Không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, tổng thu năm 2022 của Trường Đại học Y dược Thái Bình là 135,8 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí là 129 tỷ đồng (chiếm 94,99%); thu từ nguồn thu hợp pháp khác là 6,8 tỷ đồng (chiếm 5%). Đáng chú ý nhà trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Căn cứ vào Tiêu chuẩn 6 “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực ngày 22/3/2024) về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%”.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên – Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Trường Đại học Y Dược Thái Bình) cho biết: Từ năm 2022, các nguồn thu khác ngoài học phí của trường gặp một số khó khăn. Theo chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của nhà trường đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì các nghiên cứu khoa học của trường chủ yếu là theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng trong khám, điều trị, phòng bệnh và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Ngoài ra còn có các nghiên cứu cải tiến trong hoạt động đào tạo phục vụ giảng viên và người học.
Chính vì thế, nhà trường ít có những sản phẩm nghiên cứu mang tính tạo ra sản phẩm mới, chuyển giao cho các doanh nghiệp để mang lại nguồn thu. Một số nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới chủ yếu là công nghiệp dược, hóa dược từ khoa dược và bộ môn hóa học, trung tâm kỹ thuật y dược.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết thêm, việc chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu về công nghiệp hóa dược của trường chưa phổ biến do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là khó khăn trong việc quản lý, xin bản quyền sở hữu trí tuệ. Thứ hai là cơ chế quản lý và việc thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc trường để chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu khoa học còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các sản phẩm nghiên cứu khoa của trường vẫn còn ít. Các kết quả nghiên cứu cũng chưa đưa ra được thị trường nên chưa thể tăng thêm nguồn thu vào tổng doanh thu của trường.
Thạc sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung – Trưởng phòng Tài chính Kế toán (Trường Đại học Y Dược Thái Bình) lý giải thêm về việc trường không có nguồn thu về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Theo đó, tổng thu năm 2022 của trường là 135,8 tỷ đồng. Thời điểm báo cáo 3 công khai nhà trường chưa cộng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học. Bởi trong thời gian qua nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của trường chủ yếu từ các hợp đồng, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh, hoặc hợp đồng với các công ty. Toàn bộ phần kinh phí đó nhà trường sử dụng vào việc chi cho những nội dung trong hợp đồng nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, khi tổng hợp tổng nguồn thu tài chính, bộ phận kế toán theo cách hiểu là không đưa vào tổng nguồn thu chung giống như học phí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh mà tính riêng.
Thực tế, năm 2022, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của nhà trường là 4,3 tỷ đồng. Như vậy, sau khi cộng cả nguồn thu này thì tổng thu của trường năm 2022 là 140,1 tỷ đồng. Khi tính ra tỷ lệ % thì nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm 3,1% trên tổng nguồn thu.
Trong thời gian sắp tới nhà trường cũng có những định hướng, kế hoạch để phát triển hơn hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để đem lại nguồn thu. Ngoài ra, nguồn thu về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các năm khác của trường cũng dao động từ 4-6 tỷ đồng.
Diện tích đất/sinh viên chưa đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, diện tích đất/ sinh viên của trường là 14,86m2/ sinh viên. Trong khi đó theo Tiêu chuẩn 3 cơ sở vật chất của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học yêu cầu "Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2"
Chia sẻ về vấn đề này, Kỹ sư Bùi Xuân Tuyên – Trưởng phòng Quản trị (Trường Đại học Y Dược Thái Bình) bày tỏ: Hiện nay nhiều trường đại học có diện tích đất bình quân/ sinh viên thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu đặt ra của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Đây là thực trạng chung của rất nhiều cơ sở giáo dục đại học. Với Trường Đại học Y Dược Thái Bình diện tích đất/ sinh viên của trường là 14,86m2/ sinh viên cũng thấp hơn so với quy định.
Trước thực trạng này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát triển trong giai đoạn từ năm 2021-2025. Trong đó, đối với chỉ tiêu về xây dựng cơ sở vật chất trường cũng xin được cấp đất để mở rộng diện tích đất xây dựng với một số hạng mục công trình như: thư viện, ký túc xá, bệnh viện thực hành… để đảm bảo quy chuẩn so với số lượng người học.
Kỹ sư Bùi Xuân Tuyên cũng thông tin thêm: Ngày 23/9/2021, nhà trường đã có văn bản số 1037 về việc xin cấp đất để mở rộng Trường Đại học Y dược Thái Bình và Bệnh viện Đại học Y Thái Bình với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình (2 khu đất hơn 5 ha). Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng giao cho Sở Xây dựng và xin ý kiến của các sở, ban, ngành,... nhưng đến nay đề xuất xin cấp đất của trường vẫn chưa được chấp thuận.
