Ngày 10/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn EQuest tổ chức tọa đàm “Nâng cao chuẩn đại học với Thông tư 01 - Gỡ khó hay gặp khó” dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, thầy cô là lãnh đạo, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã cùng trao đổi, thảo luận một số nội dung tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, đại diện của nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết hiện nay, mặc dù Thông tư 01 đã chính thức được ban hành và có hiệu lực song các trường vẫn “gặp khó” ở một số tiêu chuẩn, tiêu chí đặt ra trong bộ chuẩn ví như tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ, diện tích đất trên người học (25m2/sinh viên) hay yêu cầu ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt,….
Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Phan Lê Chung - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) cho biết, yêu cầu về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Thông tư 01 là một thách thức đối với các cơ sở đào tạo khối ngành văn hoá - nghệ thuật nói chung và với Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) nói riêng.
Tiêu chí 2.3, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như sau:
"Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.
Tỷ lệ này không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".
Theo chia sẻ của thầy Chung, đặc thù của đội ngũ giảng viên đào tạo lĩnh vực nghệ thuật thiên về thực hành thay vì nghiên cứu học thuật nên hầu hết giảng viên không quá mặn mà với học nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Trên thực tế, quá trình để giảng viên tham gia nghiên cứu sinh và đạt trình độ tiến sĩ sẽ mất từ 5 - 7 năm, điều này khiến trường khá chật vật trong việc cố gắng đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn quy định.
Cùng chia sẻ tại toạ đàm,Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những yêu cầu, tiêu chí tại Thông tư 01 chính là điều kiện để đảm bảo chất lượng và chỉ số hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Việc đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho một cơ sở giáo dục đại học, đây là nhiệm vụ tất yếu mà các trường đều phải thực hiện.
Là cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành văn hoá - nghệ thuật và đang đào tạo trình độ tiến sĩ ở 1 ngành, đối chiếu với Thông tư 01, hiện Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh không gặp khó ở những tiêu chí, tiêu chuẩn cơ sở vật chất mà gặp khó ở việc đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ.
Theo đó, cô Thuỷ trăn trở rằng tiêu chuẩn về giảng viên tại Thông tư 01 đang thiếu sự công bằng khi không phân biệt theo từng ngành đào tạo mà gộp chung các trường lại với nhau.
Cụ thể, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh dù chỉ đào tạo 1 ngành học ở trình độ tiến sĩ nhưng vẫn phải thực hiện những tiêu chí, yêu cầu giống như cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhiều ngành tiến sĩ khác. Đây là con số không hề nhỏ và với những cơ sở đại học đào tạo các ngành đặc thù sẽ không dễ dàng đạt được.
Chia sẻ về những khó khăn nhà trường đang phải đối mặt, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy cho biết theo chủ trương tinh giản biên chế, các trường khối đơn vị sự nghiệp công lập phải chấm dứt hợp đồng chuyên môn đối với nhiều giảng viên. Khi đó, số lượng giảng viên sẽ giảm đi và khối lượng công việc tại trường học thì tăng lên.
Chưa kể, theo Điều 11 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: Đối với đơn vị nhóm 1, đơn vị nhóm 2 và đơn vị nhóm 3 tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên thì sẽ được ký hợp đồng toàn thời gian.
Tuy nhiên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt được mức tự chủ theo quy định trên nên chưa được ký hợp đồng dưới hình thức này. Vì thế số lượng giảng viên của trường vẫn chưa được bổ sung kịp thời để lấp vào khoảng trống tinh giản biên chế và số lượng giảng viên về hưu.
Trong khi đó, giảng viên khối văn hoá - nghệ thuật có trình độ giáo sư, phó giáo sư hầu hết đã cao tuổi, viên chức trình độ tiến sĩ thì rất trẻ và không quá mặn mà đến việc phấn đấu đạt học hàm giáo sư, phó giáo sư. Do đó, công tác để bổ sung lực lượng giảng viên trình độ cao đáp ứng yêu cầu tại Thông tư 01 là một thách thức lớn đối với Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
“Hiện nay, trường đã có 33% tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ và hiện đang có 16 giảng viên đang tham gia học nghiên cứu sinh. Theo kế hoạch đến năm 2030, nhà trường sẽ đạt đủ tỷ lệ 50% như chuẩn yêu cầu.
Tuy nhiên, để có thể giữ nguyên đội ngũ giảng viên của trường cho đến năm 2030 hay không thì đó là một bài toán khó đối với nhà trường khi áp lực cạnh tranh trong hệ thống giáo dục hiện nay rất lớn, đặc biệt là các chính sách đãi ngộ để thu hút giảng viên.
Trước nguy cơ chảy máu chất xám, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phải cố gắng rất nhiều để có thể giữ nguyên đội ngũ giảng viên của mình trong 5 năm tới, đồng thời xây dựng thêm nhiều chính sách, chế độ để khuyến khích giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ, phát triển đội ngũ giảng viên để tăng cả về số lượng và chất lượng”, cô Thuỷ chia sẻ.
