Kịch bản nào cho chuyển đổi giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 và 2050?

22/02/2023 06:42
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trước đây, giáo dục vẫn phải luôn thích ứng và đáp ứng với một thế giới thay đổi. Giờ đây, hơn bao giờ hết giáo dục phải góp phần làm thay đổi thế giới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục (Transforming Education Summit) do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chủ trì tháng 9/2022 tại New York, Ủy ban Quốc tế về các tương lai của giáo dục đã ra tuyên bố “cùng nhau chuyển đổi giáo dục vì các tương lai công bằng và bền vững”.

Tuyên bố mở đầu như sau: “Trước đây, giáo dục vẫn phải luôn thích ứng và đáp ứng với một thế giới thay đổi. Giờ đây, hơn bao giờ hết giáo dục phải góp phần làm thay đổi thế giới. Dù hơn nửa thế kỷ đã có nhiều nỗ lực quốc gia và quốc tế trong giáo dục và phát triển, nhưng các lời hứa về giáo dục có chất lượng cho mọi người vẫn dang dở. Chúng ta không thể nào bảo đảm rằng giáo dục là một quyền của con người trong suốt cuộc đời nếu tiếp tục như cũ… Một chuyển đổi giáo dục dũng cảm là cấp bách”.

Ở đây, chuyển đổi giáo dục được hiểu vượt lên trên cải cách giáo dục. Nếu cải cách giáo dục chỉ xoay quanh những đổi mới nhằm tạo ra các phiên bản tốt hơn của các hệ thống giáo dục hiện có thì chuyển đổi giáo dục bao gồm cả đổi mới và làm mới mà kết quả là tạo ra hệ thống giáo dục mới, khác với cái hiện có.

Định hướng cho chuyển đổi giáo dục nói chung đã được chỉ ra trong Báo cáo toàn cầu 2021 của UNESCO hay còn gọi là báo cáo Sahle-Work với tên gọi “Cùng hình dung lại các tương lai: Một khế ước xã hội mới về giáo dục”. Riêng đối với giáo dục đại học, hội nghị giáo dục đại học thế giới lần thứ ba, do UNESCO tổ chức từ 18 đến 20/5/2022 tại Barcelona, đã thống nhất đề xuất một lộ trình sáng tạo lại giáo dục đại học vì một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn và bền vững hơn.

Việc làm rõ định hướng chuyển đổi giáo dục đại học theo các báo cáo của hội nghị giáo dục đại học thế giới lần thứ ba là cần thiết để góp phần hoàn thiện chiến lược và quy hoạch phát triển giáo dục đại học Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2050, trong bối cảnh tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ảnh minh hoạ: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ảnh minh hoạ: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Định hướng quốc tế về chuyển đổi giáo dục đến năm 2030

Dưới tiêu đề “Vượt giới hạn. Các cách thức mới để sáng tạo lại giáo dục đại học” [1], báo cáo của UNESCO đề xuất một lộ trình sáng tạo lại giáo dục đại học đến 2030. Nhận định giáo dục đại học đang vận động trong một bối cảnh mới với những thách thức mới mang tính toàn cầu, báo cáo khẳng định quan điểm giáo dục đại học là một lợi ích chung (common good) và là một phần không thể thiếu trong việc thực hiện quyền con người về giáo dục.

Quan điểm trên được cụ thể hóa thành các nguyên tắc sau đây trong việc xác định lộ trình của giáo dục đại học đến 2030 và sau nữa:

- Bảo đảm công bằng, hòa nhập và đa dạng người học;

- Thực thi tự do học thuật và sự tham dự của mọi bên có liên quan;

- Thúc đẩy tư duy phê phán, theo đuổi chân lý và sáng tạo;

- Đề cao tinh thần liêm chính và các giá trị đạo đức;

- Cam kết đóng góp vào phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội;

- Theo đuổi sự ưu tú thông qua hợp tác chứ không phải cạnh tranh.

