Cần bỏ tư tưởng sính bằng cấp
Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đây được xem là một yêu cầu rất quan trọng, định hướng chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải cho biết: “Tư tưởng trọng bằng cấp đã nảy sinh mạnh mẽ trong xã hội của chúng ta vài chục năm trở lại đây. Lúc đầu, người ta đề ra đề ra yêu cầu bắt buộc đối với những vị trí việc làm phải được đào tạo và có chứng chỉ về trình độ đào tạo. Đây là yêu cầu chính đáng, ở quốc gia nào cũng vậy.
Ví dụ, trong ngành khám chữa bệnh thì có các cấp đào tạo như y sỹ, bác sỹ; trong ngành công nghệ - kỹ thuật thì phân ra các bậc học như trung cấp kỹ thuật, cao đẳng kỹ thuật, kỹ sư; trong giáo dục phổ thông thì phân cấp giáo viên theo cấp học; trong giáo dục đại học thì phân loại giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp…
Ngoài ra, để xây dựng xã hội học tập người ta khuyến khích công daan học tập suốt đời theo phương châm “Học, học nữa, học mãi” (V. I. Lenin). Tất nhiên ở đây là học thật, thi thật, nhân tài thật
Dần dà, tư tưởng hám danh, hám bằng cấp trong xã hội cứ thế phát triển đến mức mất kiểm soát; trở thành hội chứng bằng cấp”.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải (Ảnh quochoi.vn) |
Theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, người học thì cần có bằng, càng cao càng tốt, thường xem nhẹ kiến thức. Thuê học, thuê thi, thuê viết luận văn… dần dà lây lan như một căn bệnh nan y. Thậm chí có những trường hợp không cần học, không cần thuê, mà mua luôn bằng cấp.
Xã hội có cầu ắt có cung. Trong một số ngành đào tạo vì chạy theo lợi ích trước mắt nên đã đào tạo ồ ạt, xem nhẹ yêu cầu chuyên môn, cấp bằng quá dễ dãi.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải cho rằng, các hiện tượng tiêu cực này tồn tại trong xã hội nước ta là một thực tế, còn mức độ phổ biến đến đâu thì phải do cơ quan chức năng điều tra, đánh giá. Tuy nhiên, cái hại mà nó mang lại cho xã hội là không hề nhỏ.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra tham nhũng. Việc lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để biến tài sản công, tài sản xã hội thành của riêng mình, gia đình mình, thân hữu và bè cánh mình.
“Về hình thức thì bằng cấp là sự ghi nhận, chứng nhận cho trình độ văn hóa, chuyên môn. Vậy thì sử dụng bằng giả hoặc bằng thật nhưng kiến thức giả để mưu đồ được ưu tiên bố trí, đề bạt vào những vị trí có quyền lực hoặc để khoe khoang thì nên được xem xét, đánh giá là hành vi gì?
Liệu đó có phải là sự thiếu trung thực, man trá, lừa dối, ganh đua thấp hèn? Chắc rằng hành vi đó xứng với bất cứ tên gọi nào vừa liệt kê ở trên, tùy theo mục đích, mức đọ hậu quả mà nó gây ra”, ông Khải nhận định.
Khi nào số bằng cấp phản ánh đúng tầm vóc và năng lực?
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải có 12 năm học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến. Ông cho biết, tại các nước đó, người học tự xét thấy cần thiết hoặc có hứng thú, đam mê thì học lên trình độ sau đại học. Cần trình độ nào thì học theo cấp học tương ứng.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải cho rằng nên khuyến khích việc học tập, nghiên cứu. |
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải kể, một số bạn nghiên cứu sinh người Nhật cùng thời ông chỉ học hết thạc sỹ rồi đi làm. Họ nói rằng tiêu chuẩn việc làm mà họ dự định đảm nhận chỉ cần đến trình độ thạc sỹ. Nếu học lên tiến sỹ sẽ mất cơ hội hoặc bị từ chối vì người sử dụng lao động sẽ phải chi lương cho người có trình độ tiến sỹ cao hơn thạc sỹ, kỹ sư trong khi không cần thiết trình độ đó. Vì vậy, có những người phải “giấu” bớt bằng cấp đi để được nhận việc.
