người, chính vì vậy là lãnh đạo, giáo viên, chúng ta không nên cứng nhắc, phải hiểu tâm lý học sinh, phải biết chia sẻ, lắng nghe tâm tư của học trò để có hướng xử lý linh hoạt.

Qua đây, các trường cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc, trong môi trường giáo dục, cần chú trọng hơn giáo dục bằng tình thương, thấu hiểu, đồng hành cùng các em và đề cao giáo dục bằng trách nhiệm, thực hiện đúng vai trò “trồng người”, Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ.

Cũng theo quan điểm của cô An, những năm qua, nhiều vụ bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra, để lại nhiều tổn thương cho học sinh, gia đình và xã hội, có những vụ việc còn gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Đã đến lúc cần có quy định xử lý mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường. Nếu nhà trường tắc trách để xảy ra bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu, trước hết là Hiệu trưởng cơ sở giáo dục và đào tạo.

Giáo dục là một ngành đặc thù, liên quan đến con người, đến tâm lý, tính cách, phẩm chất, đạo đức của con người, chúng ta không thể cứng nhắc trong công việc, thiếu trách nhiệm với học trò.

“Qua vụ việc này, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có những phương án cụ thể, có giải pháp, từ việc nghiên cứu, dự báo đến biện pháp ngăn chặn những nguy cơ bạo lực học đường.

Ngành giáo dục cần làm tốt hơn công tác nghiên cứu tâm lý lứa tuổi học sinh, để từ đó xây dựng văn hoá học đường, tạo được mối quan hệ ứng xử tốt giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau.

Đặc biệt, ở mỗi địa phương và ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của học sinh, của người dân về bạo lực học đường.

Để những nạn nhân của bạo lực học đường có cơ hội được chia sẻ, được lắng nghe, được hỗ trợ kịp thời và được bảo vệ, tránh được những tổn thương về tinh thần và về thể chất”, cô An cho biết.

Cần thiết lập mạng lưới hỗ trợ trẻ em, vị thành niên có nguy cơ bị bạo lực học đường

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ - Nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, câu chuyện nữ sinh trường chuyên tự tử nghi do bạo lực học đường khiến chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến việc rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng đồng hành, hỗ trợ và lắng nghe học sinh dành cho giáo viên cũng như phụ huynh.

Cần phải nâng cao được nhận thức của phụ huynh, giáo viên và cả học sinh về vấn nạn bạo lực học đường và cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp.

“Có thể công tác tư vấn tâm lý học đường ở ngôi trường đó làm chưa hiệu quả, nhưng không có nghĩa là đơn vị khác làm không hiệu quả? Nếu không tìm được sự trợ giúp trong trường thì phải tìm ở nơi khác, thậm chí cả tìm kiếm từ các nền tảng trực tuyến cũng cần phải xem xét.

Điều quan trọng là phải mở rộng được mạng lưới hỗ trợ, các đường dây nóng hỗ trợ học sinh bị bạo lực học đường hoặc có nhu cầu trợ giúp tâm lý, để các em không chọn hướng giải quyết cuối cùng là kết thúc cuộc đời của mình”, thầy Vũ cho biết.

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ thông tin thêm, hệ lụy trong cuộc sống của các nạn nhân bị bạo lực học đường là khác nhau vì mỗi cá nhân sẽ có cách tiếp nhận, đương đầu và xử lý tổn thương tâm lý do bạo lực học đường gây ra khác nhau.

Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là gia tăng nguy cơ về thực hiện hành vi tự sát ở những cá nhân bị bạo lực học đường vì không thể kiểm soát, chịu đựng được sự “khắc nghiệt” trong đời sống tinh thần cũng như sự “dày vò”, “làm ngơ” của bạn bè, thầy cô giáo, gia đình chưa trợ giúp hiệu quả…

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân - Nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là phải tiếp tục nâng cao nhận thức về bạo lực học đường, tổn thương tâm lý do bị bạo lực học đường, cách nhận biết và ứng phó với bạo lực học đường, tư vấn tâm lý cho học sinh bị bạo lực học đường … của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trường học, phụ huynh học sinh, người làm công tác tư vấn tâm lý học đường… để họ hiểu đúng và biết cách ứng phó phù hợp với bạo lực học đường.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân - Nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Huân - Nhóm Nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng như các trường đại học có đào tạo ngành Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Công tác xã hội nên tăng cường các hoạt động hỗ trợ cộng đồng để thiết lập được mạng lưới hỗ trợ trẻ em, vị thành niên có nguy cơ bị bạo lực học đường cũng như triển khai các nghiên cứu trọng điểm về một mô hình phòng ngừa bạo lực học đường đáp ứng yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cần làm tốt 3 công tác tư vấn tâm lý học đường trọng điểm: sàng lọc những đối tượng học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, phòng ngừa bằng giáo dục kỹ năng và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến bạo lực học đường, và can thiệp tâm lý chuyên sâu dành cho nhóm đối tượng bị tổn thương tâm lý do bị bạo lực học đường để hỗ trợ các em một cách tốt nhất.

Khi và chỉ khi công tác tư vấn tâm lý học đường được quan tâm và đẩy mạnh, cũng như được nhìn nhận như một điều kiện cần để phòng ngừa bạo lực học đường thì khi đó chúng ta mới có được những yếu tố mang chất “đủ” để đẩy lùi vấn nạn này.

Nhưng như đã nói phải tổng hòa sức mạnh của việc tổ chức hoạt động giáo dục, dạy học trong trường và giáo dục gia đình, cộng đồng mới có thể đảm bảo đạt được mục tiêu.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/vu-nu-sinh-lop-10-tu-tu-tai-sao-nha-truong-khongchuyen-lop-2023041816443138.htm

Trong 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục – Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 về thực trạng bắt nạt trực tuyến trên 1302 học sinh Việt Nam cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy, 60.8% học sinh báo cáo rằng đã từng ít nhất 1 lần thực hiện bắt nạt trực tuyến bạn bè của mình bằng những hình thức khác nhau như nói xấu trên mạng, bình luận ác ý, lập group nói xấu nhau, gửi tin nhắn “khủng bố” qua mạng xã hội, đánh cắp mật khẩu, đặt biệt danh “xấu”, đăng hình nhạy cảm của bạn lên mạng xã hội, đặt điều không đúng về bạn của mình trên các nền tảng trực tuyến… và 51.7% trong số này báo cáo rằng mình đã bị bắt nạt trực tuyến ít nhất một lần trong đời.

"Đây là những con số đáng báo động về thực trạng bắt nạt trực tuyến hiện nay và nó cảnh báo rằng, bạo lực học đường đã không còn là những “tác động vật lý” nữa, mà đã “biến tướng” trở thành một “tác động tinh thần” một cách toàn diện trên mọi nền tảng thời 4.0.

Trước thực trạng này, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn trong việc triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, nhất là các chương trình phòng ngừa tâm lý học đường để trang bị cho các em học sinh hiểu biết đúng và cách ứng phó phù hợp với vấn nạn này", Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cho hay.

Kim Ngân