Kỳ thi riêng khối sức khỏe: Cần thiết nhưng dễ gây quá tải với học sinh

19/12/2022 06:50
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề xuất tổ chức kỳ thi riêng nên áp dụng với tất cả các khối ngành, không chỉ riêng khối ngành sức khoẻ.

Tại Hội nghị giáo dục y khoa với chủ đề “Chuyển đổi đào tạo y khoa trong kỷ nguyên của đổi mới và tiến bộ kỹ thuật”, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Huế đã đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe.

Đây là đề xuất nêu ra trong bối cảnh nhân lực ngành sức khỏe bỏ việc, chuyển dịch các khu vực nhiều, dẫn tới việc tuyển sinh khối sức khỏe hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Kỳ thi riêng: cần thiết nhưng phải tính đến những giải pháp không gây phức tạp

Đồng tình với đề xuất, nhưng cũng có ý kiến từ các trường đào tạo y khoa cho rằng: Nếu đề xuất được triển khai, cần tính toán để đảm bảo kỳ thi riêng được diễn ra thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các khối ngành khác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, Trưởng khoa Điều dưỡng hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức kỳ thi/bài kiểm tra riêng cho khối ngành sức khỏe, bởi nó phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, quan trọng hơn là phù hợp với thực tế nhu cầu nhân lực ngành y của nước ta hiện nay.

Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, Trưởng khoa Điều dưỡng hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định (Ảnh: NVCC).
Tiến sĩ Vũ Văn Đẩu, Trưởng khoa Điều dưỡng hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, theo thầy Vũ Văn Đẩu, mặc dù đây là một đề xuất cần thiết, phù hợp, nhưng cá nhân thầy có một số ý kiến trao đổi:

"Để việc đánh giá, kiểm tra đầu vào được mang tính đồng bộ thì theo tôi, không chỉ riêng khối ngành sức khỏe, mà các khối ngành khác như tài chính kinh tế, văn hóa,... cũng đều phải tổ chức thi riêng. Lý tưởng nhất kỳ thi riêng của tất cả các ngành đều tổ chức cùng một ngày.

Và để tổ chức kỳ thi riêng, ví dụ như khối ngành sức khỏe thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan cần lập ra một hội đồng chuyên ngành sức khỏe để ra đề, trực tiếp kiểm tra, đánh giá.

Nếu kỳ thi riêng được tổ chức, để diễn ra thuận lợi, ngành giáo dục cần phải có hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ. Với bất kỳ ngành nào, khi tổ chức kỳ thi riêng thì khâu làm đề, phân mã đề sẽ khó khăn hơn nhưng sẽ đánh giá được chính xác hơn năng lực của người dự tuyển". Nhìn vào mặt tích cực, thì chúng ta sẽ chọn được những người có khả năng phù hợp với ngành, góp phần nâng cao số lượng nhân tài cho đất nước.

Theo thầy Đẩu, nên áp dụng mô hình bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bài kiểm tra có kết quả nhanh chóng sẽ tránh xảy ra những vấn đề tiêu cực trong việc tổ chức kỳ thi riêng. "Nhưng để làm được điều này, tôi e rằng cơ sở hạ tầng của các đơn vị đào tạo sức khỏe chưa thể đáp ứng được trong thời điểm hiện tại", thầy Đẩu nói.

Ở trường hợp khác, nếu giữ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chung (làm căn cứ tuyển sinh đại học) nhưng vẫn muốn sàng lọc được thí sinh phù hợp cho từng nhóm ngành thì phải tổ chức thêm một bài thi môn đặc thù tùy theo từng ngành.

Ví dụ, như điểm bài thi tốt nghiệp sẽ được lấy làm điểm sàn, tuy nhiên, để vào trường, các em cần trải qua thêm một bài thi sát hạch riêng của từng trường như phỏng vấn hoặc bài kiểm tra đánh giá năng lực phù hợp với ngành đã chọn.

Thầy Vũ Văn Đẩu cũng nêu vấn đề, việc đề xuất phương án tuyển sinh riêng với ngành sức khỏe được xem là phù hợp trong bối cảnh tuyển sinh ngành này khó khăn, nhưng cũng phải dự báo một thực tế là: Kỳ thi riêng nếu được tổ chức có thể khiến phụ huynh, học sinh rơi vào tình trạng quá tải, với nhiều phương án tuyển sinh, dẫn tới học tập áp lực.

