LTS: Đại học được tự chủ quyết định sự sống còn của một trường. Bài viết của GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày sự phát triển các mô hình quản trị và quản lý giáo dục đại học trên thế giới và nêu một mô hình chung được chấp nhận rộng rãi, đó là mô hình “quyền tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình”.
Theo GS. Lâm Quang Thiệp, đó cũng là mô hình mà giáo dục đại học Việt Nam nên lựa chọn. Trong bài viết này các khái niệm tự chủ và tự do học thuật trong giáo dục đại học thế giới cũng được điểm qua.
Bài viết được chia thành hai nội dung, nội dung thứ hai sẽ dẫn một số quy định trong các văn bản pháp quy về giáo dục đại học nước ta liên quan đến quyền tự chủ, đặc biệt là tự chủ về học thuật.
Bài viết cũng sẽ đưa ra một số ví dụ cho thấy khó khăn trong việc thực thi các quyền tự chủ về học thuật, và chỉ ra một lý do quan trọng của tình trạng này là sự thiếu chuyên nghiệp trong đội ngũ cán bộ quản lý cả về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như phía các cơ sở giáo dục đại học.
Bài viết cũng nêu một điểm sáng trong việc thực thi quyền tự chủ đại học của trường Đại học Tôn Đức Thắng dẫn đến những thành công đáng ghi nhận về hoạt động học thuật của nhà trường.
Tổng kết lại, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, để thực thi tốt cơ chế tự chủ đại học cần tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý giáo dục đại học trong các quan Nhà nước cũng như các cơ sở giáo dục đại học, và cần tổ chức tập huấn, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn và phổ biến những kinh nghiệm thành công.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Việt Nam cần chọn mô hình quản trị đại học nào?
Trong vòng hai thập niên gần đây trên thế giới có nhiều mô hình quản trị giáo dục đại học được xác định nhằm cố gắng tạo sự hài hòa giữa nhu cầu của cộng đồng học giả về quyền tự chủ của nhà trường với yêu cầu của nhóm người có lợi ích liên quan (stakeholders), đặc biệt là Nhà nước, về trách nhiệm giải trình.
Trong các mô hình đó có thể lưu ý hai mô hình cơ bản, đó là mô hình kiểu doanh nghiệp (corporate model) (cũng thường được gọi là mô hình Anh - Mỹ) và mô hình dịch vụ dân sự (civil service model) (thường được xem là mô hình Châu Âu lục địa).
Trong mô hình theo kiểu doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học được quản lý như các công ty. Mỗi trường có một hội đồng trường quyết định sứ mệnh và định hướng chiến lược của trường, phê duyệt ngân sách, chỉ định nhân sự quản lý cao cấp, bao gồm hiệu trưởng, để hiệu trưởng xây dựng bộ máy quản lý của mình.
Trong mô hình dịch vụ dân sự, các cơ sở giáo dục đại học là những ‘cánh tay’ đắc lực của chính phủ, được bộ chủ quản quản lý, giáo chức là công chức, nhà trường chỉ khác các bộ phận khác của chính phủ là được cung cấp các cơ chế để đảm bảo tự do học thuật (academic freedom).
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp. Ảnh của Xuân Trung |
Theo mô hình này các bộ ngành quyết định về việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phân bổ ngân sách theo hạng mục, phê duyệt cấu trúc chương trình, quá trình thi cử v.v.. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn được trao quyền tự do học thuật theo các cách thức khác nhau.
Các mô hình hiện nay ở Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á …có thể được xem là các mô hình ‘lai’ của một hoặc hai mô hình trên. Mô hình xô-viết trước đây đặc trưng bởi hình thức quản lý tập trung giáo dục đại học có thể xem như mô hình đơn nhất đặc biệt, đã được áp dụng ở Việt Nam trước đây, nhưng hiện nay bị từ bỏ ở phần lớn các nước, ngay cả ở Nga.
Qua việc quan sát xu thế phát triển về quản trị giáo dục đại học trên thế giới trong thời gian lịch sử lâu dài có thể thấy hiện tượng “đu đưa” của quản trị giáo dục đại học như con lắc dao động hai bên vị trí cân bằng, giữa tình trạng quyền lực được chia sẻ với sự tham gia của giới học thuật và tình trạng quyền lực tập trung vào nhà nước và bộ máy lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học.
Lời gan ruột của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho kỳ tuyển sinh đại học sắp tới(GDVN) - “Năm nay Bộ nghĩ rằng những đổi mới sẽ tích cực, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ vẫn lộn xộn. Bởi vì tỷ lệ ảo còn liên quan tới công tác hướng nghiệp ở phổ thông. |
Sự phát triển các mối tương tác nói trên đưa đến một mô hình chung về quản trị và quản lý cơ sở giáo dục đại học có thể gọi là mô hình “quyền tự chủ (autonomy) cùng với trách nhiệm giải trình (accountability)”.