Trong thời sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục đề xuất lên Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình để xin được cấp đất mở rộng diện tích xây dựng trường và bệnh viện trường. Từ đó đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh.
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, nhà trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên – Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Trường Đại học Y Dược Thái Bình) cũng bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề này và cho rằng đó là khó khăn chung của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường y dược.
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng không riêng gì Trường Đại học Y dược Thái Bình mà các trường đại học thuộc khối ngành y dược cũng như nhiều trường đại học khác khó mà đạt được con số nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm 5% trên tổng nguồn thu của trường”, Tiến sĩ Kiên nêu quan điểm.
Đề ra các giải pháp tăng nguồn thu
Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên – Trưởng phòng Quản lý Khoa học thông tin: Theo chiến lược phát triển khoa học công nghệ của trường, mục tiêu chung là tập trung phát triển chuyên sâu nghiên cứu khoa học phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Để tăng các nguồn thu khác ngoài học phí đặc biệt là nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các hoạt động phối kết hợp với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong thời gian tới nhà trường sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp:
Thứ nhất, nhà trường đã thành lập trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật y dược để phát triển và đưa ra thị trường các sản phẩm khoa học công nghệ từ các đề tài nghiên cứu trong thời gian tới.
Thứ hai, từ năm học 2023-2024, nhà trường tập trung xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, nhóm nghiên cứu trọng điểm để xây dựng đăng ký, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu, trọng điểm và các đề tài thuộc các chương trình khoa học công nghệ quốc gia với nguồn kinh phí cao, tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng. Từ đó đưa vào sản xuất và phát triển ra thị trường.
Nhà trường đã xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia theo các chương trình KC là khoa học công nghệ liên quan đến khối ngành sức khỏe như KC10 liên quan đến khối y, KC11 liên quan đến khối dược và KC4.0 liên quan đến ứng dụng internet, công nghệ thông tin trong khám, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh từ xa.
Nhà trường cũng đã xây dựng và nộp đăng ký đề xuất xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ lên Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện tại 3 đề xuất của trường đã được đưa vào danh mục đề tài tham gia tuyển chọn theo các chương trình KC của Bộ Khoa học và Công nghệ. Và mỗi đề xuất dự kiến kinh phí thực hiện trung bình từ 5-20 tỷ đồng/ 1 đề tài. Nếu như trường đăng ký tham gia tuyển chọn và thực hiện được đề tài thì cũng là một nguồn thu rất lớn cho nhà trường trong thời gian sắp tới.
Thứ ba, nhà trường đã thành lập trung tâm thử nghiệm lâm sàng. Trung tâm này có đội ngũ khoa học công nghệ và cán bộ y tế được cấp phép, đón đầu thực hiện các đề tài nghiên cứu, đặc biệt là đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm vacxin, nghiên cứu ứng dụng các phương pháp mới trong khám sàng lọc và điều trị cho người bệnh. Những đề tài thử nghiệm lâm sàng cũng là những đề tài có kinh phí lớn từ Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ hoặc từ các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Thứ tư, nhà trường đang xây dựng đề án xưởng sản xuất công nghiệp dược với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng cho việc nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm khoa công nghệ mới, đặc biệt là trong công nghiệp hóa dược và có những sản phẩm phối, kết hợp với các doanh nghiệp. Từ đó, thương mại hóa được sản phẩm nhằm tăng nguồn thu từ khoa học công nghệ cho nhà trường.
Trước đây, nhà trường cũng từng có nguồn thu từ các sản phẩm khoa học công nghệ. Tuy nhiên, từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các chuỗi cung ứng về nguyên vật liệu sản xuất đều bị gián đoạn. Từ thời điểm ấy, nhiều sản phẩm bị dừng không thể sản xuất tiếp. Đến thời điểm hiện tại cũng chưa thể phục hồi khiến nhà trường bị giảm nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp quốc gia nếu muốn tham gia cũng gặp rất khó khăn vì phải đấu thầu. Nhà trường cũng lập kế hoạch rất nhiều ý tưởng, có ý tưởng cấp quốc gia theo định hướng chung của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng để triển khai được còn rất nhiều khó khăn khác.
Đối với các đề tài cấp tỉnh, nguồn ngân sách tỉnh phân bổ cho Sở Khoa học và Công nghệ còn hạn chế. Trên nguồn ngân sách đó sở còn phải phân bổ cho từng ngành và lĩnh vực khác chứ không chỉ dành riêng cho ngành Y. Chính vì thế, một năm chỉ có thể tối đa khoảng 4 đề tài cấp tỉnh, kinh phí nhiều nhất cũng chỉ khoảng 500-700 triệu đồng/1 đề tài. Do đó hoạt động khoa học công nghệ đôi khi chưa đạt được kỳ vọng của nhà trường.