Kỳ thi khảo sát của Hà Nội không bắt buộc lấy điểm, trường lo học sinh đối phó

21/04/2022 08:27
Đặng Lường - Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu lấy điểm của kỳ thi khảo sát này thì học sinh sẽ cố tìm cách để đạt điểm cao nhất, gây áp lực cho nhau còn nếu không lấy điểm thì có em sẽ đối phó.

Ngày 16/4/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản hướng dẫn thực hiện kiểm tra khảo sát đối với học sinh lớp 12 trung học phổ thông và học viên học chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn thành phố.

Về kỳ khảo sát này nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết, lý do là Sở không bắt buộc lấy điểm, tùy theo điều kiện cụ thể, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thể sử dụng kết quả này làm điểm kiểm tra thường xuyên, nhưng không được lấy làm điểm kiểm tra định kỳ nên có thể dẫn đến nhiều học sinh làm bài đối phó không đảm bảo đánh giá đúng chất lượng dạy và học của nhà trường, gây lãng phí.

Ảnh minh họa: Hà Cường

Ảnh minh họa: Hà Cường

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Khai (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, ngay khi có thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội về kỳ thi khảo sát thì nhà trường đã thông báo tới học sinh và phụ huynh. Hiện tại, trường đang nghiên cứu, xem xét có thể chỉ thực hiện kỳ thi để nắm được tình hình, chất lượng học tập của học sinh tới đâu, nhằm có các phương án để điều chỉnh.

Ngoài ra, nhà trường cũng thực hiện tốt khâu tuyên truyền để học sinh phát huy năng lực tốt nhất trong kỳ thi. Nếu lấy điểm của kỳ thi khảo sát này thì học sinh sẽ cố tìm cách để đạt điểm cao nhất, gây áp lực cho nhau còn nếu không lấy điểm thì sẽ có tình huống học sinh làm không hết khả năng của mình. Vì vậy, trường quyết định không thông báo trước cho học sinh, còn sau này khi tiến hành khảo sát xong xuôi nhà trường sẽ xem xét lấy điểm hay không.

“Kỳ thi của Sở sẽ đánh giá được học sinh, xem kiến thức các em đến đâu, đang ở mức độ nào để còn bổ sung, ôn tập kịp thời. Khi Sở tổ chức kỳ thi như này cũng là cách giúp học sinh làm quen để sau này không bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp chính thức.

Về mặt chất lượng thì bài thi của Sở chắc chắn sẽ bài bản hơn những bài thi cấp trường về việc phân loại đối tượng. Theo như mọi năm thì đề sẽ bao quát hơn và đánh giá, phân loại được học sinh tốt hơn”, cô Thủy cho hay.

Cùng quan điểm trên thầy Nguyễn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho hay, trường còn đang cân nhắc xem có nên lấy điểm của kì thi khảo sát này hay không.

Theo thầy Châu, đây là một kì thi quan trọng giúp các em rà soát lại kiến thức, đồng thời để các thầy cô căn cứ vào đó để bổ sung kiến thức cho các em kịp thời, rèn luyện cho các em tâm lý thi cử thật tốt để bước vào kỳ thi chính thức.

“Các bài kiểm tra thường xuyên định kỳ của trường là các bài thi đánh giá theo mỗi giai đoạn của học sinh, còn với bài khảo sát đánh giá này của Sở là bài thi đánh giá cả một quá trình từ đầu năm đến giờ.

Các bài thi theo hướng dẫn của Bộ có văn bản chính thức, có phân phối chương trình, có khung thời gian nhất định sẽ có mặt đánh giá pháp lý, còn đây là bài đánh giá lại việc học của học sinh và tự rèn luyện cho các em, nó cũng rất quan trọng”, thầy Châu chia sẻ.

Ghi nhận tại trường Trung học phổ thông Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cô Trần Thị Lực- Hiệu trưởng Nhà trường nêu quan điểm, những gì cần thiết cho học trò thì không nên nói lãng phí hay không. Được tham gia một đợt khảo sát sẽ giúp các em sẽ chủ động hơn, biết được lực học của mình như thế nào từ đó chuẩn bị được tâm lý khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp thực sự.

Năm nay học sinh cũng trải qua một thời gian học tập trực tuyến khá dài và kiểm tra trực tuyến cũng nhiều, các em được đi học trực tiếp từ đầu tháng 2 nhưng trong quá trình học đó dịch bệnh còn có nhiều diễn biến phức tạp khiến việc học của các bạn bị gián đoạn, nhiều lần phải học trực tuyến do vùng nâng cấp độ dịch.

“Các em trường phổ thông Minh Phú khá lo lắng về kiến thức của mình và rất mong muốn được làm quen với đề thi cũng như thi thử trực tiếp bởi lâu rồi các bạn chưa được làm bài thi trực tiếp. Được khảo sát trực tiếp như thế các thầy cô cũng ổn định tâm lý cho các em, các em rất muốn biết thực tế đề khảo sát như thế thì kiến thức, lực học của mình đến đâu. Vì vậy các em chắc chắn cố gắng hết sức chứ không làm theo cách chống đối”, cô Lực chia sẻ.

Cô Lực cũng cho biết kỳ thi khảo sát qua các năm trước cho thấy hiệu quả rất tốt, các thầy cô luôn trao đổi với trò phải cố gắng để làm sao cho đúng thực chất học lực, để đánh giá khả năng của mình.

Qua những đợt khảo sát kết quả cho thấy giá trị khảo sát giúp cho nhà trường đánh giá đúng khoảng 80 – 90% chất lượng học sinh của trường từ đó có được những điều chỉnh ôn tập phù hợp cho các em. Kỳ khảo sát cũng giúp cảnh báo những học sinh chủ quan về kiến thức của mình nhưng sau khảo sát các em sẽ thấy rằng mình thiếu chỗ này, hổng chỗ kia.

Cùng quan điểm thầy Phùng Văn Tần - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, đây là kỳ thi khảo sát thực tế rất tốt giúp các em làm quen với đề, giúp các em tự tin hơn bước vào kỳ thi chính thức, do đó đa số học sinh quyết tâm làm bài.

Tuy nhiên cũng có một số em lấy lý do không bắt buộc lấy điểm khảo sát tham gia vào điểm tổng kết của năm học nên các em làm theo hình thức đối phó nhưng đó chỉ chiếm số lượng ít, thuộc nhóm học sinh có lực hơi đuối và không có mong muốn thi vào các trường đại học.

Đặng Lường - Trần Lý