Con cố GS.TS Võ Hồng Anh viết về Mẹ

28/04/2011 10:44
Con viết những dòng này mà nước mắt cứ rơi rơi nhoà hết cả màn hình. Thế là đã 2 năm kể từ ngày 2 đứa viết chung một thiếp chúc mừng tặng mẹ. Nhân ngày của mẹ.

Không gì có thể bù đắp lại cảm giác yên tâm của con trong cuộc sống khi còn có mẹ.

6 quyết sách cấp bách của tướng Giáp về Giáo dục VN

Mẹ,

Đã một thời gian rất dài con luôn mơ là cố thêm một chút nữa thì chữa được khỏi bệnh cho mẹ. Con cũng luôn nói với mẹ là bệnh tình không nặng để mẹ yên tâm chữa bệnh. Rồi trước khi mất, mẹ vẫn nghĩ là bệnh của mẹ không nặng. Còn con, con không hiểu sao mọi việc lại diễn ra như thế. Mẹ chẳng dặn được gì cho con và cho con dâu vì chúng con có cần điều đó đâu. Chúng con cần mẹ.

Con viết những dòng này mà nước mắt cứ rơi rơi nhoà hết cả màn hình. Thế là đã 2 năm kể từ ngày 2 đứa viết chung một thiếp chúc mừng tặng mẹ. Nhân ngày của mẹ. Như là 2 đứa con tặng mẹ vậy.

Thiếp đó cùng với chiếc cúp vô địch quốc gia chúng con tặng mẹ, mẹ để ngay đầu giường, cùng với những đồ vật quan trọng nhất của mẹ. Điều đó làm chúng con biết mẹ thích nó và rất yên tâm về 2 đứa.

Mẹ cũng hãy biết rằng tất cả các bạn của mẹ ở lớp Internat, có lẽ phải đến 80 người đều nhớ và thương mẹ lắm. Hai năm qua đi mà tình cảm vẫn nguyên vẹn như khi mẹ còn sống. Những tình cảm đó bây giờ dành cho con và Trang làm chúng con thấy ấm áp vô cùng, mẹ ạ.

Những bài viết của những người bạn của mẹ viết về mẹ sau khi mẹ đã mất, tình cảm chân thành, thương tiếc và xúc động lắm. Rồi những sự giúp đỡ  của họ cho con, sau khi mẹ đã mất. Tất cả điều đó làm con không cảm thấy trống vắng quá mức. Vẫn có mẹ ở đâu đó khá rõ xung quanh.

Ông vẫn khoẻ và bà thương con nhiều. Các cậu và các dì, các cô và các chú cũng hêt sức giúp đỡ con. Chỉ có điều không gì có thể bù đắp lại cảm giác yên tâm của con trong cuộc sống khi còn có mẹ.
 

 

Những lúc nửa đêm, con lại nhớ, đã bao năm chỉ có con và mẹ ngồi cùng với nhau và xem cùng một chiếc tivi. Con vẫn tranh xem bóng đá và không cho mẹ xem những bộ phim truyện mà mẹ thích… Bây giờ chỉ còn mỗi con ngồi đó. Hai năm rồi đấy. Vẫn thế thôi. Mọi thứ không có gì thay đổi, chỉ là hai người còn lại một người.

Hai đứa đã hiểu thêm rất nhiều về cuộc sống của mẹ, đã đọc rất nhiều nhật ký của mẹ, đã xem hết các kỷ vật và đồ vật của mẹ. Chúng con trân trọng cũng như thích thú tất cả mọi thứ thuộc về mẹ, đặc biệt là đức tính tiết kiệm, cất giữ tất cả mọi thứ. Chắc chắn là mẹ không vứt đi bất cứ thứ gì, vì tấí cả đều có ích với mẹ. Và rất tiếc là chúng con không được là 1 trong những người giúp mẹ sắp xếp và cất giữ những thứ đó dù con dâu của mẹ rất thích, mơ ước được làm như vậy.

Những bài báo và tài liệu về gia đình mà mẹ cất giữ, đúng như đức tính của mẹ, không thiếu một số nào, đã giúp con biết được thêm rất nhiều về truyền thống gia đình, và hiểu được trách nhiệm của mình. Con tự hào vì gia đình mình lắm và tự hào vì mẹ lắm.

Có một điều mẹ hãy yên tâm, con dâu của mẹ yêu và thương mẹ lắm. Không thể viết tả được là như thế nào, chỉ biết là từ trong đáy lòng thôi. Có lẽ đó là điều may mắn rất lớn của con. Nhưng con vẫn muốn hơn thế nhiều lắm, có cả mẹ nữa.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Hồng Anh, SN 1941, là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Võ Hồng Anh thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp - chị theo học khoa vật lý (bộ môn lý thuyết lượng tử) và đã tốt nghiệp đại học vào năm 1965.

Năm 1969, Võ Hồng Anh bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý về lý thuyết Plasma, sau đó năm 1969-1971, được làm cộng tác viên khoa học tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna - một cơ sở khoa học quốc tế có uy tín của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Năm 1972, Võ Hồng Anh về nước được cử làm việc tại Viện Vật lý Hà Nội, ở đây, chị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề về lý thuyết chất rắn. Năm 1979, Võ Hồng Anh được trở lại công tác tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna và năm 1982 đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán- Lý.

Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1988.

GS - TS Võ Hồng Anh đã qua đời vào 16h ngày 18/7/2009 vì bệnh tật.

Phan Hồng Việt (Bài đăng trên Bee.net.vn)