Mô hình quản trị giáo dục đại học mà Việt Nam cần lựa chọn: “quyền tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình”. Mô hình chung nêu trên chính là mô hình quản trị giáo dục đại học mà Việt Nam cần lựa chọn.
Một mặt, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ, tức tự do và linh động kiểm soát số phận của mình khi chúng phải chống chọi với sự thay đổi và thách thức đua tranh trong và ngoài nước. Quyền tự chủ cũng gắn liền với tự do học thuật.
Mặt khác, cần phải đòi hỏi chúng quản lý tốt ngân sách công, cung cấp giáo dục và sản phẩm có chất lượng và phù hợp với nhu cầu kinh tế xã hội.
Nói ngắn gọn, các cơ sở giáo dục đại học sẽ rất tự do quản lý các hoạt động của mình, đồng thời phải giải trình để chứng tỏ các hoạt động của mình là theo đuổi đúng các mục tiêu chính sách quốc gia.
Cân bằng giữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là cả một nghệ thuật và cũng là một khoa học về chính sách. Tìm sự cân bằng đó trong từng quốc gia là một mục tiêu hết sức quan trọng.
Tự chủ và tự do học thuật trên thế giới
Theo lịch sử giáo dục đại học phương Tây có thể xem khái niệm tự chủ đại học được đưa vào đầu tiên bởi Wilhelm von Humboldt để biến đổi đại học kiểu Napoleon thành trường đại học nghiên cứu.
Theo quan điểm của Humboldt, trường đại học phải tự do dạy (Lehrfreiheit), tự do học (Lernfreiheit) và thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu (Einheit von Forschung and Lehre). Các quan điểm nêu trên không phải bao giờ cũng được thừa nhận, nhưng trong hàng thế kỷ được xem là đặc trưng cho tự chủ đại học của phương Tây.
Vào năm 1965 Hiệp hội quốc tế các trường đại học định nghĩa tự chủ đại học là quyền ra quyết định về ai sẽ dạy, ai sẽ được học, ai sẽ tốt nghiệp và cái gì sẽ được nghiên cứu, và một ít quy định liên quan đến tài chính (Kemal Gurus, 2011).
Tự chủ đại học- một chủ trương khả thi(GDVN) - Chặng đường 30 năm đổi mới, các mô hình đại học mới như đại học quốc gia, đại học bán công, đại học dân lập, đại học tư thục đã ra đời. |
Như vậy ở phương Tây tự chủ đại học chủ yếu liên quan đến tự do học thuật. Quan niệm tự chủ đại học của Helmholdt ban đầu được giới hạn trong lớp học và labo, chủ yếu thuộc phạm vi chuyên môn của giáo sư, đến đầu thế kỷ 20 ở Mỹ quan niệm tự chủ đại học được phát triển ra không gian công cộng và mọi chủ đề ngoài chuyên môn. Dần dần hai quan niệm đó kết hợp lại với nhau.
Như đã nêu, khi nói về tự chủ, giáo dục đại học phương Tây chú ý nhiều đến tự do học thuật. Trong tiến trình lịch sử, tự do học thuật thường được quyết định bởi các lực bên ngoài đại học, và mức độ lên xuống tùy thuộc xu hướng chính trị của các thể chế.
Khi có sự căng thẳng trong thể chế chính trị, tự do học thuật thường bị thách thức. Chẳng hạn, từ thời trung cổ nhà thờ đã chà đạp lên tự do học thuật qua việc trừng phạt Galileo.
Trong thế giới tư bản, ở Đức tự do học thuật thời Helmholdt hoàn toàn bị bóp nghẹt dưới thời Nazi của Hitler vào thập niên 1930-40, ở Mỹ tự do học thuật cũng bị hạn chế bởi các chính sách chống cộng thời McCarthy thập niên 1950;
Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ tự do học thuật bị bóp nghẹt tại Liên Xô thời Staline hoặc tại Trung Quốc thời Cách mạng văn hóa 1968 và hậu Thiên An môn năm 1989. Các thời kỳ thể chế chính trị ổn định hơn thì tự do học thuật cũng được nới lỏng.
Tự do học thuật đặc biệt quan trọng trong xã hội kinh tế tri thức của thế kỷ 21, vì rằng hiện nay trường đại học là cỗ máy then chốt của xã hội tri thức và trường đại học càng có hiệu quả cao khi có tự do học thuật.
Các nhà nghiên cứu làm việc có hiệu quả cao khi không bị câu thúc, việc giảng dạy cũng có hiệu quả hơn khi có tự do tư tưởng. Trong xã hội hiện đại, nơi rất nhiều người lao trí óc tập trung trong các trường đại học, tự do học thuật càng trở nên quan trọng để tạo nên một xã hội dân sự lành mạnh và phát triển đời sống tri thức [Altbach P. G. , 2011].
Còn nữa...