Trên cơ sở các quan điểm và nguyên tắc nêu trên, Hội nghị giáo dục đại học thế giới đề xuất lộ trình sáng tạo lại giáo dục đại học với 6 chuyển đổi căn bản sau:

- Chuyển từ hệ thống tinh hoa, phân biệt đối xử, đôi khi xa lánh các nhiệm vụ công sang hệ thống bảo đảm quyền của con người về giáo dục đại học thông qua việc tiếp cận giáo dục đại học công bằng, được tài trợ tốt và bền vững.

- Chuyển từ hệ thống tập trung đào tạo chuyên ngành hoặc chuyên nghiệp sang hệ thống chú trọng giáo dục, đem lại cho sinh viên những trải nghiệm học tập toàn diện, thúc đẩy các giá trị dân chủ và sự phong phú của con người.

- Chuyển từ hệ thống các cơ sở giáo dục đại học biệt lập sang hệ thống liên ngành và xuyên ngành, đối thoại rộng mở và hợp tác tích cực với góc nhìn đa dạng.

- Chuyển từ một hệ thống cứng nhắc đón nhận người học sau trung học sang hệ thống học tập suốt đời với những lộ trình học tập linh hoạt để đem lại một khung khổ nhất quán và phong phú hơn trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của con người.

- Chuyển từ một tập hợp các cơ sở và chương trình có thứ bậc và kết nối yếu sang một hệ thống nhất thể các chương trình đa dạng và phương thức học tập linh hoạt để mở rộng các cơ hội giáo dục cho thanh niên và người lớn, tránh các ngõ cụt.

- Chuyển từ mô hình giảng dạy công nghiệp sang mô hình các trải nghiệm học tập được dẫn dắt bởi phương pháp sư phạm và được làm giàu bởi sức mạnh công nghệ, nơi người học tự quản lý lộ trình học tập của mình.

Bốn kịch bản cho chuyển đổi giáo dục đại học đến năm 2050

Phương pháp kịch bản là phương pháp được đưa ra trong hơn chục năm nay để phục vụ cho tư duy về những tương lai của giáo dục. Kịch bản được hiểu là sự mô tả nhất quán và tương thích về các tương lai giả định khác nhau xuất phát từ các cách nhìn khác nhau về những phát triển trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó là “câu chuyện” về những tương lai khả dĩ của giáo dục.

Nó sử dụng cả logic và trí tưởng tượng để cung cấp cho nhà hoạch định chính sách về những bức tranh tương lai mà cách tiếp cận logic truyền thống thường dễ bỏ qua. Vì vậy, kịch bản khác với chiến lược, nó không phải là định hướng cho sự phát triển. Nó là công cụ góp phần khắc phục khiếm khuyết cơ bản trước đây trong phương pháp xây dựng chiến lược là phương pháp ngoại suy. Nó kích thích tranh luận, khơi gợi tư duy và cách nhìn mới, và nhờ vậy mở rộng phạm vi lựa chọn trước khi đi đến quyết định chiến lược.

Dĩ nhiên có thể hình dung vô vàn kịch bản về chuyển đổi giáo dục đại học. Để khoanh lại phạm vi của các kịch bản, cần xây dựng một phương pháp luận dựa trên một số giả định và dựa vào cơ sở dữ liệu về các nghiên cứu liên quan đến các tương lai của giáo dục đại học để trả lời câu hỏi: “Một kịch bản mong muốn và hợp lý cho giáo dục đại học vào năm 2050 sẽ như thế nào?”.

Có hai giả định quan trọng được đặt ra. Thứ nhất, quan điểm giáo dục đại học là lợi ích chung vẫn được giữ vững; điều đó định hướng cho sự phát triển của giáo dục đại học để bảo đảm rằng giáo dục đại học chính là một nỗ lực xã hội tập thể vì sự hoàn thiện con người, cộng đồng và xã hội; nơi mọi thành viên trong xã hội được trao quyền để phát huy hết năng lực và có thể tương tác với những người khác, với hành tinh và với tất cả những sinh vật sống khác trong thế giới chúng ta đang sống.

Thứ hai, nguyên tắc công bằng xã hội trong giáo dục đại học được bảo đảm; điều đó định hướng cho việc xây dựng một nền giáo dục đại học công bằng và có chất lượng cho mọi người.