Hơn nữa, việc tổ chức thêm bài thi đánh giá năng lực riêng của mỗi khối ngành có thể phát sinh ra trường hợp, có em học sinh điểm bài thi chung rất cao (ví dụ 29 điểm) nhưng lại không qua được bài thi sát hạch riêng của trường, của khối ngành thì sẽ ra sao?

Bỏ đặt hàng đào tạo khối ngành sức khỏe sẽ giảm sự mất cân bằng với các khối ngành khác

Thầy Vũ Văn Đẩu cũng cho biết thêm về tình hình tuyển sinh của ngành điều dưỡng - hộ sinh của trường năm nay:

"Năm nay, tỷ lệ tuyển sinh của ngành điều dưỡng - hộ sinh, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đạt trên 80%, không được cao như những năm trước kia, một phần do ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch Covid-19 trong suốt khoảng thời gian dài dẫn đến nhiều người thấy công việc ngành y vất vả.

Hiện nay, nhân lực ngành y tế, sức khỏe đang thiếu nhưng tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non lại bỏ đi phần đặt hàng đào tạo; năm 2023, Bộ sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà áp dụng theo như năm 2022.

Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực, bởi nếu giữ việc đặt hàng đào tạo ngành sức khỏe sẽ gây mất công bằng cho các khối ngành khác. Nếu các học sinh giỏi đều "đầu quân" vào ngành y tế, sức khỏe - vì đầu ra chắc chắn hơn - thì các ngành khác sẽ hao hụt nguồn tuyển giỏi".

Quan trọng hơn, thầy Vũ Văn Đẩu cho rằng, việc đặt hàng về cơ bản là đảm bảo đầu ra. Điều này sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi đầu ra đó có lâu bền hay không, có giữ được nhân lực ngành y làm việc lâu dài hay không lại do môi trường công việc và lương sau ra trường.

Chia sẻ về thực trạng nhân lực các khối ngành sức khỏe tại bệnh viện trong hai năm vừa qua, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh, phụ trách khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết:

"Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, hiện các bác sỹ mới ra trường vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung đang được hưởng mức phụ cấp đặc thù từ 40% - 60%

Như vậy, với mức lương cơ sở hiện nay đang được áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ là 1.490.000 đồng/tháng cộng với phụ cấp trên thì các bác sĩ mới ra trường (sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề), nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được hưởng lương trung bình khoảng 4.881.240 đồng/tháng, đó là còn chưa trừ chi phí nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Không những vậy, trừ những ngày làm bình thường 8 tiếng/ngày, có nhiều ngày trực phải trực 24/24 nhưng lương trực chỉ được từ 90.000 đồng - 112.000 đồng/ngày nên không chỉ nhân viên y tế của đơn vị tôi mà của các đơn vị khác đều rất vất vả".

Cũng theo Bác sĩ Minh, trong hai năm vừa qua, dù chỉ là một bệnh viện đa khoa của huyện, nhưng đơn vị lại có tới 6 nhân viên y tế nghỉ việc bởi áp lực nhưng thu nhập lại không cao. Hơn nữa, nhiều khi nhân viên y tế phải làm thêm giờ mới hết công việc nhưng không được trả thêm tiền.

Do đó, Bác sĩ Minh mong rằng, ngành y tế cũng như Nhà nước nên có chính sách tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế cũng như có quy định rõ ràng về cam kết làm việc với nhân lực y tế, sức khỏe để họ có trách nhiệm hơn, tránh vừa ra trường đi làm, vừa được đào tạo xong lại nghỉ.

Nếu không có chính sách cho vấn đề thu nhập của nhân lực ngành y tế, sức khỏe, đương nhiên, chuyện nhân lực y tế bỏ việc sẽ vẫn diễn ra, điều này sẽ phần nào tác động đến sự khó khăn trong tuyển sinh của các trường đào tạo khối ngành y tế, sức khỏe.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 vào ngày 11/11/2022 vừa qua về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Trà My