Kiến nghị Bộ GDĐT lọc ảo đối với phương thức xét tuyển sớm để trường ĐH yên tâm

18/07/2023 06:50
Kim Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các trường cung cấp dữ liệu theo phương thức xét tuyển sớm để Bộ tham gia lọc cho các trường, như vậy sẽ giảm được tỷ lệ thí sinh ảo.

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học đều đã công bố kết quả xét tuyển sớm. Từ nay đến 30/7, các thí sinh sẽ tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học 2023 trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khó xác định tỷ lệ trúng tuyển và nhập học trong năm tuyển sinh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho biết, những năm gần đây kết quả tuyển sinh đại học chính quy của trường đều tốt: Năm 2021 đạt 102,0 % chỉ tiêu, năm 2022 đạt khoảng 92,4 % nhưng là năm có sự cân đối số lượng trúng tuyển ở các ngành.

Năm 2023, nhà trường vẫn giữ ổn định chỉ tiêu so với các năm gần đây (3.070 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo).

Về xét tuyển sớm, trường đã tổ chức xét tuyển và công bố điểm trúng tuyển, danh sách trúng tuyển của 3450 thí sinh

Năm nay, nhà trường cấp học bổng tương đương 30% học phí toàn khóa học cho sinh viên trúng tuyển và nhập học những ngành đặc thù như: Công nghệ kỹ thuật hóa học; Công nghệ hóa thực phẩm.

Trong những năm gần đây, trường có một số ngành “hot”, như nhóm ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật Ôtô, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động Hoá, Cơ điện tử,…

Một số ngành khó tuyển như Công nghệ kỹ thuật hoá học, Sư phạm Công nghệ. Nguyên nhân có thể do thí sinh chưa tìm hiểu rõ về ngành học, như ngành Công nghệ kỹ thuật Hoá Học rất dễ xin việc, thu nhập cao nhưng vẫn khó tuyển sinh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trong chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NTCC

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trong chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ảnh: NTCC

Hơn nữa, dù là trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thương hiệu và chất lượng đạo tạo tốt, nhưng vì đóng tại địa bàn tỉnh Hưng Yên nên vẫn khó “hút” thí sinh vì nhiều em muốn học tập tại Thủ đô.

Chia sẻ về vấn đề kiểm soát thí sinh ảo, Phó Giáo sư Chu Văn Tuấn cho biết, việc xét tuyển năm nào cũng có số thí sinh ảo do các quy định về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng đến đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh (không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số nguyện vọng).

Vì vậy việc xử lý dữ liệu, quyết định điểm sàn, điểm trúng tuyển phải căn cứ trên nhiều tham số để đảm bảo đúng quy định, trong đó đảm bảo không vượt quá 3% chỉ tiêu đã công bố.

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác xét tuyển nên hoàn toàn chủ động trong xử lý kỹ thuật trong xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh và thực hiện đúng quy định hiện hành.

“Tuy nhiên, với quy định hiện hành, khi tuyển vượt 3% sẽ bị phạt là điểm gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục nói chung trong việc xác định tỷ lệ trúng tuyển và nhập học trong năm tuyển sinh.

Nhà trường đề xuất nên áp dụng tỷ lệ % vượt này theo quy mô sinh viên của ngành/lĩnh vực đào tạo trong 04 năm với các ngành đào tạo cấp bằng cử nhân, hoặc 4,5 – 5 năm với các ngành đào tạo cấp bằng kỹ sư.

Khi đó các cơ sở đào tạo sẽ có cơ sở điều chỉnh tỷ lệ gọi sinh viên trúng tuyển và nhập học trong từng năm để không vượt quá tổng chỉ tiêu cũng như đảm bảo các điều kiện về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong chu kỳ của một khóa đào tạo”, thầy Tuấn đề xuất.

Phó Giáo sư Chu Văn Tuấn thông tin thêm, so với năm 2022, điểm thay đổi đáng chú ý nhất là thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không quan tâm đến phương thức, tổ hợp xét tuyển,… điều đó đã mang lại quyền lợi cao nhất cho thí sinh, tránh nhầm lẫn, sai sót.

Nhà trường xét tuyển sớm đã áp dụng quy định này. Thí sinh được xét tuyển với các điều kiện tối ưu nhất (ví dụ như: lấy điểm của tổ hợp cao nhất trong các tổ hợp của ngành xét tuyển). Như vậy quy định tuyển sinh năm 2023 có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, khi thực hiện, nếu có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ ngành liên quan nên hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong việc cung cấp và chuẩn hoá dữ liệu thí sinh như đối với thí sinh tự do chưa có dữ liệu học bạ điện tử, dữ liệu về đối tượng và khu vực ưu tiên,….để công tác xét tuyển sớm nhanh và chính xác hơn, tránh được những sai sót.

Bộ GDĐT nên tham gia lọc ảo xét tuyển sớm cho các trường

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển sinh 2500 chỉ tiêu đối với 4 ngành đào tạo: ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, ngành Luật thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý).

Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: NP

Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: NP

Công tác tuyển sinh những năm qua của trường đều thuận lợi và đạt kết quả tốt.

Năm nay, trường tổ chức xét tuyển sớm từ đầu tháng 3 với 1100 chỉ tiêu, trường nhận được hơn 9000 hồ sơ xét tuyển và đến ngày 25/5 là đã công bố kết quả tuyển sinh sớm với kết quả rất cao.

Năm 2022, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng theo tổ hợp và phương thức xét tuyển nhưng năm nay đã có sự thay đổi, thí sinh tự đăng ký nguyện vọng theo ngành, theo trường chứ không cần đăng ký theo tổ hợp, phương thức xét tuyển. Hệ thống sẽ chọn tổ hợp lợi thế nhất cho thí sinh. Đây là một thay đổi tuyệt vời tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương cho rằng, hiện các trường đại học khá bị động khi khó kiểm soát tỷ lệ thí sinh ảo.

Khi xét tuyển sớm mà trường không kiểm soát được số lượng thí sinh ảo thì sẽ dẫn tới chênh lệch điểm đầu vào giữa các phương thức. Ví dụ trường có 1100 chỉ tiêu xét tuyển sớm trên tổng 2500 chỉ tiêu, trường chọn 2000 em trúng tuyển xét tuyển sớm, nếu cả 2000 em đều nhập học thì chỉ còn 500 chỉ tiêu cho phương thức còn lại là không hợp lý.

Tiến sĩ Dương đề xuất, cần có sự phân tích dữ liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với phương thức xét tuyển sớm để lọc ảo. Các trường cung cấp dữ liệu theo phương thức xét tuyển sớm để Bộ tham gia lọc cho các trường. Điều này giúp tránh tình trạng thí sinh ảo ngay từ xét tuyển sớm và vẫn đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Còn hiện nay, các trường vẫn phải cố gắng lọc ảo trong phạm vi từng trường đối với xét tuyển sớm.

Trường Đại học Luật Hà Nội cũng phải phân tích dữ liệu các phương thức xét tuyển sớm theo nguyện vọng của thí sinh. Số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 càng cao thì tỷ lệ sinh viên ảo càng thấp.

“Ví dụ ngành Luật tổ hợp A00 có 100 chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sớm. Phải xem xét số lượng thí sinh đăng ký các nguyện vọng như thế nào để quyết định lấy 100 em hay 120 em hay 150 em.

Có thể lấy 150 em trong trường hợp có 50 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, 30 em đăng ký nguyện vọng 2,… Đó là cách trường tính toán để kiểm soát số lượng thí sinh ảo theo nguyện vọng đăng ký”, Tiến sĩ Dương cho biết.

Kim Ngân