“Tại các nước tiên tiến, học vị tiến sỹ cần cho các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp; học hàm giáo sư, phó giáo sư cần cho những người làm việc giảng dạy, đào tạo; chức danh kỹ sư trưởng, tổng công trình sư…cần cho những người làm việc thiết kế, chế tạo, xây dựng các công trình.
Trong số các chính trị gia, nhà quản lý, công chức thì tỷ lệ những người có học vị, học hàm cao không nhiều.
So với các nước Đông Nam Á hiện nay, Việt Nam có số lượng tiến sĩ thuộc tốp đầu. Tuy nhiên, nếu đề cập đến phát minh, đổi mới sáng tạo, các sáng chế được cấp bản quyền thì lại không tương xứng. Tỷ lệ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ ngành kỹ thuật, công nghệ thấp, mất cân đối”, ông Khải nói.
Như vậy để thấy được rằng, việc cấp bằng dễ dàng, sở hữu bằng cấp không đúng với năng lực không thể phản ánh đúng tầm vóc, thực lực của người học, cùng không thể đánh giá được tiềm năng của nền giáo dục quốc gia.
Phương châm “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và việc chấn hưng nền giáo dục thời đại 4.0
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải cho rằng chúng ta nên khuyến khích việc học tập, nghiên cứu, bởi ai cũng có quyền học tập, học tập suốt đời, có học có hơn.
Mặt khác, việc bảo đảm “học thật, thi thật, nhân tài thật” sẽ tạo ra một xu thế lành mạnh, thực sự tôn trọng kiến thức, trọng dụng hiền tài. Sự tôn vinh của xã hội là động lực vô cùng mạnh mẽ để mọi người thi đua học tập, nhất là thanh niên.
Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải cũng đề nghị cơ quan chức năng nên chỉnh đốn tình trạng bất cập hiện nay trong đào tạo, thi cử, cấp bằng, chứng chỉ hiện nay.
Trước hết, tiếp tục rà soát để chuẩn hóa tiêu chí, yêu cầu chuyên môn, thời gian học tập và nghiên cứu, quy trình đào tạo, đánh giá, cấp chứng chỉ ở các cấp học.
Thứ hai, đề ra định mức cho cơ sở đào tạo, người hướng dẫn luận án, luận văn để tránh trường hợp đào tạo ồ ạt, thực nghiệm sơ sài, không bảo đảm chất lượng.
Thứ ba, bố trí công việc, đề bạt cán bộ cần đặt ra yêu cầu chuyên môn; tuy nhiên lĩnh vực chuyên môn phải gắn với tính chất công việc và người đó phải được đào tạo thực chất về kiến thức và kinh nghiệm. Kiên quyết loại bỏ việc lợi dụng danh nghĩa học hàm, học vị thiếu thực chất, vụ lợi.
Thứ tư, cần kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm thường xuyên; khen thưởng kịp thời những cơ sở đào tạo, cấp bằng đáp ứng yêu cầu chất lượng cao; tiến tới xếp hạng năng lực đào tạo một cách dân chủ, khách quan, khoa học nhằm khuyến khích, tạo điều kiện các cơ sở đào tạo phấn đấu đạt chuẩn và nâng cao thương hiệu, uy tín.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, nâng cao lòng tự trọng và danh dự của những người trí thức chân chính; những cơ sở đào tạo và cấp bằng; kiên quyết chống và đẩy lùi những vi phạm pháp luật về đào tạo, thi cử, cấp chứng chỉ.
“Trí thức chân chính là những người coi trọng danh dự. Mà danh dự thì không thể đạt được bằng phương thức thấp hèn. Vì vậy, ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ là định hướng chắc chắn sẽ được giới trí thức hưởng ứng và đồng hành”, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải khẳng định.