Không còn chỉ tiêu hạng cao hơn, GV có thành tích làm sao để được thăng hạng?

23/08/2024 06:42
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có thầy cô giáo trăn trở, đến bao giờ giáo viên hạng III như chúng tôi mới được nằm trong diện xét thăng hạng khi giáo viên giữ chức danh hạng II đã đủ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 có khá nhiều điểm mới so với dự thảo lần 3 đã công bố trước đó. Trong những điểm mới, có 2 vấn đề được nhiều thầy cô quan tâm nhất, đó là quy định “Chức danh nhà giáo” và “Chế độ làm việc của nhà giáo”.

Ưu điểm nổi bật của quy định lần này, đó là quyền lợi của nhà giáo đã được quan tâm đúng mức. Từ đó, khuyến khích được các thầy cô nỗ lực nhiều hơn trong công tác. Tuy nhiên, vẫn còn đó khá nhiều băn khoăn mong được tháo gỡ.

gdvn_htrchuchs4.jpg
Ảnh minh họa: Việt Dũng

Những điểm mới khuyến khích giáo viên nỗ lực trong công việc

Điểm b, Khoản 4, Điều 14 về việc bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo, quy định: "Nhà giáo được bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn liền kề khi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn liền kề hạng chức danh đang giữ;..".

Điểm c, Khoản 7, Điều 32 chế độ làm việc của nhà giáo quy định: "Người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục và có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp được cơ sở giáo dục xem xét đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn;...".

Đủ tiêu chuẩn, có thành tích đặc biệt có được thăng hạng?

Nhiều thầy cô giáo đã rất vui mừng trước những quy định mới trong dự thảo Luật Nhà giáo lần 3. Rõ ràng cả 2 quy định trên, sẽ khuyến khích được giáo viên nỗ lực nhiều hơn trong công việc, đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy để được xét thăng hạng hoặc được đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn (liền kề hạng đang giữ).

Thăng hạng cao hơn đồng nghĩa với việc được điều chỉnh hệ số lương, thu nhập sẽ cao hơn. Điều này, sẽ tạo thêm động lực để nhiều thầy cô nỗ lực hết mình với mong muốn được cải thiện hạng chức danh của bản thân.

Sau những mừng vui là sự băn khoăn, trăn trở, có phải cứ được đánh giá đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn liền kề hạng chức danh đang giữ là sẽ được xét thăng hạng?

Hoặc, cứ có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục và có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp là được cơ sở giáo dục xem xét đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn?

Liệu có bị quy định về chỉ tiêu từng hạng khống chế?

Hiện nay, việc thăng hạng của giáo viên ở các cơ sở giáo dục ngày càng trở nên khó khăn do bị khống chế chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Văn bản số 64/BNV-CCVC có hiệu lực từ ngày 05/01/2024 đưa ra việc khống chế chỉ tiêu các hạng. Theo đó:

“Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2):

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4):

Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%. [1]

Trong thực tế hiện nay, ở nhiều trường học, có không ít giáo viên đã đủ, thậm chí thừa tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn cũng như có những thầy cô giáo đã xuất sắc đạt được những thành tích trong hoạt động giảng dạy nhưng vẫn không được xét hoặc đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn vì đơn vị đã hết chỉ tiêu hạng 1, hạng 2.

Ngay ở trường người viết, hiện có khoảng 6 giáo viên đang ở chức danh hạng III. Trong số đó, có 2 người là tổ trưởng chuyên môn, 1 người là chủ tịch công đoàn. Những giáo viên này không chỉ có chuyên môn vững vàng còn đạt được thành tích trong giảng dạy như giáo viên dạy giỏi (chủ nhiệm giỏi) cấp trường, cấp thị xã.

Tuy thế, trong đợt xét thăng hạng chức danh vừa qua của thị xã, trường tôi không được phân bố chỉ tiêu xét thăng hạng II cho những thầy cô giáo này. Lý do được đưa ra, số lượng giáo viên tiểu học hạng II của trường đã vượt chỉ tiêu 50% theo quy định.

Có thầy cô giáo trăn trở, đến bao giờ giáo viên hạng III như chúng tôi mới được nằm trong diện xét thăng hạng khi giáo viên giữ chức danh hạng II đã đủ?

Vì thế, nhiều thầy cô giáo băn khoăn tự hỏi, những quy định thăng hạng trong dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 liệu có bị những quy định về chỉ tiêu trong Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ khống chế?

Nếu giới hạn chỉ tiêu như hiện nay, vậy những giáo viên hạng cao nếu không đảm bảo các yêu cầu công việc của hạng đó có nên bị xuống hạng không? Làm sao để việc phân hạng với giáo viên để giúp thầy cô luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu, xóa bỏ tư tưởng yên vị.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Bo-may-hanh-chinh/Cong-van-64-BNV-CCVC-2024-xac-dinh-co-cau-ngach-cong-chuc-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-595520.aspx

Đỗ Quyên