Ước gì kinh tế như bây giờ mà đạo đức lại như xưa
Ngày 25/5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 thảo luận về vấn đề kinh tế xã hội. Tại buổi thảo luận này, nhiều đại biểu đặt ra những lo lắng về sự xuống cấp của đạo đức và lối sống đáng hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng, có tình trạng suy thoái đạo đức, kỷ cương, phép nước chưa nghiêm.
Theo ông Cầu: “Gần đây đã xảy ra những câu chuyện động trời, gây bất bình dư luận, như đốt than tre làm thuốc trị ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.
Tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người và còn nhiều những câu chuyện động trời khác".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn). |
Ông Cầu cho biết, cử tri lo lắng và tâm tư rằng: “Ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay, còn đạo đức xã hội lại được như ngày xưa”.
Vị đại biểu này cho rằng: “Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn trên có nhiều, nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp về đạo đức, sự buông lỏng kỷ cương phép nước.
Vì thế, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp cứng rắn, mạnh tay, trừng trị, đẩy lùi những hành vi mất nhân tính nêu trên”.
Cùng chung tâm trạng lo lắng về sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức, kỷ cương, phép nước, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng: “Phát triển kinh tế chưa song hành văn hóa, Chính phủ cần bình luận về vấn đề này”.
Ông Lưu Thành Công cho biết: “Cử tri kiến nghị cần dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Đây là yêu cầu bức thiết khi những vấn đề đạo đức bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ với xã hội”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công (ảnh quochoi.vn). |
Vị đại biểu này nhấn mạnh: “Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa thì chúng ta tự làm mất chúng ta, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa.
Nếu làm tốt vấn đề này có thể khắc phục được các vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, bênh vô cảm, giảm tệ nạn xã hội, việc quản lý Nhà nước sẽ dễ dàng hơn".
Nhiều dị tật trong văn hóa do đâu?
Trước đó ngày 22, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội cho rằng: Chưa bao giờ các vấn đề văn hoá, y tế, giáo dục lại đến mức "không thể tưởng tượng nổi" như hiện nay.
Lo lắng về thái độ, hành vi ứng xử của một số học sinh, giáo viên và phụ huynh |
Đó là hiện tượng cô giáo bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng, ngậm dép hay nhiều vụ việc bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung,...
Những hiện tượng này rất khác với hình ảnh mẫu mực của thầy cô, bác sĩ như vẫn từng thấy trong truyền thống.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thì đây chính là "dị tật" của nền kinh tế.
“Khẳng định văn hóa là động lực tinh thần, là nền tảng của xã hội” nên vị đại biểu này đề nghị đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm trong ăn mặc ở một hãng hàng không, hoặc hàng loạt các con vật trở thành “quái thú” ở điểm du lịch Hòn Dáu - Đồ Sơn (Hải Phòng), hiện tượng lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) văng tục bị đẩy lên mạng xã hội...[1]
Phó Giáo sư Lê Quý Đức nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Việc nhiều đại biểu Quốc hội cảnh báo trước sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức lối sống trong xã hội hiện nay trái ngược với sự tăng trưởng của kinh tế là hồi chông cảnh tỉnh cần thiết phải được chấn chỉnh, khắc phục.
Câu hỏi cần làm rõ là tại sao kinh tế tăng trưởng nhưng đạo đức văn hóa lại xuống cấp? Điều này có phải là mặt trái của sự phát triển hay là sự bất thường của sự phát triển của nước ta?
Để có góc nhìn sâu sắc hơn, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục trả lời thực trạng cử nhân thất nghiệp |
Theo ông Lê Quý Đức: “Thực trạng kinh tế tăng trưởng nhưng đạo đực văn hóa xuống cấp đó là một nghịch lý.
Vì theo nguyên lý, thì văn hóa phải phát triển thì kinh tế mới tăng trưởng. Bởi, theo lý thuyết chúng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Thực tế hiện nay, kinh tế thì tăng trưởng nhưng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách xuống cấp, suy thoái. Thậm chí, còn tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Ông Đức phân tích thêm: “Chúng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Bác Hồ nói rằng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Nhưng sở dĩ có nghịch lý tồn tại trong sự phát triển hiện nay là có nhiều nguyên nhân.
Tôi cho rằng trong đó cần thiết phải xem nền tảng văn hóa chúng ta đang đặt ra liệu có phù hợp hay không phù hợp trong giai đoạn hiện nay và phải có biện pháp giải quyết tận gốc".
Tài liệu tham khảo
1. https://nld.com.vn/thoi-su/dau-dau-viec-mot-so-can-bo-cao-cap-dinh-trong-an-luc-bi-bat-roi-quoc-hoi-moi-biet-20180522115225529.htm