Trên cơ sở các giả định trên cùng việc nhận dạng các yếu tố tác động trong và ngoài, phối hợp với việc hồi cứu các nghiên cứu về các tương lai của giáo dục đại học, bốn kịch bản về chuyển đổi giáo dục đại học đã được UNESCO đưa ra để trao đổi rộng rãi, tham vấn ý kiến chuyên gia và hoàn thiện [2].

Kịch bản 1: giáo dục đại học mở. Đó là mô hình giáo dục đại học có sứ mệnh thúc đẩy vai trò công bằng xã hội của giáo dục đại học bằng cách cung ứng giáo dục tiếp cận được, bao trùm, linh hoạt, có chất lượng và công bằng cho tất cả mọi người.

Kịch bản 2: các trung tâm học tập nối mạng được hỗ trợ bởi công nghệ. Đó là mô hình giáo dục đại học có sứ mệnh góp phần tạo ra những chuyển đổi xã hội nhằm nâng cao sự hạnh tồn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho học tập, sản sinh tri ​​thức và thu hút cộng đồng qua các mạng học tập được hỗ trợ bởi công nghệ.

Kịch bản 3: giáo dục đại học bền vững về sinh thái học. Đó là mô hình giáo dục đại học có sứ mệnh gắn kết với vô vàn hệ sinh thái khác để đồng sáng tạo và kết nối thế giới trong việc phát triển và thúc đẩy học tập, sản sinh tri thức phục vụ nhân loại và hành tinh, nâng cao tính bền vững thông qua cải thiện môi trường, hạnh tồn xã hội và phát triển con người.

Kịch bản 4: giáo dục đại học dẫn dắt sự phát triển. Đó là mô hình giáo dục đại học có sứ mệnh hợp tác với các lĩnh vực khác để sản sinh tri thức đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực bằng cách tạo ra các hệ thống tri thức được chia sẻ nhằm nâng cao cộng đồng, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của con người.

Hiển nhiên các kịch bản trên không loại trừ nhau và cũng không tách biệt nhau, mà có phần đan xen do cùng phải tuân theo các giả định chung về phát triển trên nguyên tắc bảo đảm giáo dục đại học là một lợi ích chung và bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục đại học.

Có thể nói, các kịch bản này là sự tiếp nối của lộ trình giáo dục đại học đến 2030 với những ưu tiên chiến lược khác nhau. Các ưu tiên chiến lược này đối với kịch bản 1 là thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; đối với kịch bản 2 là thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số; đối với kịch bản 3 là bảo đảm phát triển bền vững; đối với kịch bản 4 là dẫn dắt sự phát triển cả về kinh tế và xã hội.

Các kịch bản trên cần được xem như phác hoạ về những tương lai khả dĩ mà các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng như một công cụ để mở rộng tầm nhìn, thoát khỏi lối mòn, tạo ra các giá trị mới trên hành trình chuyển đổi giáo dục đại học để tuổi trẻ hôm nay có thể đương đầu thành công với những thách thức của ngày mai.

Chuyển đổi giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 và 2050

Ở Việt Nam, hiện chưa có khái niệm “chuyển đổi giáo dục đại học”. Thay vào đó là khái niệm “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học”. Tuy nhiên, trong tuyên bố UNESCO “Cùng nhau chuyển đổi giáo dục vì các tương lai công bằng và bền vững”, thì khái niệm chuyển đổi được định nghĩa như sau: “Chuyển đổi có nghĩa là những thay đổi căn bản đối với các quy trình và cơ hội giáo dục trên toàn thế giới”.

Hiểu như vậy và căn cứ vào các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thì chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam cũng chính là chủ trương về chuyển đổi giáo dục đại học.

Vì thế, đối sánh lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam với lộ trình UNESCO về giáo dục đại học đến 2030, có thể thấy như sau:

Về bản chất, 6 chuyển đổi trong lộ trình UNESCO quy về xây dựng một hệ thống giáo dục đại học mới với những đặc tính sau đây: mở, linh hoạt và liên thông, học tập suốt đời; đa ngành, liên ngành và xuyên ngành; đa dạng, hợp tác và kết nối; phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin. Về cơ bản đó là một hệ thống được tái cơ cấu một cách căn bản nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người, suốt đời, mọi lúc, mọi nơi.