Cũng theo cô Thủy, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, quy chế tổ chức hoạt động cũng như quy chế chi tiêu nội bộ của một cách rõ ràng, cụ thể để có thể đảm bảo và phát triển đội ngũ giảng viên của mình trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhà trường đã ban hành chủ trương khuyến khích viên chức còn trong độ tuổi công tác đi học nâng cao trình độ và trường sẽ chi trả toàn bộ kinh phí. Sau khi có quyết định cấp bằng tiến sĩ, trường sẽ trao thưởng bằng 15 lần lương tối thiểu.
Thứ hai, với giảng viên đã có trình độ tiến sĩ nhưng đủ điều kiện để phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì sẽ có cơ chế trao thưởng đối với các báo quốc tế, từ 20-50 triệu đồng/bài.
Thứ ba, nếu giảng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư sẽ được nhà trường trao thưởng bằng 20-30 lần lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, nhà trường đang cố gắng bổ sung phụ cấp ngoài lương đối với giảng viên có trình độ cao. Cụ thể giảng viên trình độ tiến sĩ sẽ nhận phụ cấp 1 triệu đồng/tháng, giảng viên có học hàm phó giáo sư là 1,5 triệu đồng/tháng và giảng viên học hàm giáo sư là 2 triệu đồng/tháng.
Là cơ sở giáo dục đại học chưa đào tạo tiến sĩ nhưng đặt tại địa phương (tỉnh Kiên Giang), tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Kiên Giang chưa đạt 20%.
Chia sẻ tại toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết, Thông tư 01 là cơ sở để các trường đại học dựa theo và có định hướng phát triển của riêng mình. Tuy nhiên, khi thực hiện theo bộ chuẩn này, mỗi đơn vị đều sẽ gặp những thách thức, khó khăn riêng.
Trên thực tế, tỷ lệ giảng viên có trình độ cao phân bố không đồng đều giữa các khu vực. Theo đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế trong việc quy tụ đội ngũ giảng viên trình độ cao.
Do đó, các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện, đáp ứng yêu cầu về giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Thông tư 01.
Theo đánh giá của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Cang, tiêu chuẩn giảng viên vừa là động lực để các trường cố gắng, vừa là thách thức với những đơn vị còn khiêm tốn về điều kiện thu hút nhân lực.
Đặc biệt, với những trường đang đào tạo tiến sĩ hoặc đang phấn đấu tiến tới đào tạo trình độ tiến sĩ thì con số không dưới 50% tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không phải chuyện đơn giản.
Trên cơ sở đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang đề xuất nên quy định tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên ngành đào tạo thay vì quy định trên cơ sở giáo dục đại học để tránh tạo áp lực cho các đơn vị, cũng như tạo sự công bằng cho các trường trong quá trình thực hiện.
Nên điều chỉnh lại chuẩn cơ sở vật chất để tránh lãng phí
Còn theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo,Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu "ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt" là một thách thức chung của các trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là những trường nằm trong khu vực nội thành của các thành phố lớn.
Nhìn từ góc độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể hiểu đây là mong muốn nhằm nâng cao không gian làm việc cho đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên trên thực tế, với những trường đại học ở các thành phố lớn có diện tích đất hạn chế sẽ không thể triển khai nội dung này.
Bên cạnh đó, khi phần lớn thời gian thầy cô làm việc là ở các phòng bộ môn, phòng lab riêng nên nếu bố trí phòng làm việc riêng cho 70% giảng viên cơ hữu tại trường thì có thể sẽ gây ra sự lãng phí.
"Hiện Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có 1.100 giảng viên, nếu phải đảm bảo 70% giảng viên toàn thời gian đều có phòng làm việc riêng biệt thì số lượng phòng mà trường phải đáp ứng rất lớn, đi kèm là chi phí vật dụng trang bị trong phòng như bàn ghế, máy lạnh.....
Trong bối cảnh hiện nay, cơ sở giáo dục đại học cần đầu tư vào rất nhiều hạng mục cần thiết và cấp bách hơn để nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy nên, yêu cầu chỗ làm việc riêng cho giảng viên nên chăng cần xem xét lại để các đơn vị có thể tập trung ở những hạng mục quan trọng hơn", thầy Nhân nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Dương Văn Bá - Phó Trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học, Trường Đại học Hoà Bình cũng cho rằng, cần xem xét lại chuẩn về cơ sở vật chất để phù hợp với thực tiễn và không gây ra sự lãng phí.
Theo thầy Bá, điều cần quan tâm và đặt lên hàng đầu là cơ sở vật chất dùng để phục vụ, đáp ứng công tác giảng dạy, đào tạo cho sinh viên. Nếu áp yêu cầu "diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2 " thì chắc chắn các cơ sở giáo dục đại học sẽ lại "rốt ráo" tìm kiếm quỹ đất ở các tỉnh lân cận để đủ diện tích như yêu cầu tại Thông tư 01 nhưng hiệu quả sử dụng đến đâu thì chưa biết, thậm chí có nơi còn bỏ hoang.
Lúc này, việc đáp ứng này chỉ mang tính chất đối phó chứ không thật sự phục vụ cho việc đào tạo.
Trên cơ sở đó, thầy Bá kiến nghị nên cân nhắc, xem xét và tính toán kỹ lưỡng những tiêu chí về cơ sở vật chất hoặc xây dựng các chuẩn khác để thay thế, sao cho vừa đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, vừa hạn chế tình trạng lãng phí.