Khi cơ quan điều tra thông tin danh dách 64 học sinh ở Hòa Bình, 44 thí sinh ở Sơn La đã được sửa điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 khiến nhiều người mừng rỡ bởi đã tìm được những thí sinh vi phạm trong kỳ thi.
Nhưng, ngành giáo dục và cơ quan chức năng cứ lần lữa việc công bố danh sách số thí sinh này và có thể sẽ không công bố công khai.
Dư luận lên tiếng nhưng những người có trách nhiệm cho rằng công bố danh sách công khai sẽ gây tổn thương và có thể có tác động tiêu cực đến các thí sinh này.
Bởi, chúng ta cũng cần tính đến tính nhân văn nữa để các thí sinh học hành. Hơn nữa, đây lại là việc mà cha mẹ các em làm, một số em chỉ là "nạn nhân" thôi.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn |
Rõ ràng, các cơ quan chức năng đang rất đúng và việc dư luận lên tiếng đòi công bố danh sách là… không phù hợp.
Công bố, nghĩa là công khai những thí sinh vi phạm và cha mẹ các em là ai thì xã hội đều biết hết hay sao?
Không công bố là rất đúng bởi khi các em có giấy gọi nhập học thì gia đình nào chẳng hân hoan báo tin cho họ hàng, bạn bè, người thân biết về sự việc đáng mừng này.
Nhiều gia đình còn liên hoan, mời biết bao nhiêu người đến dự tiệc để chia vui. Bây giờ công bố chẳng lẽ lại đẩy gia đình và thí sinh rơi vào cảnh khó ăn nói với mọi người hay sao?
Không công bố là đúng vì vùng đất Sơn La, Hòa Bình còn nhiều khó khăn. Hàng năm, vẫn thường thực hiện chính sách cử tuyển để đào tạo nhân lực cho địa phương.
Bây giờ, có một số phụ huynh đã lo cho con mình vào học, địa phương không phải cử tuyển mà một số cán bộ trong Hội đồng thi lại có thêm... thu nhập.
Bộ Công an sẽ xử lý thỏa đáng vấn đề các thí sinh gian lận điểm thi |
Việc làm này nhân văn quá còn gì nữa!
Nếu cử tuyển thì phải liên quan đến nhiều ban ngành cùng vào cuộc, đằng này chỉ mấy người họ đã làm thay hết công việc của nhiều người khác còn gì nữa?
Đây phải là việc đáng khen chứ sao lại lên án?
Dư luận cứ nghĩ xem, khi vào học và cả sau này ra trường thì các ngành quân đội, công an, hay ngành Y sẽ vất vả vô vàn.
Những việc đó, một số phụ huynh ở Hòa Bình, Sơn La đã hướng con em mình vào học để sau này cáng đáng những việc vất vả thay cho bao thí sinh khác, các thí sinh con nhà khó khăn học các ngành nghề nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn.
Như vậy, đây là công chứ đâu phải tội lỗi gì đâu mà đòi công khai danh sách nhỉ?
Không công bố để nếu các thí sinh này dù có bị đuổi học thì thời điểm này các em cũng kịp tham dự vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Việc thi vào các ngành nghề khác thì các em chỉ cần nói với người thân và bạn bè là trường học năm qua thấy vất vả không theo nổi nên chuyển sang học trường đại học khác...vậy thôi.
Như thế, người nghe sẽ cảm thông với các em. Ừ, còn trẻ mà, lựa chọn ngành nào phù hợp chứ vào học mấy ngành kia vừa vất vả mà lại gò bó.
Có nên công bố danh sách thí sinh trong vụ tiêu cực thi cử ở Hòa Bình hay không? |
Không công bố để ngành giáo dục mình vẫn đảm bảo được tính nhân văn. Vì giáo dục là dạy người mà đi công bố danh sách thì nó phản cảm vô cùng.
Chẳng lẽ triệt hết đường sống của các thí sinh này sao? Các em còn trẻ mà. Vì thế, ngành giáo dục và các cơ quan tính đúng quá còn gì?
Ai cũng biết, những thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La dính vào đường dây chạy điểm kia có một số em là con của cán bộ, công- viên chức của địa phương.
Nếu công bố công khai thì phụ huynh cũng liên lụy. Lỡ may các vị này lại bị kỷ luật nữa thì thiệt hại đủ đường. Mất cán bộ thì lấy ai đảm đương được công việc của địa phương nữa?
Các cơ quan, ban ngành mình lại chẳng hao hụt mất một số cán bộ hay sao?
Vì thế, dư luận đừng đòi hỏi các cơ quan chức năng công bố danh sách những thí sinh vi phạm nữa nhé.
Các cơ quan chức năng đã làm việc hết sức rồi, họ cũng tính toán kỹ lưỡng mọi phương án sau khi tìm ra được danh sách thí sinh vi phạm rồi.
Điều quan trọng là vẫn đảm bảo được bí mật danh sách những thí sinh vi phạm đã là đã rất thành công.
Việc bây giờ có công bố hay không là của các Sở Giáo dục, mà các Sở Giáo dục thì phải phục tùng sự chỉ đạo từ…Bộ Giáo dục chứ!