Đó cũng là mục đích mà giáo dục đại học Việt Nam theo đuổi trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện. Bốn chuyển đổi mà giáo dục đại học Việt Nam phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29 chính là lộ trình tái cơ cấu phù hợp với bối cảnh cụ thể và đặc trưng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đáng quan tâm là trong Quyết định 209 ngày 17/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2030, mục tiêu được đề ra là: “Thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương”.

Như vậy, về mặt chủ trương giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển đổi phù hợp với khuyến nghị của UNESCO trong lộ trình chuyển đổi giáo dục đại học đến 2030.

Vấn đề mà tiếp đây chúng ta cần làm rõ là giáo dục đại học Việt Nam sẽ chuyển đổi theo những kịch bản nào đến năm 2050. Câu trả lời có liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2050 thì Việt Nam “là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh.

Chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược trong sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam sau năm 2030. Ảnh: Đại học Đà Nẵng

Chuyển đổi số là ưu tiên chiến lược trong sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam sau năm 2030. Ảnh: Đại học Đà Nẵng

Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu…; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc” [3]. Như vậy có thể thấy ưu tiên chiến lược trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam sau 2030 là đẩy mạnh giáo dục đại học số phục vụ đắc lực cho việc xây dựng quốc gia số, kinh tế số, xã hội số, phát triển bền vững.

Riêng về hai giả định của UNESCO về phát triển trên nguyên tắc bảo đảm giáo dục đại học là một lợi ích chung và bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục đại học thì đó chính là một phần trong quan điểm chỉ đạo xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục nước ta gắn liền với yêu cầu bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục.

Vì thế, xuất phát từ những nhận định nêu trên, với giả thiết mục tiêu phát triển giáo dục đại học đến năm 2030 đã được thực hiện, thì nhìn từ các quan điểm phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, có thể đưa ra kịch bản mong muốn và hợp lý cho giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2050 là như sau:

Hình thành hệ sinh thái giáo dục đại học số, mở, linh hoạt và liên thông, gắn kết với giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, mà nòng cốt là các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cao đi đôi với trách nhiệm giải trình đầy đủ, chuyển đổi mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần tích cực vào việc xây dựng quốc gia số, kinh tế số, xã hội số, phát triển bền vững.

Kết luận

Cho đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đã trên hành trình chuyển đổi được 10 năm. Đã có những bước tiến đáng kể nhưng mục tiêu đến năm 2030 về “một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời” còn đối diện với rất nhiều thách thức.

Nhưng, nếu giả định rằng những thách thức này đã vượt qua và mục tiêu giáo dục đại học đến năm 2030 được thực hiện thì kịch bản nêu trên về giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2050 là mong muốn và hợp lý. Đó là kịch bản phù hợp với quan điểm phát triển và tầm nhìn đến 2050 trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dĩ nhiên, kịch bản nêu trên chỉ là một kịch bản khả dĩ. Hoàn toàn có thể đề xuất một số kịch bản khả dĩ khác trên cơ sở vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam các kịch bản giáo dục đại học đến 2050 được UNESCO đề xuất như nêu trên.

Vì thế, bài viết này chỉ giới hạn ở một mong muốn là khơi gợi được, thúc đẩy được sự quan tâm của các nhà khoa học đến việc trao đổi, tranh luận, làm rõ tầm nhìn về giáo dục đại học Việt Nam tại thời điểm của hai cột mốc quan trọng là năm 2030 và 2045 khi mà tầm nhìn về sự phát triển của đất nước vào hai thời điểm này đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Tài liệu tham khảo:

[1] UNESCO, 2022, Beyond Limits. New Ways to Reinvent Higher Education. Working document for the World Higher Education Conference. 18-20 May 2022.

[2] Makoe, M., 2022, The futures of higher education. Reimagining the futures of higher education: Insights from a scenario development process towards 2050. Paper commissioned for the World Higher Education Conference 18-20 May 2022.

[3] Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến