Không học hè, trẻ biết làm gì?

04/06/2016 06:11
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều nơi than phiền về “học kỳ thứ 3” làm mất tuổi thơ của trẻ nhưng chính vùng ven biển này, nhiều gia đình chờ đợi “học kỳ thứ 3” như vị cứu cánh.

LTS: Mùa hè đến, trái ngược với niềm vui sướng của trẻ nhỏ vì được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái thì nhiều bậc phụ huynh ở ven biển Bình Thuận nơi cô giáo Phan Tuyết công tác lại băn khoăn, lo lắng vì họ sẽ phải tính toán, thu xếp công việc trong thời gian nghỉ hè của con vì hàng ngày bố mẹ vẫn phải đi biển mưu sinh. 

Trong bài viết này, tác giả chỉ ra nỗi vất vả của học sinh cũng như phụ huynh vùng ven biển này khi kỳ nghỉ hè tới. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Nghỉ hè là quãng thời gian quý báu mà bất kỳ học sinh nào cũng thích thú, các em được vui chơi một cách thoải mái, không phải lo lắng chuyện học hành, không phải học tập một cách căng thẳng, mệt mỏi. 

Nhưng đối với những đứa trẻ vùng biển nơi tôi sinh sống, cha mẹ các em lại muốn cho con đến trường trong những ngày hè đó bởi chỉ như vậy họ mới yên tâm đi làm mà không phải bận lòng lo cho con ở nhà. 

Vào buổi họp phụ huynh kết thúc năm học, nhiều phụ huynh hỏi giáo viên: “Năm nay trường có dạy hè không cô giáo? Khi nào thì tụi trẻ sẽ được đi học hè?”. 

Nghỉ hè là quãng thời gian quý báu mà bất kỳ học sinh nào cũng thích thú (Ảnh: namdinh.edu.vn)
Nghỉ hè là quãng thời gian quý báu mà bất kỳ học sinh nào cũng thích thú (Ảnh: namdinh.edu.vn)

Nhận được câu trả lời của giáo viên: “Năm học giờ mới kết thúc nên cứ để các em nghỉ ngơi, từ từ mới có thông báo” thì có phụ huynh lên tiếng:

Mong nhà trường sớm mở lớp ôn tập hè để tụi trẻ đi học chứ ở nhà, chúng tôi đi làm vắng thì bọn nhỏ lại tha hồ chơi bời, lêu lổng, tụ tập đánh nhau…”

Trong khi nhiều trẻ em ở thành phố, con nhà khá giả thì mỗi dịp nghỉ hè lại được phụ huynh chuẩn bị cho kế hoạch “xả hơi” sau một năm miệt mài học tập. 

Không học hè, trẻ biết làm gì? ảnh 2

Nơi ấy cần nhiều tình thương

(GDVN) - Hàng triệu ánh mắt đang băn khoăn vừa mừng vừa lo hướng về phía bên kia cổng trường khi năm học nữa lại khai trường.

Em thì đi du lịch dài ngày cùng gia đình, em thì được về quê khám phá, em thì được tham gia kỳ học quân đội, em thì đi học lớp năng khiếu ở các trung tâm văn hóa, cung thiếu nhi…

Còn học sinh quê tôi thì chẳng biết làm gì ngoài việc mong đợi tới trường để học tập “kì học thứ 3” bởi trường học nơi này là nơi an toàn nhất mà phụ huynh gửi con mình vào đó vì phụ huynh thường vắng nhà cả ngày. 

Những ngày chưa nghỉ hè, trẻ được đến trường nhưng ngày hè đến, các em không biết làm gì ngoài việc tập trung ở nhà xem phim, lang thang hết nơi này đến nơi khác, vào quán Internet miệt mài với trò chơi. 

Còn một bộ phận không nhỏ trẻ em thuộc gia đình khó khăn thì nghỉ hè là khoảng thời gian các em trở thành lao động chính kiếm tiền trang trải việc học.

Em thì đi bán vé số, em thì đi nhặt đầu cá, cạy sò, em thì đi bưng bê, rửa bát phụ giúp quán ăn…Khi được hỏi, em nào cũng muốn sớm được trở lại trường vì đi làm mệt nhọc. 

Dạo quanh một vòng qua nhiều phố ở các phường, xã ven biển vào dịp hè sẽ thấy mấy quán Internet ven đường chật kín người mà khách hàng toàn là trẻ em. 

Không học hè, trẻ biết làm gì? ảnh 3

Mùa hè với học trò của tôi

(GDVN) - Mới nghỉ hè vài tuần mà gặp đứa nào đứa ấy đen nhẻm, quần áo sốc sếch, cáu bẩn, tanh nồng mùi mực cá, trông thật đến tội.

Nhiều gia đình không yên tâm khi đi làm vì sợ con sẽ đi chơi game nên đã nhốt các em ở trong nhà, điều đó có nghĩa là chính phụ huynh đã ban cho con cái mình một “đặc ân” xem tivi, xem đầu đĩa một cách thoải mái. 

Vậy là những bộ phim tình cảm lâm li bi đát của người lớn đến những bộ phim kiếm hiệp đều được các em say mê xem từ ngày này sang ngày khác. 

Chị Hòa (mẹ của học sinh An), ở phường Phước Lộc, tỉnh Bình Thuận tâm sự: “Biết là cho con xem phim cả ngày sẽ hại mắt nhưng còn hơn để cháu ra ngoài mà bị bạn bè xấu lôi kéo. 

Còn cho con đi học lớp năng khiếu như đàn, hát, vẽ thì không có người đưa đón vì đường xa mà gia đình lại không đủ tiền vì cả 3 con tôi đang trong độ tuổi đến trường
”.

Nhiều nơi mọi người than phiền về “học kỳ thứ 3” làm mất tuổi thơ của trẻ nhưng chính vùng ven biển này, “học kỳ thứ 3” trở thành vị cứu cánh cho nhiều gia đình. 

Phan Tuyết