Kiến nghị quy đổi ra tiền mặt thay vì cấp phát gạo cho học sinh DTTS

09/07/2023 06:50
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo có nhiều điểm mới, hỗ trợ kịp thời các em vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn nhưng vẫn còn một số bất cập. 

Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là dự thảo).

Với dự thảo này, Phòng giáo dục và Đào tạo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho biết có nhiều điểm cải tiến như: cụ thể hơn các định mức với từng đối tượng, bổ sung thêm một số nội dung hỗ trợ (nhà ở, thuốc, điện, nước...).

Đặc biệt việc đưa thêm đối tượng trẻ em nhà trẻ bán trú vào hưởng hỗ trợ là điều cần thiết, nhân văn. Tuy nhiên, bản dự thảo này vẫn còn một số điểm bất cập và chưa sát với tình hình thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), ông Nguyễn Tiến Thắng cho biết dự thảo nên điều chỉnh, bổ sung một số điểm như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng được hưởng chính sách.

Ở phần điều kiện được hưởng chính sách có nêu: “Học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở thuộc hộ nghèo mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại trường phổ thông thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: phải qua biển, hồ, sông, suối; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá”

Theo vị lãnh đạo nên bỏ từ: “dân tộc thiểu số” trong mục này để đối tượng được hưởng chế độ là tất cả học sinh thuộc hộ nghèo (bao gồm học sinh dân tộc Kinh). Vì trên thực tế nhiều con em, học sinh người dân tộc Kinh nhưng vẫn thuộc hộ nghèo của vùng đặc biệt khó khăn.

Cũng tại nội dung này, vị này cũng kiến nghị bỏ điều kiện khoảng cách xa trường với đối tượng học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở để các em đều được hưởng trợ cấp.

Thứ hai, điều chỉnh mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên dựa theo % mức lương cơ sở thay vì ghi cụ thể số tiền .

Ở phần hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ của trẻ em nhà trẻ bán trú, định mức dự kiến 360 nghìn đồng/1 em thì nên sửa thành: "Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng bằng 20% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học".

Tương tự, đối với việc hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng bằng 50% mức lương cơ sở (thay vì ghi cố định mức là 900 nghìn đồng trong dự thảo) và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Ở phần hỗ trợ tiền nhà ở, mỗi học sinh, học viên phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường, hoặc do cần có sự hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt của người thân (sức khỏe yếu, khuyết tật, nhỏ tuổi) mỗi tháng được hỗ trợ là 20% mức lương cơ sở (thay vì ghi cố định là 360 nghìn đồng) và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Theo thầy Thắng, thực tế cho thấy việc quy định mức cố định trước mắt có thể phù hợp với kinh tế hiện tại nhưng sau này thì chưa chắc. Nếu quy định mức hỗ trợ theo % mức lương cơ sở, tức là nếu mức lương cơ sở có điều chỉnh theo kinh tế chung thì mức hỗ trợ cũng sẽ sát với thực tế.

Thứ ba, bổ sung, điều chỉnh hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho từng đối tượng.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho rằng bổ sung thêm phần hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho trẻ em nhà trẻ bán trú buổi trưa với định mức lương tối thiểu vùng là 3,64 triệu đồng/tháng/30 trẻ do trong dự thảo chưa có mục này.

Đồng thời, với mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú nên được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu vùng là 3,64 triệu đồng thay vì 2,7 triệu đồng như dự kiến.

Cùng chung ý kiến về mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đà Bắc (Hòa Bình), bà Bùi Thị Hồng Anh cho biết:

“Nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn là 2,7 triệu đồng/tháng/30 em học sinh và không quá 9 tháng. Nếu như vậy 3 tháng còn lại các cô nấu ăn cho trẻ em mầm non sẽ phải tự tìm việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống”, vị lãnh đạo nêu.

Trong khi đó, người lao động đi làm công nhân ở địa phương có mức lương từ 4-5 triệu đồng, nhiều nơi có xe đưa đón, chế độ đầy đủ nên trường học khó có thể việc tuyển dụng các cô nấu ăn bán trú.

Các trường học hiện nay trên địa bàn huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đều phải tự chi trả cho việc thuê các cô nấu ăn bán trú với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng trở lên. Do đó, cô Hồng Anh mong muốn sắp tới mức hỗ trợ cho các cô nấu ăn bán trú có thể đạt tối thiểu từ 3,5 triệu đồng để các cô có thể yên tâm làm việc.

Tiếp theo, các đối tượng trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên bán trú đều có chung một định mức 15kg gạo hỗ trợ là chưa hợp lý. Thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng cũng như số lượng của từng đối tượng trẻ em, học sinh, học viên là khác nhau.

Nếu quy định cùng một định mức là 15kg gạo thì sẽ dẫn đến tình trạng trẻ mầm non ăn không hết, bỏ thừa, lãng phí còn đối với học sinh, học viên có thể sẽ thiếu.

Ngoài ra, với số lượng gạo hỗ trợ cho cả kỳ học, các trường nhận xong đều chất vào các kho dự trữ, nấu ăn dần. Nhưng nhiều trường học không có sẵn kho và phải tận dụng các phòng khác, kê tạm bàn chất gạo lên để tránh ẩm mốc hay mối, mọt.

Tuy nhiên việc này cũng chỉ là cách bảo quản tạm thời, bởi lẽ gạo hỗ trợ là từ kho dự trữ quốc gia, sau đó để trong kho của các trường và gạo để càng lâu thì chất lượng lại không được đảm bảo. Thực tế trước đây có trường sau khi nhận gạo, nhiều thầy cô phải đem ra các cửa hàng bên ngoài đổi lấy gạo ngon nấu cơm cho các em có chất dinh dưỡng.

Vị lãnh đạo cũng thông tin thêm việc vận chuyển gạo cũng phát sinh nhiều chi phí, bất cập. Cụ thể, gạo hỗ trợ thông thường sẽ được đưa đến trung tâm huyện, sau đó Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với địa phương để đưa gạo về các trường học.

Có điểm trường xa nhất so với trung tâm huyện là hơn 100km, các cán bộ quản lý phải tính toán chi phí thuê xe chở gạo đến cho các trường.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển gạo phát sinh thêm chi phí bốc vác. Mỗi năm có 2 kỳ học, các trường có thể nhận gạo tối thiểu 2 lần/1 năm học và tối đa là 4 lần/1 năm học.

Mỗi một lần nhận hỗ trợ gạo sẽ có một lần bốc vác gạo từ trung tâm huyện lên xe, một lần bốc vác gạo từ xe vào kho của các trường và kỳ học sau cũng tương tự.

Đại điện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết nếu được, việc hỗ trợ có thể quy đổi ra tiền mặt với định mức tương đương với số cân gạo và gửi cho các trường tự chủ động mua gạo đảm bảo cho học sinh.

Vân Ánh